Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Âu chưa hết ngột ngạt

Vân Khanh| 12/09/2011 07:06

(HNM) - Chính phủ Đức hoàn toàn có quyền hợp pháp trong việc tiếp tục đóng góp vào các khoản cứu trợ để giải cứu các quốc gia bị cuốn vào bão nợ công trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Phán quyết trong tuần qua của Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức đã dỡ bỏ bản án trước đó của tòa phúc thẩm cho rằng, những ngân khoản mà Berlin tung ra cho Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha thời gian qua là không phù hợp với quy định của pháp luật. Động thái có ý nghĩa cực kỳ quan trọng này khiến dư luận thở phào nhẹ nhõm với hy vọng sẽ có thể trông cậy vào nền kinh tế lớn nhất khu vực trong cuộc chiến chống căn bệnh nợ đang làm châu Âu điêu đứng.

Đình công trong tuần qua đã làm tê liệt hệ thống giao thông công cộng tại nhiều thành phố ở Italia.

Dù có nhiều lời bàn ra tán vào về hiệu quả của các kế hoạch cứu viện cho những thành viên ốm yếu thời gian qua, nhưng cho đến thời điểm này chưa một nhà kinh tế học nào đưa ra được biện pháp tốt hơn để ngăn chặn một sự đổ vỡ nguy hiểm tại Lục địa già. Do vậy, khi giải cứu vẫn là phương án tốt nhất nhằm hỗ trợ những quốc gia gặp vấn đề về thanh khoản khỏi sự sụp đổ tức thì, việc "mạnh thường quân" Đức đã cởi bỏ được những áp lực từ trong nước để hợp pháp hóa đóng góp cho các quỹ cứu trợ kinh tế của Eurozone có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công vẫn đang lan rộng. Quyết định đến không lâu sau khi chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp thuận kế hoạch mở rộng Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) và tiên phong nâng mức đóng góp lên tới 211 tỷ euro (tương đương 305 tỷ USD) so với 123 tỷ euro trước đó, được xem là tin vui trong giai đoạn vô cùng khó khăn với châu Âu. Tín hiệu đó cho thấy những đầu tàu kinh tế khu vực, đặc biệt là cổ đông lớn nhất của chương trình cứu trợ như Berlin, vẫn đang kiên trì mọi nỗ lực và cam kết nhằm đưa Cựu lục địa thoát khỏi vũng lầy nợ nần. Điều đó càng có ý nghĩa khi vay mượn đã bắt đầu trở thành vấn đề của một số trụ cột của Eurozone như Italia hay Tây Ban Nha. Sự kiện Chính phủ Đức vượt qua những phản đối từ nội bộ liên minh trung hữu cầm quyền để kiên định lập trường về chính sách hỗ trợ tài chính đã xóa bỏ những nghi ngờ rằng, việc ứng biến với cơn bão nợ dữ dội bao phủ châu Âu sẽ gặp khó nếu cường quốc số 1 châu lục buông tay. Những số liệu mới nhất khẳng định, tỉ lệ thất nghiệp tại Đức vẫn là 7%, mức thấp nhất trong hai thập kỷ qua, khu vực sản xuất tăng 9% so với năm ngoái là cơ sở để tin tưởng sự vững mạnh của nước Đức sẽ là niềm hy vọng cho Lục địa già.

Dẫu vậy, vẫn phải thừa nhận rằng châu Âu đang ở trọng tâm của vòng xoáy nguy hiểm. Không chỉ bong bóng nợ chưa được khống chế hữu hiệu, tốc độ tăng trưởng quý II của toàn châu lục chỉ đạt 0,2% giữa lúc hầu hết các nền kinh tế lớn trong Eurozone đều trì trệ khiến nhận định khu vực đang đối mặt với nguy cơ kép gồm công nợ và suy thoái có dấu hiệu hiện thực hóa. Nghiêm trọng là đã có những ý kiến cho rằng nút thắt của châu Âu hiện nay chưa phải là các khoản nợ cứ đang lớn mãi mà ở chỗ chưa tìm được một chính sách quản lý tài khóa thực sự hợp lý. Mà thiếu đi những cơ chế tiền tệ đóng vai trò then chốt trong điều phối kinh tế vĩ mô, Lục địa già sẽ rất khó kết thúc một giai đoạn nợ nần đáng nhớ trong lịch sử cũng như kéo nền kinh tế rời xa bờ vực suy thoái.

Ngay sau lời khẳng định Eurozone sẽ không rơi vào suy thoái kép từ Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso, Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu Jean-Claude Trichet đã hạ mức dự báo tăng trưởng năm 2011 từ 1,9% xuống 1,6% và chỉ tiêu của năm 2012 cũng chỉ còn 1,3% so với mức 1,7% trước đó. Tuyên bố triển vọng kinh tế khu vực vẫn đang cực kỳ bấp bênh làm tan biến những kỳ vọng rằng châu Âu đã tiến vào vùng sáng. Từ Italia và Tây Ban Nha, các cuộc biểu tình, đình công làm tê liệt hoạt động ở nhiều thành phố nhằm phản đối các chính sách thắt chặt chi tiêu mà chính phủ đương nhiệm buộc phải thực thi để tránh kịch bản của một Hy Lạp thứ hai lại tiếp tục hâm nóng bầu không khí xã hội vốn đã rất ngột ngạt. Khó khăn kinh tế gây căng thẳng xã hội và bất đồng chính trị, châu Âu thực sự đang trải qua những ngày hè nóng hơn thường lệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Âu chưa hết ngột ngạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.