(HNMO) - Theo Dự báo về Phi công và Kỹ thuật viên năm 2019 do Boeing vừa công bố ngày 3-9, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về các nỗ lực phát triển ngành hàng không thương mại.
Báo cáo cho rằng, khu vực này sẽ chiếm đến hơn một phần ba nhu cầu nhân sự ngành hàng không dự kiến trên toàn cầu trong vòng 20 năm tới, tức tương đương 816.000 người.
Trong đó, riêng phi công thương mại sẽ cần thêm 244.000 người. Nhu cầu này sẽ đặc biệt cao tại Trung Quốc với hơn 50%, tương đương khoảng 124.000 người. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều yếu tố bao gồm: Sự phát triển dự kiến của các đội máy bay, những trường hợp nghỉ hưu và nghỉ việc… Tiếp theo là nhu cầu tại Đông Nam Á và Nam Á, tương ứng lần lượt ở mức 20% và 17%.
Khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng được dự báo sẽ dẫn đầu thế giới về nhu cầu về kỹ thuật viên bảo dưỡng máy bay (249.000 người, tương đương 39% nhu cầu toàn cầu) và nhân viên phi hành đoàn (323.000 người, tương đương 37% nhu cầu toàn cầu), trong đó Trung Quốc dẫn đầu về cả hai nhu cầu này (tương đương 124.000 kỹ thuật viên bảo dưỡng và 150.000 nhân viên phi hành đoàn).
Boeing cũng dự đoán, các hãng hàng không trên toàn cầu sẽ cần thêm khoảng 44.000 máy bay trong hai thập kỷ tiếp theo, trong đó có hơn 17.000 máy bay (tương đương 39%) được giao tới châu Á - Thái Bình Dương.
Báo cáo mới của Boeing được đưa ra trong bối cảnh Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) mới đây dự báo, nhu cầu di chuyển đường không toàn cầu sẽ tăng gấp đôi trong vòng 20 năm tới, đặc biệt là tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi sẽ có khoảng 4 tỷ lượt khách/năm.
Riêng Đông Nam Á, việc bùng nổ các hãng hàng không giá rẻ sẽ là động lực chính đối với nhu cầu tăng cường máy bay và nhân sự hàng không. Số liệu ghi nhận tới nay cho thấy, các hãng hàng không giá rẻ đang đặt hàng khoảng 1.400 máy bay mới, gấp nhiều lần so với con số khoảng 400 chiếc của các hãng hàng không tiêu chuẩn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.