Theo dõi Báo Hànộimới trên

Châu Á đồng loạt chống lạm phát

Vân Khanh| 15/03/2011 06:32

(HNM) - Giá dầu và lương thực, hai mặt hàng chiếm tỉ trọng lớn trong chỉ số giá tiêu dùng châu Á vẫn tiếp tục biến động với biên độ cao do xáo trộn chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi. Cơn bão lạm phát mà châu Á đang phải đối mặt dữ dội nhất đã thành mối hiểm nguy đe dọa cả châu lục. Do đó, hạ nhiệt các cơn sốt giá nối tiếp nhau đang là ưu tiên hàng đầu của tất cả các quốc gia châu Á.

Lạm phát đang ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân châu Á.

Công cụ tiền tệ vốn là bài thuốc "gia truyền" của các ngân hàng trung ương mỗi khi nền kinh tế chao đảo, chưa bao giờ được các nước trong khu vực đồng loạt tung ra như những ngày vừa qua trong một nỗ lực chung nhằm "cắt cơn" lạm phát.

Ngay sau khi Ngân hàng trung ương Thái Lan (BOT) thông báo nâng lãi suất lần thứ hai trong vòng ba tháng hôm 9-3, lên 2,5%, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng thực hiện chính sách tương tự: Nâng lãi suất thêm 0,25% lên 3%. Lần thắt chặt tiền tệ thứ hai của BOK trong năm nay diễn ra trong bối cảnh lạm phát tháng 2 của xứ Kim chi đã tăng tốc lên 4,5% từ mức 4,1% trong tháng 1 và vượt mức trần 4% của BOK. Nỗ lực thu hút dòng tiền đang trôi nổi trên thị trường nhằm kiểm soát lạm phát cũng là nguyên nhân của quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 2% lên 2,25% của Ngân hàng trung ương Malaysia. Ngân hàng Indonesia cũng duy trì mức lãi suất 6,75% sau khi tăng thêm 0,25% cùng với việc cắt giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng và hoãn tăng giá xăng dầu. Trung Quốc cũng đã sử dụng triệt để công cụ tài chính này để bảo vệ nền kinh tế lớn nhất châu Á khỏi tác động của giá cả tăng cao với 3 lần nâng lãi suất cho vay và tiền gửi từ tháng 10-2010, nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng, tăng giá trị đồng nhân dân tệ thêm 3,7% so với đồng USD; đồng thời siết chặt thị trường bất động sản đã nóng đến mức báo động.

Động thái của ngân hàng trung ương các nước trong khu vực khiến không ít người liên tưởng tới sự trái ngược diễn ra cách đây không lâu. Khi đó, để nhanh chóng thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các gói kích thích kinh tế của nhiều nước châu Á đã ồ ạt bơm tiền ra thị trường bên cạnh những chính sách lãi suất thấp, ưu đãi thuế quan, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Nhờ đó, châu lục này đã thành công bước đầu để sở hữu ngôi đầu tăng trưởng toàn cầu trong khi thế giới giàu có phương Tây vẫn loay hoay tìm đường thoát khỏi cơn suy thoái. Thế nhưng, khi nguồn vốn từ khắp nơi ào ạt đổ về thì cũng là lúc các bong bóng tài sản phình to. Thêm vào đó, cú sốc giá dầu và lương thực do thiên tai và biến động chính trị tại Trung Đông và Bắc Phi càng khiến châu Á gặp khó do cơn bão lạm phát như mặt trái của tốc độ tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các chính sách tiền tệ xem ra chưa đủ trong tình hình hiện nay. Do đó, các biện pháp tài khóa như thuế quan chặt chẽ hơn và cắt giảm chi tiêu công phải được xem là công cụ hỗ trợ hữu hiệu. Việc làm này nếu thực hiện tốt, sẽ làm mát các thị trường nóng - như bất động sản - và hiệu quả cuối cùng là giảm sức ép giá cả.

Cuộc chiến chống lạm phát tại châu Á được dự báo còn gay gắt trong thời gian tới khi có thể phải đón nhận "dòng tiền di cư" để tránh bạo lực tại thế giới Arab. Sự thay đổi cơ cấu kinh tế, giảm lệ thuộc vào bên ngoài thông qua xuất khẩu và tăng nhu cầu nội địa được nhìn nhận là mô hình tăng trưởng bền vững cho châu lục và giảm thiểu thương tổn do bão lạm phát gây ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Châu Á đồng loạt chống lạm phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.