Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chật vật vì thiếu vốn

Bạch Thanh| 14/09/2011 07:18

(HNM) - Thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vay vốn ở lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, người dân đã tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế.


Nông dân luôn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư phát triển kinh tế. Ảnh: Bạch Thanh

Không có được nguồn vốn hỗ trợ, người dân phải xoay sang tìm kiếm nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại. Thế nhưng, có mang sổ đỏ, tài sản đi thế chấp ngân hàng để vay vốn cũng không giản đơn. Chị Đỗ Thị Khuyến, tổ trưởng tổ vay vốn thôn Tri Lai, xã Đồng Thái, huyện Ba Vì cho biết, chị đang được vay của NH NN&PTNT huyện 110 triệu đồng để đầu tư, phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, chăn nuôi gà, bò, cá… Theo chị Khuyến, mặc dù chị là một trong những hộ được NH quan tâm vì là "khách hàng quen" từ gần 20 năm nay nên được ưu tiên vay trên 100 triệu đồng, còn rất nhiều hộ khác có nhu cầu cũng chỉ được vay dăm bảy chục triệu đồng hoặc vẫn phải "xếp hàng" chờ phân bổ vốn. Năm nay vay được trên 100 triệu đồng tưởng lớn nhưng giá giống, thức ăn chăn nuôi cũng tăng gấp đôi, nếu như năm 2010 cũng với số tiền đó và nguồn vốn tự có của gia đình chị có thể mua, nuôi vỗ béo tới chục con bò cùng đàn gà ta 3.000 con nhưng năm nay chỉ được 5 con bò và hơn 1.000 con gà. Theo chị Khuyến, đây là một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn cung thực phẩm khan hiếm, đẩy giá lên cao trong thời gian qua. Tình trạng khó vay vốn diễn ra thường xuyên nhưng căng nhất là từ cuối năm 2010 đến nay, tổ vay vốn của chị có tới 70 hộ có nhu cầu nhưng sàng lọc đi sàng lọc lại chọn ra 20 hộ để làm thủ tục trình NH huyện cho vay vốn từ 50 triệu đồng trở lên mà vẫn không dễ.

Nghị định 41 của Chính phủ đã triển khai được hơn một năm nay. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn còn là cả một quá trình dài. Chị Đặng Thị Xinh, xã Phú Túc, Phú Xuyên cho biết: Muốn vay được vốn thì người vay phải xây dựng đề án trang trại. Thế nhưng, các trang trại trên địa bàn phần lớn đều phát triển tự phát, quy mô trang trại nhỏ, nên về cơ bản là không đủ điều kiện. "Nếu cứ áp dụng theo đúng nguyên tắc của nghị định, các hộ dân làm trang trại ở các huyện thuần nông ngoại thành Hà Nội sẽ không bao giờ với tới được vốn hỗ trợ của Chính phủ" - chị Xinh khẳng định.

Ngân hàng thắt chặt "hầu bao"

Ông Lê Văn Hoan, Phó Giám đốc NH NN&PTNT huyện Ba Vì cho hay, NH chủ yếu cho vay "tam nông". Trong tổng dư nợ đến ngày 31-8 là 311 tỷ đồng thì cho vay ở lĩnh vực này đã là 241 tỷ đồng với 5.689 hộ vay. Là huyện thuần nông, kinh tế hộ chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp nên NH ưu tiên nguồn vốn cho khu vực này, tuy nhiên "lực bất tòng tâm" nhu cầu của dân lớn nhưng do chính sách tài khóa, thắt chặt tín dụng, NH cũng bị hạn chế về vốn. Qua đánh giá sơ bộ, để hạ nhiệt được cơn khát vốn của các nông hộ trên địa bàn, NH cần ít nhất 50 tỷ đồng nữa.

Ông Nguyễn Nho Đức, Giám đốc NH NN&PTNT huyện Quốc Oai cũng nhận định, huyện phải cần thêm khoảng 100 tỷ đồng nữa mới đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất NN trên địa bàn. Thời điểm vốn cao nhất của đơn vị đạt xấp xỉ 400 tỷ đồng, trong khi hiện nay dư nợ cho vay chỉ còn 290 tỷ đồng, nguồn vốn chủ yếu là huy động trong dân, tuy nhiên thời gian qua thị trường vàng có nhiều biến động, tâm lý người dân không ổn định nên nhiều khi vừa gửi sáng, chiều đã xin rút. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2011, NH huy động được 25 tỷ đồng thì trong tháng 8, tỷ lệ rút để chuyển kênh đầu tư lên tới 30 tỷ đồng. Ông Đức nhận định: Mặc dù là đơn vị nòng cốt trên địa bàn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn nhưng do bối cảnh khó khăn về nguồn vốn chung nên thực sự NH chưa đáp ứng được nhu cầu vay của hộ nông dân.

Lý giải về cơn khát vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua, một cán bộ NH cho hay:

Kinh doanh thì phải có lãi, sở dĩ lâu nay dòng vốn tín dụng cho nông thôn vẫn còn "eo hẹp" là do hiệu quả kinh tế ở lĩnh vực này không cao, với hàng loạt món vay nhỏ lẻ được đầu tư trong dân, trong khi lĩnh vực sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn những rủi ro cao như thiên tai, dịch bệnh, mất mùa. Vì thế các ngân hàng phải thận trọng để bảo đảm an toàn vốn. Vì vậy, nhiều hộ dân cho rằng, muốn cho người nông dân có điều kiện phát triển sản xuất thì nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn vẫn cần phải tăng cường mới có thể giải quyết vấn đề khát vốn ở các địa phương.

* Theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có nhiều NHTM giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu xuống mức 17-19%/năm (giảm 1-2%/năm) như BIDV, SHB, VPBank, ABBank, Eximbank…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chật vật vì thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.