Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất vấn Quốc hội: Dự báo chưa chính xác khiến chất lượng quy hoạch kém và mâu thuẫn

Hoa - Ly| 09/11/2020 14:52

(HNMO) - Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV chiều 9-11, các đại biểu Quốc hội liên tiếp đặt các câu hỏi "nóng" và những chất vấn cụ thể đối với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Toàn cảnh phiên làm việc

Phát biểu tổng kết cuối ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu, đã có 92 đại biểu chất vấn, hiện còn 27 đại biểu chờ nêu câu hỏi và 6 đại biểu chờ tranh luận.

Các chất vấn sẽ tiếp tục được trả lời vào đầu giờ sáng mai (10-11). Sau đó, Quốc hội sẽ nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn của các đại biểu và báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề liên quan.


Quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rộng nên không có nguồn lực để đầu tư

Trả lời câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai) về giải pháp khắc phục quy hoạch treo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bổ sung một số thông tin ngoài nội dung đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Hà trả lời. 

Phó Thủ tướng khẳng định, hiện nay, tình trạng quy hoạch, dự án treo vẫn xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân cả nước, gây bức xúc trong xã hội. Ở nhiều nơi, người dân không thể đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế do vướng quy hoạch nhưng quy hoạch thì không được thực hiện do Nhà nước không có nguồn lực đầu tư và không huy động được nhà đầu tư vào khu vực có quy hoạch do thiếu hấp dẫn, dẫn đến quy hoạch treo. 

“Chúng ta quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rộng nên không có nguồn lực đầu tư. Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư trong từng giai đoạn, từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch”, Phó Thủ tướng phân tích.

Giải pháp khắc phục được nêu ra là đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch; quy hoạch phải trở thành động lực cho phát triển bền vững; rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển, cân đối các nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn.

Sau khi có quy hoạch, các ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện, xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội hóa và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện; gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với việc phát triển thị trường bất động sản, thị trường du lịch..., đặc biệt là chương trình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong thực hiện quy hoạch, phát hiện bất cập để xử lý...

Cùng với đó, hoàn thiện pháp luật về đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công, trong đó coi dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các ngành, địa phương chủ động quỹ đất sạch...


Khẩn trương xây dựng Trung tâm điều hành quốc gia về phòng, chống thiên tai

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến việc ứng phó với thiên tai. 

Phó Thủ tướng nêu, trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng nghiêm trọng, thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai do một Phó Thủ tướng làm trưởng ban và cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng cũng thành lập Ủy ban quốc gia về Ứng phó sự cố và Tìm kiếm cứu nạn do một Phó Thủ tướng là Trưởng ban và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực. Đây là hai cơ quan rất quan trọng, vừa phối hợp liên ngành, đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo các ngành, địa phương trong phòng, chống thiên tai. 

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Đoàn Hà Nội) hỏi: “Có cần một đạo luật giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh?”.

Trả lời câu hỏi này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu, theo thống kê của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên hợp quốc, hiện trên thế giới có nhiều mô hình về phòng, chống thiên tai, trong đó, có 10 nước thành lập bộ tình trạng khẩn cấp, ngoài ứng phó thiên tai, thảm họa, còn có trách nhiệm xử lý khủng hoảng an ninh, phòng, chống dịch bệnh quy mô lớn; một số quốc gia và vùng lãnh thổ thành lập cơ quan phòng, chống thiên tai quốc gia với mô hình tương tự như ở Việt Nam.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn, tham khảo các kinh nghiệm quốc tế để nghiên cứu mô hình phù hợp nhất và có thêm giải pháp để huy động sức dân trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chính phủ cũng sẽ tập trung nghiên cứu kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; có lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp, có trang thiết bị hiện đại... để ứng phó có hiệu quả hơn với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra; tập trung củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp, xây dựng trung tâm điều hành quốc gia về phòng, chống thiên tai...


Chính phủ luôn trăn trở với những chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số

Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trả lời câu hỏi của đại biểu Vương Ngọc Hà (Đoàn Hà Giang) về chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số. Phó Thủ tướng khẳng định: "Đảng, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, dù có nhiều nguồn lực đầu tư lớn, song so với nguyện vọng của đồng bào vẫn chưa đáp ứng được. Đây luôn là sự trăn trở lớn của Chính phủ". 

Trên thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, xây dựng nhiều đề án để triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, qua đó, đã góp phần đắc lực trong việc phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những tồn tại, hạn chế về cơ chế chính sách, nâng cao dân trí, tạo công ăn việc làm cho bà con. Nguồn kinh phí để thực hiện các đề án của Chính phủ khoảng 1.400 tỷ đồng. 

Về nội dung huy động nguồn lực để thực hiện đề án, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định rất rõ, sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện bởi chính sách phải đi liền với ngân sách thì mới thu được hiệu quả. Thêm vào đó, việc bổ sung nguồn lực từ Trung ương cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. 

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo và ban hành các giải pháp chỉ đạo hiệu quả nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách, phòng chống lãng phí, bảo đảm nguồn vốn thực hiện các dự án đến trực tiếp với đối tượng thụ hưởng là bà con đồng bào dân tộc thiểu số. 

Phó Thủ tướng Thường trực tin tưởng, với những giải pháp của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự giám sát của Quốc hội và quyết tâm của Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội sẽ đi vào cuộc sống, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bà con vùng dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.

Cần xử lý hình sự người sử dụng giấy tờ, chứng chỉ, bằng cấp giả

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời các chất vấn của đại biểu về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả mạo; tội phạm ma túy và tín dụng đen.

Về tình trạng mua bán giấy tờ, chứng chỉ giả mạo, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, hoạt động này diễn ra công khai trên không gian mạng. Vừa qua, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng chức năng triệt phá nhiều băng nhóm, đường dây làm giấy tờ, chứng chỉ giả, trong đó có những đường dây hoạt động quy mô lớn. Lực lượng chức năng đã thu giữ 1.500 mẫu dấu, cùng nhiều công cụ máy móc phục vụ làm tài liệu, con dấu và phôi giả.

Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận có thể tự làm hầu hết các công đoạn để làm ra giấy tờ, chứng chỉ giả. Chúng cũng sẵn sàng nhận làm giả hầu hết loại giấy tờ chứng chỉ, bằng tốt nghiệp trường đại học, bằng lái xe, bằng tốt nghiệp. 

Giải pháp xử lý được Bộ trưởng Bộ Công an nêu là tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo cơ quan chức năng về tội phạm hoạt động trên không gian mạng; đề xuất các cơ quan rà soát, phát hiện việc sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đã đến lúc phải nghiên cứu, đề xuất xử lý hình sự thay vì xử lý thiên về hành chính như trước đây.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Tội phạm tín dụng đen còn đất để hoạt động ẩn

Bộ trưởng Tô Lâm nêu, trong năm 2018-2029, nhờ tấn công, trấn áp mạnh nên tội phạm tín dụng đen đã được kiềm chế. Tại nhiều nơi, đối tượng không dám hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, cho vay qua mạng. Tuy nhiên, nhu cầu tín dụng đen vẫn còn, do đó, tội phạm vẫn có đất để hoạt động ẩn.

Giải pháp chấn chỉnh trong thời gian tới được nêu ra là cần tập trung, duy trì khí thế tấn công trấn áp mạnh tội phạm tín dụng đen như đã làm trước đây theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. 

Về tội phạm ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm nêu, trong năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn trong điều kiện cách ly xã hội phòng chống bệnh dịch nhưng tội phạm ma túy hoạt động rất mạnh. Các lực lượng đã phát hiện, xử lý tăng so với năm 2019 khoảng 30%; thu giữ trên 700 kg heroin, gần 4 tấn ma túy và 2,2 triệu viên ma túy tổng hợp. 

Mặc dù số lượng ma túy bị triệt phá, thu giữ lớn như vậy, nhưng theo Bộ trưởng Bộ Công an, nguồn cung ma túy đang còn rất lớn do chúng ta chưa ngăn chặn được nguồn cung từ nước ngoài. Nhu cầu sử dụng ma túy trong nước cũng lớn do số người nghiện có hồ sơ quản lý là 235.000 người nhưng con số thực tế lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, công tác cai nghiện ma túy đang phát sinh một số khó khăn, vướng mắc. 


Dự báo chưa chính xác khiến chất lượng quy hoạch kém và mâu thuẫn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, công tác quy hoạch và chất lượng quy hoạch thời gian qua còn thấp cho thấy dự báo về đất đai, kinh tế - xã hội không đúng đã dẫn đến không tính toán đúng nguồn lực, quy hoạch không đúng và có nhiều điểm còn mâu thuẫn giữa các loại quy hoạch.  

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này là phương pháp lập quy hoạch còn nhiều bất cập. Hệ thống pháp luật về lĩnh vực này chưa đồng bộ, có điểm còn mâu thuẫn.

Hệ thống thông tin dữ liệu về quy hoạch còn thiếu và sự phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương cũng chưa thống nhất. Thêm vào đó, việc lấy ý kiến chuyên gia và người dân chưa đúng mức, có nơi còn hình thức. 

Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ Xây dựng đã sửa đổi các quy định pháp lý liên quan đến quy hoạch, quy định thống nhất trình tự nội dung về quy hoạch. Bộ cũng lựa chọn nhà thầu và tư vấn đủ năng lực để nâng cao chất lượng thẩm định và phê duyệt quy hoạch, nhờ đó chất lượng quy hoạch đã được nâng cao, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. 

Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ đồng bộ hóa hai lĩnh vực quy hoạch và kiến trúc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. Cùng với đó, Bộ sẽ xây dựng dữ liệu toàn quốc về quy hoạch đô thị, bố trí đủ nguồn lực cho công tác lập quy hoạch để nâng cao chất lượng của lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Đấu tranh mạnh mẽ, hàng lậu, hàng giả vẫn hoành hành do lợi nhuận rất cao 

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) về phòng chống hàng lậu, hàng giả và các giải pháp ngăn ngừa thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù các cơ quan đã triển khai nhiều giải pháp, song hàng lậu, hàng giả với nhiều hình thức tinh vi vẫn ngày càng giá tăng do lợi nhuận rất cao. 

Theo Bộ trưởng, đấu tranh chống hàng lậu, hàng giả là nhiệm vụ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã tổ chức nhiều chuyên án đánh mạnh vào các trung tâm hàng lậu liên vùng. Mới đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý kho hàng lậu liên vùng tại Lào Cai với quy mô hơn 10.000m2 và hơn 200 nghìn chủng loại hàng hóa. Các lực lượng cũng đánh mạnh vào các trung tâm hàng lậu ở Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả chống hàng lậu, hàng giả. 

Còn lĩnh vực thương mại điện tử, hiện đang phát triển nhanh chóng nhưng còn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng để quản lý chặt chẽ lĩnh vực này. Vì vậy, tình trạng lừa đảo và gian lận thương mại trên môi trường này rất lớn. Hiện các bộ, ngành chức năng đang xây dựng chế tài quản lý để cùng phối hợp thực hiện, qua đó có công cụ bảo đảm tính răn đe đối với các hành vi sai phạm. Biện pháp cuối cùng cần thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật để cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để làm tốt nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Huy động nhiều nguồn vốn để 100% người dân vùng sâu, vùng xa có điện lưới

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Thảo (Đoàn Nghệ An) về việc hiện vẫn còn 4% người dân tại các vùng sâu, vùng xa và khó khăn chưa có điện lưới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc 96% người dân ở vùng sâu, vùng xa đã có điện lưới cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua và khẳng định, nhiệm vụ cấp điện lưới quốc gia cho người dân rất quan trọng. 

Theo Bộ trưởng, Chính phủ xác định giai đoạn 2016-2020 bảo đảm mục tiêu 100% người dân, nhất là ở vùng khó khăn, miền núi xa xôi có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, cũng có một số nơi phải nghiên cứu cấp điện từ năng lượng tái tạo do không có điện lưới; cấp điện cho huyện đảo, xã đảo và cấp điện cho các trạm bơm đồng bằng phục vụ thủy lợi. 

Giải trình thêm về 4% xã chưa được cấp điện lưới, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện mục tiêu 100% người dân được cấp điện lưới quốc gia, Chính phủ đã huy động vốn từ nhiều nguồn. Năm 2020, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) để phục vụ dự án này. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm ngừng chưa phê duyệt để bảo đảm trần nợ công. Đến nay, trần nợ công đã về ngưỡng an toàn nên nguồn vốn phục vụ dự án này sẽ được đưa vào giai đoạn 2021-2025, lấy nguồn vay từ ADB và nguồn viện trợ không hoàn lại của Liên minh châu Âu để thực hiện với số vốn dự kiến khoảng 21.000 tỷ đồng, bảo đảm cấp điện cho các khu vực vùng núi xa xôi và hải đảo.


Còn 400.000 người nghỉ hưu có lương hưu dưới 3 triệu đồng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) về lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, tháng 2-2020, do có sự thay đổi về phân công trong Thường trực Chính phủ, đồng chí được phân công tham gia Ban Chỉ đạo về lương, bảo hiểm xã hội và chính sách người có công; nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo.

Ngay sau đó một tháng, tại phiên họp đầu tiên, Chính phủ đã đưa ra nhiều nội dung, trong đó có nội dung về xem xét lương hưu cho những người nghỉ hưu trước năm 1993. Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chúng ta có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước năm 1993, trong đó có 400.000 người nghỉ hưu ở các thời điểm khác nhau có lương hưu rất thấp, dưới 3 triệu đồng, như trường hợp công nhân làm việc trong các công trường cao su, lương hưu dưới 1 triệu đồng, nên Ban Chỉ đạo đã tính toán phương án có khoản bù thêm từ ngân sách nhà nước cho 400.000 người này, với mức bù 500.000 đồng/tháng/người. Việc này được tính toán thực hiện đồng bộ. 

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn thu ngay sau đó nên các cơ quan có thẩm quyền quyết định lùi thời điểm thực hiện chính sách cải cách lương, đi kèm với bảo hiểm xã hội, chính sách người có công và kể cả áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới, thay vì từ đầu năm 2021 lùi sang 1-7-2022.

Riêng đối với người nghỉ hưu trước năm 1993, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. 


Khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội bằng “đức - trí - thể - mỹ”

Trả lời chất vấn của một số đại biểu về tình trạng đạo đức xã hội của một bộ phận xuống cấp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhìn nhận, đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, người dân. 

“Thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp như đại biểu nói là có thật; nhiều tài liệu nói là xuống cấp đáng báo động, thể hiện rõ ở tội phạm, ở tệ nạn, ở việc các hành vi bị đồng tiền chi phối hay là gian dối, không trung thực, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một… Điều đó là hoàn toàn đúng, nhưng chúng ta cũng nhìn hai mặt”, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của đại biểu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục nêu cụ thể hơn về những giá trị, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam, như lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tình yêu thương đồng loại, thương người; sự thân thiện, cởi mở; yêu lao động, chịu thương chịu khó; tinh thần vươn lên và đức hiếu học...

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng khẳng định, hiện tượng xuống cấp đạo đức là đáng báo động nhưng không vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội và con người Việt Nam một cách thiếu công bằng. Trên thực tế, chúng ta đã nhìn thẳng vào khiếm khuyết để khắc phục và có những giải pháp rất hiệu quả, như việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Để khắc phục, nâng cao đạo đức xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, phải nâng cao nhận thức toàn xã hội về tốt - xấu; kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với luật hóa việc xử lý các hành vi vi phạm; đề cao sự nêu gương ở mọi cấp, mọi ngành, “đảng viên đi trước, làng nước đi sau” và đặc biệt lưu ý 4 chữ “đức - trí - thể - mỹ”, lưu ý các hoạt động nghệ thuật và tôn giáo tín ngưỡng, bởi đây là những thông điệp đạo đức tốt nhất, giúp cái tốt nảy nở trong mỗi người một cách bền vững.

Trong phần trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng dành thời gian trả lời các câu hỏi của đại biểu, làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục một số bất cập trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế hay vấn đề tự chủ đại học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất vấn Quốc hội: Dự báo chưa chính xác khiến chất lượng quy hoạch kém và mâu thuẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.