Xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II
Hơn 80% bãi chôn lấp rác thải không hợp vệ sinh
Tại hội thảo khoa học "Lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR) đô thị phù hợp với điều kiện Việt Nam" vừa được Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Văn Sơn cho biết, những năm qua, dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải ở Việt Nam đã được cải thiện. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải đô thị đạt khoảng 83%. Tuy nhiên, xử lý CTR vẫn đang là vấn đề bức xúc. Theo thống kê, hiện có 80-85% số lượng đô thị (từ thị xã trở lên) trong số 755 đô thị sử dụng các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Dây chuyền xử lý rác thải tại Nam Sơn (Sóc Sơn). Ảnh: Nhật Nam
Theo GS-TS Nguyễn Hữu Dũng (Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam), quá trình đô thị hóa nhanh ở Việt Nam đang gây sức ép về suy giảm môi trường sống do không kiểm soát được lượng chất thải phát sinh, nhất là CTR sinh hoạt. Công tác xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay tại các đô thị vẫn chủ yếu theo công nghệ chôn lấp. Phương pháp này có một số ưu điểm như công nghệ đơn giản, giá thành đầu tư và chi phí không cao, nhưng phần nhược điểm lại quá nhiều. Đó là không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm tại các khu vực dân cư lân cận. Một số bãi chôn lấp chưa theo đúng các quy định, hướng dẫn của các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành. Mặt khác, các bãi chôn lấp rác thải thường chiếm nhiều diện tích, trong khi quỹ đất đô thị sử dụng cho chôn lấp ngày càng hạn hẹp. Hiện không ít bãi chôn lấp rác thải ở các đô thị đang lâm vào tình trạng quá tải. Đặc biệt, về chi phí chôn lấp rác thải, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành đơn giá trên cơ sở khung giá chung do Bộ Xây dựng ban hành. Tuy nhiên các chi phí đưa ra chưa tính đến thu hồi vốn đầu tư về giá đất sử dụng. "Ô nhiễm rác thải sinh hoạt đang tác động tiêu cực, đe dọa chất lượng sống ở các đô thị Việt Nam"-GS, TS Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh.
Chọn công nghệ nào?
Ngoài chôn lấp, thời gian gần đây đã có một số công nghệ trong nước, nước ngoài được nghiên cứu, phát triển và áp dụng tại Việt Nam, như đốt rác, ép rác, sản xuất vật liệu xây dựng, phân vi sinh. Tuy nhiên, công nghệ trong nước chưa hoàn thiện và đồng bộ. Công nghệ, thiết bị nhập ngoại đang áp dụng tại một số tỉnh, thành phố không phù hợp với đặc điểm của Việt Nam là rác chưa được phân loại tại nguồn. Do vậy, tỷ lệ CTR sinh hoạt tại các đô thị được xử lý, tái chế chỉ đạt khoảng 15%.
Trong chiến lược quản lý tổng hợp CTR do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đặt mục tiêu đến năm 2015 có 85% tổng lượng chất thải đô thị phát sinh được thu gom và xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, 50% tổng lượng chất thải xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý. Mục tiêu là vậy, song theo GS, TS Nguyễn Văn Liên - Chủ tịch Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, việc lựa chọn công nghệ xử lý CTR nào để áp dụng vào điều kiện cụ thể đang là bài toán khó cho chính quyền các địa phương.
Tại hội thảo nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng vùng miền ở Việt Nam, không thể áp dụng một công nghệ cho các tỉnh. Một số công nghệ phù hợp có thể áp dụng cho các đô thị Việt Nam là tái chế rác thải thành phân vi sinh hoặc viên đốt nhiên liệu; công nghệ đốt rác chuyển hóa năng lượng… Nhất định phải giảm dần công nghệ chôn lấp là quan điểm được các nhà khoa học đồng thuận. Về định hướng lựa chọn công nghệ trong các giai đoạn tới, GS, TS Nguyễn Hữu Dũng đưa ra phép so sánh về một số loại hình. Cụ thể, công nghệ đốt đòi hỏi chi phí đầu tư và vận hành lớn. Để xây dựng một nhà máy đốt rác quy mô 300 tấn/ngày, vốn đầu tư sẽ khoảng 20-30 triệu USD. Chi phí vận hành và bảo trì thiết bị kèm theo cũng rất lớn. Nhưng đây là công nghệ tiên tiến góp phần giải quyết vấn đề năng lượng và vệ sinh môi trường tại đô thị. Công nghệ tái chế rác thải sinh hoạt thành phân hữu cơ có ưu điểm là tận dụng được nguồn rác thải, nhưng chi phí đầu tư ban đầu và chi phí vận hành, bảo trì thiết bị quá cao. Trong khi đó công nghệ này lại chưa phù hợp với đặc điểm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, mưa nhiều của Việt Nam. Công nghệ liên hợp xử lý, tái chế chất thải sinh hoạt (là những công nghệ được chế tạo và sản xuất trong nước) có nhiều lợi ích, giá thành rẻ hơn so với công nghệ nhập ngoại, diện tích chiếm đất ít. Tuy nhiên, công nghệ này cần được nghiên cứu để hoàn thiện hơn. Để xử lý một cách hiệu quả CTR trong sinh hoạt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai (miễn tiền sử dụng đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...), thuế, đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đến hàng rào công trình…
Xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 4910/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II. Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu chôn lấp và xử lý chất thải rắn cho Hà Nội trong giai đoạn 2012-2030. Dự án do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, được thực hiện từ năm 2012 đến năm 2016 với việc xây dựng bãi chôn lấp chất thải rắn và các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho các ô chôn lấp chất thải rắn, với quy mô đầu tư cụ thể như sau: Khu phía Bắc (37,47ha), khu phía Nam (36,26ha). Dự án sẽ xây dựng hệ thống đường giao thông nội bộ giữa các ô; xây dựng hệ thống thoát nước mưa và các công trình phụ trợ… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.