Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chất tây” trong sáng tác: Nỗi lo có thật

Nguyễn Thanh Tâm| 12/03/2020 12:55

(HNMCT) - Sáng tạo nghệ thuật đem đến cho đời sống những giá trị mới mẻ. Mới lạ và có giá trị nghệ thuật, ẩn chứa tư tưởng thẩm mỹ dường như là bản mệnh của nghệ thuật. Nhưng không ít người đọc không khỏi lo ngại thốt lên: “Các nhà văn trẻ bây giờ viết “tây” quá!” khi quan sát một số sáng tác với nhiều cái mới, cái lạ của các cây bút trẻ hiện nay...

Bạn đọc luôn chờ những sáng tác trẻ thấm đẫm bản sắc, tinh thần dân tộc. Ảnh: Kim Ngân

Một xu hướng sáng tác

“Chất tây” ở đây được hiểu như là không gian nghệ thuật mà tác giả dựng nên đậm đặc không khí, sắc thái của các đô thị Âu Mỹ, xa lạ với cảnh quan, tâm tính Việt Nam. Điểm qua, có thể nhận thấy trong các sáng tác của Chu Thùy Anh (Xanh), Hạnh Nguyên (Những thiếu thời lơ lửng), Nguyễn Hải Nhật Huy (Tôi ngồi đây chờ cơn bão tới), Maik Cây (Wittgenstein của thiên đường đen), Mai Thảo Yên (Người lạ), Nguyễn Dương Quỳnh (Thăm thẳm mùa hè), Vũ Lập Nhật (Bảo Bình), Nguyên Nguyên (Cánh đồng ngựa), Nguyễn Hoàng Vũ (Người đưa thư tình)... là những thế giới “phi dân tộc tính”.

Từ thành phố đến trường học, bệnh viện, nơi làm việc, thư viện, quán xá nhà hàng, phương tiện đi lại, phương thức - nội dung giải trí, đồ ăn thức uống, trang phục, cung cách sinh hoạt của nhân vật... đều toát lên tinh thần của cư dân trong cách đô thị kiểu Âu Mỹ. “Chất tây” như thế được nhìn từ cảm quan của một người trong nước, quen thuộc với văn hóa truyền thống và cảnh quan nội địa. Đây là một xu hướng, một động thái đang hiện diện trong đời sống sáng tạo của các nhà văn trẻ.

Thực tế không phải đến giờ độc giả mới lên tiếng về hiện tượng các nhà văn trẻ viết “tây” quá. Điều này từng được ghi nhận thời Thơ mới, khi người ta cho rằng Xuân Diệu “tây” quá. Cách dùng chữ, đặt câu của “ông hoàng thơ tình” quả đã gieo vào cảm quan cộng đồng thời bấy giờ sự e ngại về một sắc thái xa lạ đến từ phương Tây. Nhưng rồi, như văn phong thuở trước, ngày một ngày hai người ta đã quen với “chàng trai xa lạ” ấy và thấy ông vẫn đứng giữa mọi người với nỗi lòng “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” (Hoài Thanh)... Người ta quên cái “tây” quá kia đi để thưởng thức sắc hương mới mà chàng thi sĩ dâng tặng loài người.

Trở lại với các nhà văn trẻ đương đại, độc giả sẽ khó xác định được rốt cuộc nơi chốn mà các nhân vật của Hạnh Nguyên, Maik Cây, Nguyễn Dương Quỳnh, Vũ Lập Nhật, Nguyên Nguyên... có thể gợi lên không khí, sắc thái, cảnh quan của vùng đất nào ở Việt Nam (ở đây không đòi hỏi sự xác thực về mặt địa lý, vật lý hay sinh học, mà muốn nói về tính chất, sắc thái). Vậy sẽ ra sao khi các tác giả trẻ viết “tây” quá?

Trước hết, các nhà văn trẻ hiện nay được học hành, tiếp xúc với văn hóa phương Tây từ bé, nên trải nghiệm của họ đương nhiên bị ảnh hưởng. Thậm chí, nhiều tác giả như Nguyễn Dương Quỳnh, Mai Thảo Yên, Chu Thùy Anh... đã và đang du học nước ngoài. Đó là cơ sở, là chất liệu (nhiều khi là tất yếu) để các tác giả trẻ sáng tạo. Về tâm lý, nhà văn sẽ khai thác thế giới mà mình có ưu thế nhất, hiểu biết nhất. Bởi vậy, không có gì phải chê trách hay phán xét các tác giả trẻ khi họ đã khơi dậy thế giới gắn với trải nghiệm bản thân một cách đầy đủ nhất. Sáng tạo là tự do, thực tại nghệ thuật là thực tại tinh thần, trí tưởng tượng của người nghệ sĩ, thế nên, về mặt nguyên lý, chất “tây” kia là một sắc thái hoàn toàn bình thường, bình đẳng với mọi biểu hiện nghệ thuật khác.

Ngày nay, các tác giả trẻ đang hướng đến mẫu hình công dân toàn cầu. Bởi vậy, không gian mà họ sống và mong muốn tái dựng trong nghệ thuật không nhất thiết phải gắn mác dân tộc tính. Thậm chí sẽ có một phần trong xu hướng tinh thần của các nhà văn trẻ, đó là nỗ lực xóa dấu vết địa dư như là cách để thoát ra khỏi ranh giới địa lý để đem đến cho cộng đồng những trải nghiệm mới lạ.

Văn của Nguyễn Ngọc Tư được yêu thích bởi đậm đà sắc thái Nam Bộ mà cụ thể là mảnh đất, con người Cà Mau quê chị.

“Căn cước” để bước ra đối thoại với thế giới

Tuy nhiên, xét trên phương diện nghệ thuật, từ góc nhìn mỹ học, sắc thái “tây” quá này đặt chúng ta vào những tình thế đắn đo, băn khoăn. Bởi nếu nhìn về các tác giả lớn của văn học thế giới, những danh gia đã làm nên đỉnh cao văn chương, đa phần họ đều thấm đẫm tinh thần dân tộc. Trong các sáng tác của họ, cảnh quan đất nước, con người, văn hóa dân tộc luôn ắp đầy với một sự am tường sâu sắc, sự gắn bó mật thiết, dù là phê phán hay tự hào cổ súy.

Ngay như nhà thơ Xuân Diệu, xét trên phương diện thể loại, lục bát của chàng thi sĩ ái tình - tuổi trẻ - ánh sáng, từng bị chê là “tây” quá, thật kỳ lạ, lại tinh ròng một dáng điệu truyền thống đã kết tinh từ thời Nguyễn Du. Trong văn học đương đại, Nguyễn Huy Thiệp được yêu mến, được nhắc nhớ, bởi chính nghệ thuật kể chuyện và không khí văn chương ăp ắp một tinh thần Việt Nam. Nguyễn Ngọc Tư đậm đà sắc thái Nam Bộ mà cụ thể là hương sắc của đất trời sông nước con người Cà Mau quê chị.

Sẽ là một phản biện đáng để suy ngẫm, nếu một ngày kia, chúng ta đọc một tác phẩm của nhà văn trẻ Việt Nam lại thấy giống với một tác phẩm của nhà văn trẻ Âu Mỹ nào đó. Bởi lẽ, khi đó, một trong những yếu tố quan trọng nhất để làm nên giá trị là sự độc sáng, mới lạ đã không còn được đảm bảo. Chưa nói, viết về các không gian đô thị kiểu Âu Mỹ, liệu rằng các nhà văn trẻ Việt Nam đã thành thạo, thấu đáo bằng chính các cư dân bản xứ của họ?

Trong một trao đổi ngắn với tôi, nhà văn Nguyễn Bình Phương (Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, thành viên Hội đồng chung khảo Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 6) cho rằng, bút pháp có thể “tây”, nhưng mỹ cảm nên hướng về các giá trị dân tộc. Đồng thời ông cũng bày tỏ thái độ hy vọng, chờ đợi những tác phẩm tiếp theo của các nhà văn trẻ. Sự khởi đầu hay chặng đường đầu tiên bao giờ cũng hăm hở, đó là phẩm chất cần có của những người trẻ. Tuy nhiên, cần có thời gian, trải nghiệm sống và trải nghiệm nghệ thuật, để các nhà văn trẻ đến lúc nào đó nhận ra rằng đâu là giá trị, đâu là mảnh đất cắm rễ cho chồi mầm nghệ thuật đã cựa mình từ những năm tháng thanh xuân.

Nỗi âu lo về việc các nhà văn trẻ viết “tây” quá, sự thực lại không đáng âu lo, nếu đó là khởi đầu của những hành trình bền bỉ. Đó là hành trình vượt thoát - hành trình đi, để chuẩn bị cho một hành trình khác - hành trình về, trong chiều sâu của văn hóa dân tộc. Bởi lẽ, chính trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập mạnh mẽ sâu rộng như hiện nay, bản sắc văn hóa, tính dân tộc (chủng tộc), sắc thái bản địa mới là vốn liếng, là căn cước để chúng ta bước ra đối thoại cùng với thế giới.

Tôi nghĩ đánh giá một cây bút trẻ mới xuất hiện trên văn đàn đã là khó, huống hồ với cả một đội ngũ văn trẻ gồm thế hệ từ 8x đến 9x như cách người ta vẫn gọi hiện nay.  

Văn trẻ có cái sắc thái táo bạo, phá cách trong sáng tác, có ý thức làm mới văn chương. Văn trẻ hướng sự viết vào cái “tôi”, nhưng chưa quan tâm đến mối quan hệ máu thịt, bền chặt giữa cái “tôi” và cái “ta” một cách biện chứng nên khi thiếu mối liên hệ này, nhà văn sẽ vô tình hoặc cố ý quay lưng lại  đời sống của nhân dân mình - vốn luôn là nguồn dinh dưỡng tinh thần cho sáng tạo nghệ thuật.

Đọc nhiều tác phẩm có cái cảm giác thiếu vắng hơi thở của đời sống thực tế bao bọc quanh ta đến mức có thể sờ mó được đường nét, hít thở cảm nhận được mùi vị, lắng nghe được các cung bậc âm thanh... của một thế giới sống động. Không đi thực tế để tích lũy vốn sống như ngày trước, nhưng nếu dựa hẳn vào tài liệu gián tiếp qua các kênh thông tin của các phương tiện truyền thông và sự hỗ trợ của kỹ thuật thì ắt dẫn đến hệ quả là tác phẩm nhiều “chữ” nhưng có thể thiếu hụt về “nghĩa”.

Tinh thần đón đợi văn trẻ, theo tôi phải bình tĩnh, vừa phải đặt ra những yêu cầu cao để họ phấn đấu hết mình, lại vừa kiên nhẫn chờ đợi những cuộc bứt phá ngoạn mục vào những khúc bất ngờ nhất. 

Nhà văn, nhà phê bình Bùi Việt Thắng

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chất tây” trong sáng tác: Nỗi lo có thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.