(HNM) - Trong xu thế mở cửa, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, chất lượng các sản phẩm văn hóa là vấn đề hết sức quan trọng mà mọi quốc gia đều quan tâm.
Ở nước ta, việc quản lý chất lượng SPVH hầu như bị buông lỏng (chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật), dẫn đến nhiều hệ lụy. Tại hội thảo khoa học "Quản lý chất lượng SPVH qua công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật" do Trung tâm Thông tin (Bộ VH,TT&DL) tổ chức, nhiều nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa chỉ rõ, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng quy chuẩn kỹ thuật để nhận dạng và quản lý các SPVH ở tất cả các lĩnh vực.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam trong hoạt động thư viện hiện nay chưa thực sự được quan tâm. Ảnh: Thanh Hải |
Thiếu quy chuẩn: Hệ lụy khó lường
Văn hóa là khái niệm rộng, vì thế SPVH cũng là một khái niệm hết sức đa dạng, từ điện ảnh, văn học, mỹ thuật, báo chí, thư viện, cho đến các ấn phẩm văn hóa, xuất nhập khẩu văn hóa phẩm, bản quyền tác giả…Với bất kỳ SPVH nào, công tác quản lý chất lượng cũng tồn tại nhiều bất cập. Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười (Hãng phim truyện Việt Nam) phân tích: 60 năm hình thành, phát triển, nền điện ảnh Việt Nam luôn song hành cùng lịch sử đấu tranh giải phóng và xây dựng đất nước với không ít thăng trầm. Từ những thước phim tài liệu đầu tiên: "Trận Mộc Hóa", "Giữ làng giữ nước", "Chiến thắng Tây Bắc"… đã hình thành một tiêu chí mang tính định hướng cho điện ảnh Việt Nam, đó là phản ánh chân thực cuộc sống. Thế nhưng, điều đáng buồn là điện ảnh Việt Nam hiện đại có rất nhiều phim mới ra mắt, nhưng lại có phim nhảm, phim thảm họa như dư luận đã lên tiếng. "Chính những bộ phim này đã làm cho con thuyền điện ảnh mất phương hướng, chẳng biết đi tới bến bờ nào" - đạo diễn Hữu Mười lo lắng.
Đối với việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm, ông Lưu Nguyên - Phòng Quản lý văn hóa xuất, nhập khẩu (Bộ VH,TT&DL) cho rằng, các SPVH mang tính hàng hóa được sản xuất, xuất nhập khẩu, tiêu dùng ở nước ta chủ yếu là băng đĩa hình, ca nhạc và phim. Thế nhưng các sản phẩm đó nhập khẩu chính ngạch không nhiều. Băng đĩa hình, ca nhạc, phim ảnh sản xuất trong nước được thực hiện thông qua mạng lưới các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ, quy mô tiêu thụ không lớn, chất lượng thường không ổn định do thiếu các phương tiện kiểm tra, thử nghiệm. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng sản phẩm của các cơ quan quản lý chức năng còn hạn chế.
Lĩnh vực thư viện cũng có nhiều vấn đề liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện phản ánh, việc áp dụng các tiêu chuẩn Việt Nam trong hoạt động thư viện chưa thực sự được quan tâm. Vụ Thư viện tiến hành một nghiên cứu, điều tra về thực trạng áp dụng tiêu chuẩn tại 510 thư viện thuộc các loại hình khác nhau. Kết quả cho thấy, nhiều thư viện ở Việt Nam không hoặc chưa quan tâm đến các tiêu chuẩn. Nếu so sánh với thế giới, công tác xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến hoạt động thư viện ở nước ta còn tồn tại một khoảng cách lớn. Những bất cập trong việc quản lý SPVH nghệ thuật tạo hình, nhiếp ảnh; bản quyền đối với các sáng tạo văn học nghệ thuật… do thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn rõ ràng cũng đã được những người trong cuộc lên tiếng.
Tiêu chí để tìm tòi, sáng tạo
Thấy rõ tính ổn định, bền vững trong văn hóa truyền thống, cũng như sự biến động giao thoa liên tục giữa các thể loại trong một ngành và giữa các ngành nghệ thuật vốn khác xa nhau của văn hóa đương đại, nhà lý luận phê bình Ngô Thảo, nguyên Phó Tổng thư ký Hội Sân khấu Việt Nam cho rằng: Trong mỗi thời kỳ phát triển, xã hội nói chung, văn hóa nói riêng cần có những tiêu chí rõ ràng, minh bạch để người dân cũng như người làm nghề có thể tìm tòi, sáng tạo và thưởng thức. Ngay khâu kiểm duyệt nguồn vào, nguồn ra của văn hóa phẩm cũng không thể tùy tiện. Ở đây còn có một nguyên tắc chung mà mọi quốc gia đã cam kết là quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền tác phẩm. Đưa ra dẫn chứng về một số sản phẩm hàng lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa Việt, hiện bán rất chạy trên thị trường nhưng lại do người nước ngoài sản xuất, họa sĩ Lê Thiết Cương kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp xây dựng quy chuẩn, định chuẩn rõ ràng, chi tiết cho mỗi sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm lưu niệm. Họa sĩ Lê Thiết Cương tin tưởng: "Với tiềm năng văn hóa, bản sắc truyền thống và những giá trị di sản vốn có cùng với hàng nghìn làng nghề truyền thống trên khắp đất nước, tôi tin rằng, nếu có một định chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm lưu niệm thì chúng ta có thể có một thị trường hàng lưu niệm phát triển, góp phần phát triển ngành du lịch, cũng là phát triển kinh tế - xã hội".
Trả lời câu hỏi làm thế nào để duy trì nền điện ảnh Việt Nam đã có bề dày 60 năm? Làm thế nào để tạo nên dòng phim lành mạnh, chân thực, cảm xúc và có thể đẩy lùi dòng phim bạo lực phi lý, thảm họa? Đạo diễn Nguyễn Hữu Mười cho rằng, điện ảnh Việt Nam rất cần sự đầu tư của Nhà nước, để các nghệ sĩ có cơ hội tìm tòi, sáng tạo, đưa tác phẩm của mình tới được khán giả. "Để có một định chuẩn văn hóa trong điện ảnh cần có những căn cứ, quy định về tiêu chuẩn, định chuẩn rõ ràng" - đạo diễn Nguyễn Hữu Mười khẳng định. Tại hội thảo, bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục xây dựng và ban hành thêm các quy chuẩn, tiêu chuẩn Việt Nam liên quan đến hoạt động thư viện, coi việc áp dụng tiêu chuẩn như một tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của một thư viện.
Như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã từng nhận định: Văn hóa suy cho cùng là cái còn lại sau khi nhiều thứ khác mất đi, có thể nuôi dưỡng tâm hồn con người một cách đầy đủ hơn, an toàn hơn và đẹp đẽ hơn. Vì vậy, việc thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý chất lượng SPVH như hiện nay càng là vấn đề cần sớm được khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.