(HNMO) - Sáng 17-11, ngày thứ ba liên tiếp, chất lượng không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đỉnh điểm vào khoảng 9h sáng nay, tại nhiều khu vực, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được ở mức 190-197 đơn vị, tiệm cận mức nguy hại cho sức khỏe.
Kết quả quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) lúc 9h ngày 17-11 cho thấy, tất cả khu vực nội thành đều ở mức xấu.
Trong đó, khu vực có mật độ chất ô nhiễm cao là: Đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), chỉ số AQI ở mức 197 đơn vị; điểm quan trắc tại khu vực Thành Công (Ba Đình) ở mức 190 đơn vị; khu vực Kim Liên (Đống Đa) là 187 đơn vị…
Lý giải tình trạng ô nhiễm không khí liên tục tái diễn tại Hà Nội những ngày qua, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đào Thị Anh Điệp cho biết, do không khí lạnh suy yếu trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm, bụi bẩn và các chất ô nhiễm không thể khuếch tán lên cao.
Bên cạnh đó, độ ẩm và nền nhiệt tăng cao khiến sương mù xuất hiện dày đặc làm mức độ ô nhiễm không khí nặng nề hơn. Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm vài ngày nữa. Đến cuối tuần, khi không khí lạnh tràn về, trời sẽ quang trở lại, bụi bẩn được khuếch tán và ô nhiễm không khí sẽ giảm.
Tuy nhiên, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, thời tiết chỉ là một trong những tác nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí gia tăng. Nguyên nhân chính vẫn đến từ các hoạt động phát thải của con người.
Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí. Điển hình, thành phố đã xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hằng ngày đạt 99-100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô.
Thành phố vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
Ngoài ra, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; yêu cầu các đơn vị vệ sinh môi trường tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm.
“Để cải thiện chất lượng môi trường không khí, chỉ riêng thành phố Hà Nội không thể làm được mà cần sự chung sức từ các bộ, ngành và địa phương khác trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn gây ô nhiễm ra môi trường”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Mai Trọng Thái nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.