(HNM) - Ngày 16-2, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ TP Hà Nội bắt đầu quy trình hiệp thương lựa chọn giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia ứng cử có vai trò hết sức quan trọng.
Sẽ tổ chức các đoàn giám sát
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, để bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, trong tháng 2 và 3-2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tập trung thông qua nguyên tắc phân bổ người ứng cử ở trung ương về địa phương; cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử; chỉ đạo việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo tổ chức hội nghị hiệp thương, tổ chức các đoàn giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử; tiếp nhận và xem xét hồ sơ người ứng cử và lập danh sách người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp.
Với những thắc mắc của các địa phương trong quá trình triển khai công tác chuẩn bị bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia đã, đang có văn bản trả lời, giải đáp rõ và hướng dẫn xử lý. Tinh thần chung là dù tổ chức trong điều kiện nào, các địa phương đều phải thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử do MTTQ các cấp đứng ra tổ chức diễn ra trong các ngày tới đây là khâu rất quan trọng. Yêu cầu hàng đầu là công tác lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, số lượng người được giới thiệu thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình triển khai phải bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính; tăng số lượng đại biểu chuyên trách; bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số. Đồng thời, có tỷ lệ hợp lý đại biểu các tôn giáo, đại biểu tái cử, đại biểu trẻ tuổi, đại biểu các ngành, giới...
Chú trọng chất lượng ứng viên
Hội nghị hiệp thương của MTTQ là cơ sở giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cùng cấp vừa bảo đảm số lượng, chất lượng, vừa thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trên thực tế, kết quả hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH được tổ chức ngày 16-2 cho thấy, tinh thần trách nhiệm của MTTQ được phát huy mạnh mẽ. Ngoài việc cơ bản đồng tình số lượng ĐBQH ở trung ương là 198 người (bằng 39,6%, tăng 15 người so với khóa XIII), tại hội nghị, các đại biểu đại diện tổ chức thành viên, hội đồng tư vấn bàn thảo sôi nổi, với nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc về cơ cấu, thành phần ĐBQH. Hội nghị thống nhất một số vấn đề cơ bản: Cần tăng các đại biểu chuyên trách và mở rộng cơ cấu đối với ĐBQH là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sĩ trí thức tiêu biểu, tôn giáo, đại biểu nữ... Hầu hết đại biểu cho rằng, cơ cấu 35 ĐBQH là người ngoài Đảng mới chỉ là định hướng, nếu phát hiện được nhiều trường hợp tiêu biểu hoàn toàn có thể đưa vào để dân bầu. Theo Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Duy Thường, Đại hội XII của Đảng vừa qua, danh sách bầu cử số dư rất cao, được nhân dân đồng tình và đánh giá rất dân chủ, vì vậy, vấn đề này cần phát huy trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp.
Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Bùi Anh Tuấn cho biết, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất tổ chức ngày 16-2 để thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu cũng tán thành nên có tỷ lệ số dư cao để nhân dân bầu. Cụ thể, các ý kiến thống nhất đề xuất hiệp thương số lượng 60 người vào danh sách bầu cử chính thức để bầu 30 ĐBQH theo phân bổ của trung ương cho Hà Nội. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm chỉ tiêu cho Hiệp hội Doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp và tăng số lượng người tái cử, tăng chỉ tiêu cho ngành Công an, TAND, quân đội.
Đối với số lượng người ứng cử đại biểu HĐND thành phố, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho biết, số lượng đại biểu được bầu là 105 người, trong đó đại biểu nữ bảo đảm ít nhất là 35%; người ngoài Đảng phấn đấu trên 10%; trẻ (dưới 35 tuổi) trên 15%; đại biểu tái cử trên 30%; đại biểu dân tộc ít người 1-2 người; người tự ứng cử dự kiến 5 người. Tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất, các đại biểu thống nhất số lượng ứng cử là 210 người và đề nghị tăng thêm 9 chỉ tiêu...
Đến thời điểm này, tổ chức MTTQ từ trung ương đến địa phương đang khẩn trương tiến hành các phần việc của cuộc bầu cử. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, các cấp MTTQ sẽ tham gia 6 việc cụ thể trong suốt quá trình bầu cử, đó là: Thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, ở nội dung này, Mặt trận cùng HĐND, UBND cùng cấp thành lập ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử, đối với nơi không tổ chức HĐND quận, huyện thì MTTQ phối hợp với UBND cùng cấp thành lập các tổ phụ trách bầu cử. MTTQ tổ chức hội nghị hiệp thương 3 lần, lựa chọn giới thiệu người ứng cử theo đúng quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng đại biểu ứng cử, không quan trọng số lượng được phân bổ hay giới thiệu tại cấp nào mà phải bảo đảm tính đại diện, trí tuệ, trình độ, xứng đáng để đưa ra nhân dân bầu vào các cơ quan dân cử. Đối với nhiệm vụ tổ chức hội nghị cử tri ở cùng cấp, MTTQ phối hợp chặt chẽ với đoàn thể nhân dân vận động cử tri đến họp, bảo đảm đủ số lượng, tỷ lệ người họp nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, MTTQ đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức bầu cử, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.