(HNMCT) - Ngay từ cuốn sách đầu tiên Em bé và bông hồng ra đời năm 1963, Trần Hoài Dương đã gắn bó với văn học thiếu nhi. Khi ấy nhà văn mới tròn 20 tuổi, nhưng đã thực sự lựa chọn con đường viết của mình, để rồi trở thành một trong số ít nhà văn mà cả cuộc đời viết chỉ dành cho độc giả nhỏ, dành “cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.
Đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo, nhà văn Trần Hoài Dương luôn “gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em”. Với ông, “viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ", những trang viết của Trần Hoài Dương, bởi thế, luôn trong trẻo, sống động, đượm tình yêu thương.
Đó là không gian tràn ngập sắc màu của cỏ cây hoa lá thiên nhiên trong Cây lá đỏ, Hoa kim ngân, Chiếc lá, Cây nhút nhát, Cô bé mảnh khảnh…, là âm thanh của thế giới muôn loài trong Đàn chim sẻ, Bạn chí thân, Chuyện vui về chú ếch Cốm, Quà tặng của chim non, Tiếng mùa xuân, Tấm áo đẹp nhất.... Đó còn là những câu chuyện gia đình ấm áp của Bà cháu, Kẹo cứng kẹo mềm, Hương bay xa ngàn dặm,… là tình bạn đẹp đẽ của tuổi thơ trong Quà sinh nhật, Vật kỷ niệm của những người bạn, Cô bé ấy đã lớn...
Trong từng trang viết của Trần Hoài Dương, dường như vạn vật xung quanh đều có tâm hồn, đều có tình yêu, đều có một hành trình sống và trưởng thành vô cùng đáng quý. Câu chuyện còn giấu kín trong lớp vỏ mang đến cho các em thiếu nhi niềm hứng khởi khám phá khi được gieo hạt, được chăm sóc và chứng kiến hạt nảy mầm, lớn lên, hòa mình vào đời sống. Chị Tẩy và em Bút chì là bài học cho trẻ thơ về tính kiên nhẫn, về sự khiêm tốn và tình yêu thương. Còn Cuộc phiêu lưu của những con chữ là một câu hỏi còn đọng lại “nếu ai cũng chỉ nghĩ đến riêng mình thôi, thì sẽ ra sao?”.
Cuộc phiêu lưu của những con chữ là truyện ngắn đã nhận được giải thưởng trong Cuộc vận động Sáng tác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi năm 1968. Sau này, nhà văn Trần Hoài Dương còn được nhận nhiều giải thưởng cho các tác phẩm khác như Bé Rơm, Một thoáng heo may phương Nam, Miền xanh thẳm. Hai chục đầu sách đã ra đời, chưa kể số lượng kịch bản phim hoạt hình và kịch bản múa rối, là một gia tài không nhỏ đối với nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi như Trần Hoài Dương.
Các tác phẩm của ông hầu hết là truyện ngắn. Ông chỉ có một cuốn tiểu thuyết Bên ngoài mái trường viết về trẻ em của một ngôi trường ở vùng trung du miền Bắc, tuy nhiên cuốn sách này ít được biết đến. Nhớ đến Trần Hoài Dương, bạn đọc thường nhớ đến truyện ngắn Nắng phương Nam được giới thiệu đoạn trích trong sách giáo khoa cho học sinh lớp 3, và truyện dài Miền xanh thẳm - tác phẩm nhận được rất nhiều lời ngợi khen từ văn nghệ sĩ cũng như bạn đọc.
Miền xanh thẳm không phải là truyện sáng tác, đúng hơn đây là một cuốn tự truyện của Trần Hoài Dương về tuổi ấu thơ đã “xa vời, xanh thẳm, hun hút bay về phương trời phía sau” mà nhà văn “cố ngoái lại, cố nắm bắt cũng không sao níu giữ lại được”. Đó là cả một quãng thời niên thiếu cậu bé Trần Hoài Dương phải xa gia đình, xa Hà Nội lên trọ học tại Bắc Giang.
Trong những năm tháng miền Bắc mới được giải phóng ấy, Trần Hoài Dương được sống một cuộc đời gắn bó với thiên nhiên, với cảnh sắc miền trung du đầy mê hoặc, tuy thiếu thốn vật chất nhưng luôn đong đầy tình làng nghĩa xóm. Lớn hơn, trở về Hà Nội, cậu thiếu niên ấy lại được tiếp nhận ánh sáng của học thức, trí tuệ, nét tài hoa, lịch lãm nơi mảnh đất ngàn năm văn hiến.
Bút danh Trần Hoài Dương ra đời chính từ niềm đam mê văn chương khi cậu thiếu niên ấy trở lại Hà Nội và được “chìm” trong bể sách mênh mông, trong đó có văn học Nga mà cậu yêu mến đặc biệt. Hai vùng văn hóa Hà Nội, Bắc Giang như cùng ngấm sâu, cùng hòa quyện nơi tâm hồn Trần Hoài Dương, để sau này, từng trang văn của ông thật trong sáng, đầy rung cảm như nhà thơ Hoàng Cát từng nhận định: “Đọc Miền xanh thẳm của nhà văn Trần Hoài Dương, tự nhiên tâm hồn và mọi cung bậc tình cảm trong ta như được thanh lọc, như được gạn chắt, để giữ lại những gì là cao quý nhất, thiêng liêng và trong trẻo nhất”.
Nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) tên thật là Trần Bắc Quỳ. Ông đã có hơn 20 đầu sách viết cho thiếu nhi, đó là các tập truyện: Em bé và bông hồng, Đến những nơi xa, Cây lá đỏ, Con đường nhỏ, Hoa của biển, Người tù vượt ngục và em nhỏ trên đảo, Lá non, Áng mây, Những ngôi sao trong mưa, Mầm đước, Nhớ một mùa hoa thạch thảo, Hoa cỏ thì thầm, Nàng công chúa biển, Huyền thoại của một loài chim cánh cụt…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.