Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chắt lọc những điều tốt đẹp nhất

Bình Nguyên| 25/11/2016 07:11

(HNM) - Hôm qua (24-11), đã diễn ra hội nghị tổng kết 15 năm (2000-2015) phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và 10 năm thực hiện Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn TP Hà Nội.


Giữa dòng chảy thông tin đa dạng, phong phú, đây là một sự kiện đáng chú ý, có nhiều điều đáng để suy ngẫm.

15 năm - quãng thời gian không phải ngắn, song chỉ là một lát cắt trong dòng chảy văn hóa có bề dày nghìn năm văn hiến của Thủ đô! Nhìn lại có thể thấy, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của người Hà Nội đã đạt được những kết quả thật ấn tượng. Chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở; đời sống văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân Thủ đô được cải thiện rõ rệt.

Hệ thống thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư, hoàn thiện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường. Đặc biệt, phong trào còn thể hiện rõ những đặc thù của Hà Nội khi gắn liền hoặc lồng ghép với nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, qua đó những giá trị, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội được kế thừa, phát huy.

Có thể nói, phong trào đã đóng vai trò quan trọng góp phần xây dựng một Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại... Tuy vậy, giữa mặt tích cực chủ lưu, vẫn còn những hiện tượng đáng phê phán, những hiện tượng đi ngược hoặc "lạc" ra khỏi thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa - văn hiến của Thủ đô, thậm chí "phạm" các nguyên tắc đạo đức, giá trị xã hội mang tính nền tảng...

Nói sự kiện trên đáng để suy ngẫm là vì vậy! Cả về hiện thực trước mắt, cũng như định hướng phát triển lâu dài.

Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, được nêu rõ trong Nghị quyết 33-NQ/TƯ, Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) cũng như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Nhiệm vụ này được các địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội đặc biệt quan tâm, chú trọng thực hiện. Trong đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự mang lại những giá trị to lớn. Song để nâng cao hiệu quả hơn nữa, rõ ràng còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, địa phương cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trên tinh thần quán triệt quan điểm "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước; đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội", từ đó có sự đầu tư ở mức cao nhất cho việc thực hiện. Thứ hai, mỗi một người dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ thể của phong trào thông qua những đóng góp thiết thực, sáng tạo. Mỗi một người dân cũng chính là hạt nhân tích cực trong đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu... Đồng thời, mỗi người phải có ý thức thực hiện phong trào gắn liền với những chương trình, nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô như Năm trật tự và văn minh đô thị, như Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Định nghĩa về văn hóa, các nhà nghiên cứu, dù tiếp cận ở nhiều góc độ khác nhau, đều thống nhất rằng: Văn hóa là tất cả những gì tốt đẹp được trao truyền bền lâu. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là nhằm chắt lọc những nhân tố tích cực, tốt đẹp nhất để vun đắp, phát triển bầu sinh quyển sống lành mạnh cho thế hệ hôm nay và mai sau, cho mỗi người dân Hà Nội và từ đó lan tỏa ra cả nước. Với ý nghĩa như thế, cùng sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị; sự chung tay của mỗi người dân, phong trào chắc chắn sẽ mang lại hiệu ứng tích cực đối với đời sống xã hội nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chắt lọc những điều tốt đẹp nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.