(HNM) - Ngành chăn nuôi Việt Nam nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất theo kiểu tự phát, nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho các trang trại (TT) chăn nuôi cũng theo kiểu chắp vá. Do nguồn vốn hạn chế, nhiều TT đầu tư có đến đâu làm đến đấy, không đồng bộ, khép kín dẫn tới hiệu quả không cao.
Hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa quan tâm đến các công trình phụ trợ. Ảnh: Tào Ngọc |
Đầu tư kiểu "chắp vá"
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước có khoảng 23.500 TT chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng đa số hoạt động manh mún, nhỏ lẻ; không được kiểm soát, hỗ trợ cung cấp thông tin về dịch bệnh, giá cả, kỹ thuật chăn nuôi... Đa số các TT chăn nuôi đều thiếu các khu vực chức năng quan trọng để phòng chống dịch bệnh như khu xử lý chất thải, nơi cọ rửa thiết bị, khu vực cách ly động vật ốm nên nguy cơ dịch bệnh cao. Đặc biệt, do ảnh hưởng từ tập quán chăn nuôi và thiếu quy hoạch trong chăn nuôi nên đa số TT đều nằm gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho biết, do nguồn vốn còn hạn chế, nên hầu hết các TT chăn nuôi đầu tư theo kiểu, có đến đâu làm đến đấy. Thực tế, để đầu tư một TT với đầy đủ các công trình khép kín cần kinh phí khá lớn, vì vậy người dân thường chỉ xây dựng chuồng trại, mua con giống cùng các nguyên liệu đầu vào phục vụ chăn nuôi chứ chưa thể đầu tư các công trình phụ trợ khép kín, đặc biệt là công trình xử lý ô nhiễm môi trường. Khi làm ăn thuận lợi, sau 2-3 năm có lãi, người chăn nuôi có thể xây dựng tiếp các công trình khác như hầm biogas, khu cách ly gia súc, gia cầm mới, đường giao thông… vì vậy hạ tầng TT thường chắp vá, hoạt động kém hiệu quả.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn thành phố có 724 TT chăn nuôi lợn, 1.158 TT chăn nuôi gia cầm, nhưng chủ yếu quy mô nhỏ lẻ. Thực tế, các hộ chăn nuôi rất muốn đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản cho các TT, nhưng gặp khó khăn về kinh phí. Anh Hoàng Trọng Long, chủ TT chăn nuôi ở Thanh Oai cho biết, TT của anh đã đầu tư trên 30 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng nhưng phải mất 3-4 năm mới hoàn thiện tương đối như hiện nay (bao gồm chuồng trại, hệ thống làm mát, ấm cho động vật khi vào mùa, đường điện, đường giao thông, nhà kho, khu diệt trùng...). Theo anh Long, các TT quy mô trên 3.000 lợn thịt và 1.000 lợn nái như của anh thì mới có loại công trình này, còn các hộ nuôi nhỏ lẻ thì hầu như chỉ xây dựng chuồng trại, còn hầu như không có các công trình cơ sở hạ tầng phụ trợ đi kèm. Anh Long cho biết, để đầu tư nuôi 500 con lợn thịt, riêng xây dựng cơ sở hạ tầng (gồm chuồng, trại) đã mất đến tiền tỷ, còn nuôi 50-100 con lợn cũng mất khoảng vài trăm triệu. Số tiền này đối với người nông dân không phải là nhỏ.
Cần liên kết các chủ trang trại!
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cho rằng, trong khi nguồn vốn của người dân có hạn, Nhà nước cần có cơ chế chính sách hỗ trợ hợp lý về vốn cho các hộ chăn nuôi để mở rộng quy mô TT. Khi các chủ TT mới bắt tay vào xây dựng, nên chăng Nhà nước hỗ trợ con giống cho họ để số tiền nhập đàn được đầu tư vào các công trình phụ trợ khác. Ngoài ra, cần lồng ghép chương trình vay vốn của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước cho người dân vay với thời gian dài hạn; hỗ trợ các chủ TT xây dựng hầm biogas. Khi tiến hành xây dựng khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, ngoài việc người dân tự dồn điền đổi thửa cho nhau, Nhà nước cần hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, tường rào...
Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư xây dựng ngành công nghiệp chế biến, giết mổ gia súc gia cầm gắn với phát triển chăn nuôi TT và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm tại các TT như: HACCP, ISO, GMP… để từng bước nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm chăn nuôi trong nước ra thị trường thế giới. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác quy hoạch các vùng chăn nuôi xa khu dân cư, không khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát làm ảnh hưởng tới môi trường sống. Ngoài ra, khi các hộ dân làm đề án xin thành lập TT chăn nuôi, các ngành chức năng cần thẩm tra kỹ, chính xác về tiềm lực kinh tế của chủ TT mới cấp phép xây dựng, nếu không sẽ rất khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Đồng thời, các chủ TT nên liên kết lại thành lập các HTX, chi hội chăn nuôi để huy động nguồn vốn tự có để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng TT đồng bộ và cùng chia lợi nhuận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.