(HNM) - Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải (sinh năm 1959, hiện sống và viết ở Phú Thọ) từng xuất hiện khi đoạt giải thơ cùng với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều…
Sau hơn 30 năm cầm bút, ông vẫn miệt mài với hồn thơ đậm chất "làng quê" của mình. Nguyễn Hưng Hải vừa đoạt giải cao nhất trong 4 cuộc thi thơ của trung ương và một số tỉnh, thành, trong đó có cuộc thi sáng tác thơ "Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 55 năm Đường Trường Sơn" do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Nhân dịp này, PV Báo Hànộimới đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ.
- Thưa nhà thơ, năm ngoài 20 tuổi ông từng được giải ba trong cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội (VNQĐ) 1983-1984, đồng hạng với Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều… Giành giải thưởng của một tạp chí văn nghệ uy tín, kỷ niệm và ấn tượng của ông về giải thưởng đó như thế nào?
- Năm 1983, Báo Quân đội nhân dân mở lớp tập huấn nghiệp vụ cho các cộng tác viên trong toàn quân. Từ Báo Quân khu 5 ra Hà Nội tập huấn, tôi rủ một người bạn tới Tạp chí VNQĐ, mạnh dạn thử gửi xem có in được bài nào không.
Tiếp tôi hôm đó, chỉ có nhà thơ Hữu Thỉnh. Biết danh tiếng ông từ lâu nên tôi có phần run lắm. Nhưng nhà thơ Hữu Thỉnh lại rất niềm nở, điềm đạm như đã quen thân từ lâu ngày. Ông tiếp chúng tôi như hai đứa em từ chiến trường mới trở lại ngôi nhà ấm cúng của mình. Ông nhận bản thảo của chúng tôi rồi bảo: "Tạp chí VNQĐ đang có cuộc thi thơ, vậy là tốt rồi!". Khi lớp tập huấn kết thúc, trở lại Báo Quân khu 5 (đóng tại Đà Nẵng) chỉ ít lâu sau thì chùm thơ hai bài "Trở lại Trường Sơn" và "Tháng ba ở rừng" của tôi xuất hiện trên Tạp chí VNQĐ. Năm sau, kết thúc cuộc thi, tôi được giải ba. Ngày Tạp chí VNQĐ tổ chức trao giải, tôi không về dự được, vì bận đi công tác. Nhưng từ đó tôi luôn coi VNQĐ là chỗ dựa, nơi thử sức và gửi gắm niềm tin qua từng tác phẩm. Giải thưởng đầu đời đã giúp tôi giải tỏa được rất nhiều về mặt tâm lý, cho tôi can đảm dấn thân. Sau giải thưởng này, tôi còn đôi lần được nhận giải thưởng của Tạp chí VNQĐ nữa.
Quả thực ngày đó, nếu không có "con mắt xanh" của nhà thơ Hữu Thỉnh và sự giúp đỡ, sẻ chia của ông suốt mấy chục năm qua, tôi khó có thể trở thành một nhà thơ với đúng nghĩa của từ này như ngày hôm nay. Từ đáy lòng mình, tôi thầm biết ơn mảnh đất đã sinh thành ra tôi và dải đất chiến trường Liên khu 5; biết ơn những người đồng đội ở ngôi nhà số 4 - Lý Nam Đế, Hà Nội, từ bấy đến nay vẫn luôn quan tâm, tiếp sức cho tôi trong sáng tác cũng như trong những lúc gian nan của cuộc đời.
- Mới đây ông vừa giành được giải thưởng cao nhất trong cả 4 cuộc thi thơ do Bộ VH-TT&DL, Thành ủy - UBND TP Cần Thơ, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh Yên Bái, Hội VHNT tỉnh Điện Biên tổ chức. Cảm giác nhận giải hôm nay chắc hẳn nhiều cái khác so với hồi đôi mươi, khi bắt đầu cầm bút?
- Đã có rất nhiều cây bút bị "hào quang" của những giải thưởng đầu đời làm thui chột do tự huyễn hoặc mình. Để có một câu thơ, một bài thơ được người đời nhớ đến không phải dễ. Do vậy, càng được nhận nhiều giải thưởng tôi càng lo lắng về trách nhiệm nghệ sĩ, công dân của mình. Tôi luôn nghĩ về những điều sắp đến và trăn trở chứ ít khi nghĩ mình đã được bao nhiêu giải thưởng, mặc dù tôi rất khao khát và trân trọng, nâng niu từng giải thưởng.
- Ông rất trung thành với những chất liệu truyền thống trong thơ Việt, mặc dù những suy tưởng thơ ông lại liên hệ tới những nỗi buồn đương đại. Ông có bao giờ sốt ruột trước những cách tân trong thơ ca hôm nay không?
- Dù làm thơ theo truyền thống hay cách tân (hiện đại, hậu hiện đại, gì gì đi nữa), thì cũng đều nhằm đạt tới một mục đích là mỗi bài thơ phải nói được một điều gì đó, một vấn đề gì đó. Nghĩa là thơ phải tải "đạo", thơ phải có tư tưởng. Nội dung và tư tưởng của bài thơ chính là thông điệp mà nhà thơ gửi tới bạn đọc. Không có nó, chẳng khác gì nhà không có cột, kèo.
Chẳng có gì phải sốt ruột trước những cách tân trong thơ ca hôm nay cả, bởi cái gì cũng phải có thời gian. Cứ đọc lại Truyện Kiều và suy ngẫm thì sẽ biết nên cách tân theo hướng nào. Tôi cảm phục đổi mới của Nguyễn Quang Thiều nhưng kính nể Hữu Thỉnh vì thơ ông rất truyền thống mà lại quá hiện đại.
- Nhiều bài thơ của ông viết về những đề tài tưởng khó và khô khan nhưng những câu chữ vẫn thốt ra như rủ rỉ, như chuyện trò. Có cảm giác như những bài thơ đều được viết liền một mạch mà không phải sửa chữa, đắn đo nhiều?
- Tôi làm thơ bắt đầu từ cảm xúc, từ tâm trạng, tự sự thôi thúc có điều muốn nói, muốn được tâm sự, giãi bày. Thường là tôi viết một mạch, viết trong đầu, sau đó chỉ việc chép ra. Tôi không bao giờ làm thơ khi không có tâm sự và không nề hà bất cứ đề tài nào. Có lẽ cũng bởi tôi hay nghĩ ngợi, dằn vặt về thân phận, kiếp người, thời thế nên "tạng" của tôi không hợp với cách tân hình thức. Do đó, tôi cố gắng đào sâu suy nghĩ, tạo những lớp tầng ý tưởng cho những bài thơ của tôi.
- Thơ ca trong cuộc sống hôm nay hầu như hiện diện một cách quá khiêm tốn và lặng lẽ. Là một người làm thơ, ông nghĩ gì về điều này?
- Tiếc là văn hóa đọc hôm nay có những nơi, những chốn đang "xuống cấp". Tôi nghĩ không biết sử dân tộc, không hiểu được văn hóa và truyền thống dân tộc sẽ rất dễ mất gốc. Thơ ca cũng là nơi gìn giữ hồn cốt cha ông. Mong sao các cấp có thẩm quyền tăng cường đầu tư hơn nữa cho văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật.
- Xin chân thành cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.