(HNM) - Nếu như mọi năm học sinh (HS) tiểu học chỉ được nghỉ hè hơn một tháng thì hè năm 2013 này, các trường đều hẹn HS đến trường vào khoảng giữa tháng 8. Thông tin này khiến không ít phụ huynh vừa mừng vừa lo.
HS tiểu học không cần học thêm
Theo Kế hoạch hoạt động hè năm 2013 của Sở GD-ĐT Hà Nội, việc tổ chức ôn tập văn hóa cho HS chỉ được triển khai từ ngày 16-7 trên cơ sở tự nguyện, không được ép buộc HS học thêm trong dịp hè, dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, quy định này chỉ thực hiện với HS các trường THCS và THPT. Còn ở cấp tiểu học, hầu hết các nhà trường trên địa bàn thành phố đều hẹn HS đến trường tập trung, nhận lớp sau ngày 15-8. Việc tổ chức ôn tập văn hóa trong dịp hè tại trường cho HS tiểu học năm nay hoàn toàn bị "cấm cửa". Quy định này được nêu rõ tại Điều 4, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT: "Không dạy thêm với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Giờ tập viết của học sinh Trường Tiểu học Cát Linh. Ảnh: Khánh Nguyên |
Khảo sát tại một số quận như Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy hay cả ở những huyện xa trung tâm như Thạch Thất, Ba Vì… cho thấy, các trường tiểu học đều thực hiện nghiêm túc quy định này. Trước sự điều chỉnh về thời gian học tập, các trường đều có hình thức thông báo đến phụ huynh như niêm yết tại cổng trường, dùng loa phát thanh, gửi tin nhắn…
Trong khi hầu hết HS tiểu học đều phấn khởi tận hưởng thời gian nghỉ hè dài hiếm có thì một số phụ huynh lại tỏ ra lo lắng, cho rằng trẻ được nghỉ lâu sẽ quên kiến thức. Phụ huynh có con vào lớp 1 cũng nháo nhào tìm chỗ học cho con khi nhà trường không mở lớp như mọi năm. Giải tỏa mối lo này, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định: HS tiểu học không cần học thêm trong dịp hè. Trong thiết kế chương trình của các khối lớp, các môn học đều bố trí ít nhất một tuần cho việc ôn tập. Ví dụ như môn toán lớp 4 có 3 tiết ôn tập các nội dung kiến thức cơ bản ở lớp 3 như cách đo, viết các số đến 100.000; phân tích cấu tạo số, tính nhẩm, tính giá trị biểu thức… Sách giáo khoa toán lớp 5 cũng dành 4 bài đầu tiên để HS ôn tập… Tương tự như vậy với các môn khác. Cũng theo ông Tiến, để hạn chế những tác hại của việc học trước chương trình, nhất là với HS lớp 1, Hà Nội đã cấm hoàn toàn việc dạy - học trước và sẽ kiểm tra việc thực thi tại cơ sở. Từ nay đến khai giảng, phụ huynh nên dành nhiều thời gian cùng con, giúp con sẵn sàng tâm thế bước vào năm học mới. Thực tế nhiều năm trước cũng cho thấy, khi được nghỉ trọn vẹn cả 3 tháng hè, HS vào học rất hăng hái và nhanh chóng ổn định nền nếp ngay khi tựu trường.
Bớt "trăm hoa đua nở"
Nếu như đây là năm đầu tiên cấp tiểu học không tổ chức ôn tập văn hóa trong dịp hè thì với các trường THCS, THPT - từ năm học 2013-2014 sẽ phải tuân theo những quy định thống nhất về mức thu học phí. Kết quả khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố vào học kỳ II năm học 2012-2013 vừa qua cho thấy mức thu học phí mỗi nơi thực hiện một kiểu, ngay cả ở các trường cùng cấp học cũng có sự khác biệt. Có nơi thu 10 nghìn đồng/tháng/môn/HS, lại có nơi HS phải đóng hơn 100 nghìn/tháng/môn. Đây là lần đầu tiên Hà Nội ban hành mức trần thu phí của việc dạy thêm, học thêm nhằm tránh tình trạng "trăm hoa đua nở" ở các nhà trường thời gian qua.
Theo Quyết định số 22/2013/ QĐ-UBND do Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc ký ban hành ngày 25-6-2013, tùy theo quy mô HS/lớp, mức thu tối đa thấp nhất cho một tiết học đối với HS THCS là 6 nghìn đồng/HS với lớp có số lượng HS từ 40 HS trở lên; mức cao nhất áp dụng cho lớp có sĩ số HS từ 10 HS trở xuống là 26 nghìn đồng/HS/tiết. Cấp THPT có mức thu nhỉnh hơn một chút, từ 7 nghìn đồng/HS/tiết đến 32 nghìn đồng/HS/tiết. Mức thu tiền học thêm tối đa hằng năm sẽ được điều chỉnh theo tỷ lệ với mức lương tối thiểu tại cùng thời điểm.
Đây cũng là lần đầu tiên Hà Nội quy định thống nhất tỷ lệ chi kinh phí thu được từ dạy thêm, học thêm trong nhà trường, bao gồm 70% cho giáo viên trực tiếp giảng dạy, 15% cho công tác quản lý, 15% còn lại để hỗ trợ cơ sở vật chất phục vụ dạy - học. UBND thành phố cũng yêu cầu các nhà trường phải tổ chức thu, chi và thanh, quyết toán tiền học thêm công khai. Theo ý kiến của ban giám hiệu các trường, việc quy định cụ thể như vậy không chỉ thuận tiện cho các trường khi triển khai mà còn là căn cứ pháp lý cho việc kiểm tra, giám sát. Quy định giáo viên dạy thêm không trực tiếp đứng ra thu, chi tiền học thêm cũng vừa để các thầy, cô giáo chuyên tâm vào công việc, vừa tránh được những điều tiếng phức tạp do những hiểu lầm từ phía phụ huynh.
Những hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng các quy định của việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố sẽ được Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành vào trước ngày khai giảng năm học mới 2013-2014. Liệu đây có là "liều thuốc" chữa trị những tiêu cực trong việc tổ chức dạy thêm ở các nhà trường, bớt đi những bức xúc trong dư luận thời gian qua hay không, điều ấy còn phụ thuộc vào sự nghiêm túc, quyết liệt từ phía nhà quản lý và các cơ sở.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.