(HNM) - Hàng loạt vụ việc nhà giáo vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp ở một số địa phương thời gian qua, không chỉ khiến dư luận, phụ huynh học sinh bức xúc, mà còn là nỗi trăn trở của những người trong ngành Giáo dục.
Xây dựng Quy tắc ứng xử là giải pháp giải quyết tận gốc hành vi vi phạm đạo đức trong trường học. Ảnh: Viết Thành |
Nhiều áp lực, ít sự cảm thông
Dư luận những ngày qua liên tục “nóng” về thông tin phản ánh hành vi chưa chuẩn mực của nhà giáo đối với học sinh, làm ảnh hưởng đến uy tín của đội ngũ giáo viên và ngành Giáo dục. Chỉ tính trong tháng 11 và đầu tháng 12-2018, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc, đơn cử như vụ một cô giáo mầm non ở tỉnh Nam Định dùng dây buộc trẻ vào cửa sổ; giáo viên tiểu học ở tỉnh Long An dùng thước đánh học sinh bầm tím; cô giáo một trường THCS ở tỉnh Quảng Bình yêu cầu học sinh cùng lớp tát bạn hơn 200 cái; nghi vấn tương tự cũng xảy ra tại một trường tiểu học ở Hà Nội, khi cô giáo bị tố yêu cầu học sinh trong lớp tát bạn hàng chục cái...
Các vụ việc trên đều được cơ quan chức năng xác minh, xử lý nghiêm minh. Song điều đáng nói, đây không phải lần đầu xảy ra những hành vi như vậy. Nhiều nguyên nhân được điểm mặt, chỉ tên, trong đó có tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, khiến nhiều người không toàn tâm, toàn ý với nghề; chất lượng “đầu vào” của ngành Sư phạm còn thấp; công tác đào tạo giáo viên coi nặng việc truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng đến phát triển phẩm chất đạo đức và rèn kỹ năng sư phạm...
Khi sự việc lắng xuống, những bức xúc qua đi, bình tâm suy nghĩ, dư luận lại dấy lên những thông cảm, sẻ chia với nghề giáo, một nghề cao quý, đặc thù. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, trong xã hội hiện đại, nhà giáo bị bủa vây bởi nhiều áp lực.
Nhiệm vụ đòi hỏi trình độ, năng lực ngày càng cao, nhưng mức thu nhập, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng. Đòi hỏi của xã hội với nhà giáo lại có phần khắt khe, với mặc định phải tận tâm, mẫu mực, trong khi nhà giáo cũng là một thành tố của xã hội và chịu nhiều tác động của xã hội.
Với những trải nghiệm thực tế 14 năm giảng dạy, cô giáo Dương Thị Phương Thảo (Trường THCS Mạc Đĩnh Chi, quận Ba Đình) không khỏi chạnh lòng khi chia sẻ về những áp lực của nghề. Với yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay, mặc dù số tiết dạy không hẳn là nhiều, nhưng cô cùng đồng nghiệp phải xử lý nhiều công việc “hậu trường” cho tiết dạy ấy, chưa kể những áp lực đè nặng từ các kỳ thi và nhiều phần việc khác...
"Ngày nào cũng tất bật từ sớm đến tối muộn, song mức lương hằng tháng chỉ được gần 5 triệu đồng. Đồng nghiệp của tôi có thâm niên 8 năm đứng lớp đã không thể tiếp tục gắn bó với nghề, bởi thu nhập không đủ chi trả cho cuộc sống ở Thủ đô", cô giáo Dương Thị Phương Thảo cho biết.
Xây nền văn hóa để chống vi phạm
Giờ tin học của học sinh Trường Tiểu học đô thị Sài Đồng (quận Long Biên). Ảnh:Viết Thành |
Trước thực trạng một số địa phương liên tiếp để xảy ra hiện tượng nhà giáo vi phạm các quy định về đạo đức, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các sở giáo dục và đào tạo yêu cầu tổ chức quán triệt các quy định liên quan và thành lập các đoàn công tác kiểm tra việc tuân thủ quy định về đạo đức nhà giáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bạo hành thể chất, tinh thần học sinh.
Ngoài ra, các địa phương phải khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” ban hành kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 3-10-2018 của Thủ tướng Chính phủ, với yêu cầu 100% số trường học xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử ngay trong giai đoạn từ nay tới năm 2020; đến năm 2025 có ít nhất 95% số trường học đạt tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện.
Thực tế, việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được triển khai với nhiều hình thức tại các trường học, song chưa mang tính tổng thể. Vì vậy, việc ban hành đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học được kỳ vọng là giải pháp bền vững để giải quyết tận gốc những hành vi vi phạm đạo đức nghề giáo. Đây cũng là nền tảng để xây dựng môi trường học đường an toàn, tăng cường mối quan hệ gần gũi giữa nhà giáo với học sinh, phụ huynh.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Huyền, Trường THPT Xuân Giang (huyện Sóc Sơn), để ngăn ngừa bạo lực, các quy định về ứng xử trong nhà trường đều được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, trong đó giáo viên phải là người biết lắng nghe và làm gương, vì ở lứa tuổi trung học phổ thông, các em cần sự sẻ chia, hỗ trợ để định hướng, chứ không phải bằng cách áp đặt. Bởi vậy, mỗi nhà giáo phải nỗ lực tu dưỡng, hoàn thiện cả về chuyên môn và nhân cách để học trò quý trọng, phụ huynh tin tưởng.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, việc triển khai Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” vừa để lấp đầy những khoảng trống về giáo dục đạo đức, kỹ năng ứng xử trong các trường sư phạm, vừa nhằm xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện.
Trong đó, các địa phương, nhà trường cần đề cao sự tôn trọng và dân chủ. "Chỉ khi giáo viên, học sinh thực sự tôn trọng, lắng nghe và chia sẻ cùng nhau, thì những cấn cá mới có thể được giải tỏa, bạo lực mới được đẩy lùi", Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ, để khắc phục tình trạng nhà giáo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về đạo đức nhà giáo; đổi mới phương pháp, nội dung bồi dưỡng thường xuyên; tập huấn cho giáo viên cách nhận diện, phòng ngừa các nguy cơ có thể dẫn đến hành vi sai phạm, đồng thời quan tâm đến việc hỗ trợ tư vấn tâm lý cho nhà giáo và người học. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.