(HNMO) - Chiều 25-6, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức buổi làm việc về “Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới”.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Tình trạng các video, clip xấu độc được đăng tải trên nền tảng này vẫn còn rất nhiều và có chiều hướng gia tăng. Hiện trên Youtube có khoảng 55.000 video, clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật. Mặc dù Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video, clip xấu độc trên Youtube, nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube còn rất nhiều bất cập, nên việc ngăn chặn, gỡ bỏ này như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Tính đến ngày 25-6, có khoảng 100 nhãn hàng trong nước bị phát hiện là vi phạm quảng cáo trong các clip thông tin xấu độc. Do Youtube vẫn cho phép bật tính năng gợi ý cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc vẫn bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ, gây tác động lớn. Vẫn còn tái diễn tình trạng quảng cáo của các thương hiệu, nhãn hàng uy tín được gắn vào các clip phản động chống phá Nhà nước.
Hiện tại, sai phạm trên Youtube chủ yếu đến từ 130 nghìn kênh tiếng Việt do Youtube trực tiếp quản lý. Khi xảy ra sai phạm, Youtube đã phối hợp với cơ quan quản lý Việt Nam trong việc gỡ bỏ nội dung vi phạm và xử lý đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là Youtube chưa quản lý chặt chẽ nội dung do các chủ kênh trong mạng lưới đăng tải.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi tinh thần thượng tôn pháp luật của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là sự thượng tôn pháp luật trên không gian mạng; sự tuân thủ pháp luật Việt Nam của các nền tảng xuyên biên giới. Việt Nam không chào đón các doanh nghiệp xuyên biên giới không tuân thủ luật pháp Việt Nam. Chính phủ Việt Nam sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các đối tác tuân thủ luật pháp.
Đồng thời, các bộ, ngành liên quan phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên không gian mạng (sử dụng mạng xã hội có danh tính, phải đóng thuế, tuân thủ pháp luật). Đặc biệt, về phía các công ty công nghệ Việt Nam phải sản sinh ra các công cụ giám sát không gian mạng Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.