Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạm vào lòng tự ái?

Minh Dân| 03/04/2013 05:46

(HNM) - Do nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao và khả năng chi trả của một bộ phận người dân nước ta, trước hết là những người có thu nhập cao trong xã hội ngày càng tăng, hằng năm có hàng chục nghìn người Việt Nam ra nước ngoài khám và điều trị bệnh.


Ai cũng biết sức khỏe của con người là quý hơn tất cả. Nhất là những người đang phải đương đầu với bệnh tật hiểm nghèo. Dân gian thường nói: "Có bệnh thì vái thập phương". Đó không chỉ là tâm lý, mà là nhu cầu bức thiết với mỗi người.

Đã hàng chục năm nay, tình trạng bệnh viện trong nước chúng ta thật sự quá tải một cách trầm trọng. Chúng ta nhiều lần hô hào, bày tỏ quyết tâm khắc phục không còn tình trạng 2 người bệnh nằm một giường, để rồi sau vài ba năm, thay bằng tình trạng ... 3-4 người một giường(!). Vào thăm một số bệnh viện, bệnh nhân nam nữ nằm chung giường; người truyền dịch phải đứng, phải ngồi truyền (vì không có giường nằm) không phải là chuyện lạ! Người nhà đi thăm nuôi bệnh nhân nằm... gầm giường, nằm ở ban công, hành lang, cầu thang, từ lâu đã là chuyện thường ngày ở bệnh viện.

Trong khi đội ngũ thầy thuốc của nước ta, mặc dù còn có những bất cập, song đại đa số là những người tâm huyết với nghề và có rất nhiều người có trình độ cao, đã chữa được rất nhiều ca bệnh khó.

Nói theo ngôn ngữ thị trường, vì sao xung quanh vấn đề chăm sóc sức khỏe, có cầu mà lại không có cung? Phải chăng, vì thiếu một sự quan tâm đủ mức của các cơ quan quản lý nhà nước, từ cấp trung ương đến các địa phương, mà tình trạng bệnh viện ở nước ta trở nên thiếu trầm trọng? Vì sao chúng ta không quyết tâm đầu tư xây dựng thêm bệnh viện mới, mở rộng quy mô, nâng cấp các bệnh viện hiện có?

Và thêm nữa, vì sao chúng ta không quyết tâm cải cách cơ chế thu viện phí đang quá lạc hậu và bất cập như hiện nay, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, để cho cung và cầu có thể gặp nhau. Để từ đó Nhà nước không phải bao cấp viện phí cho những người có khả năng chi trả cao, hưởng dịch vụ cao; để có điều kiện tập trung chăm sóc tốt hơn cho người có thu nhập thấp, chi trả thấp?

Trong khi chúng ta cứ loay hoay, băn khoăn, tính toán, nhưng đến nay vẫn không đề ra được cơ chế, chính sách phù hợp với nhu cầu, điều kiện và cơ chế mới và cũng không xây được đủ bệnh viện để chữa bệnh cho nhân dân, thì một phần công việc đó, chúng ta lại để cho nước ngoài "làm hộ", "thu hộ". Mà khi đã tới những nơi đó, cũng rất lạ thay, lại cũng chính người dân của mình, lại không hề kêu ca thắc mắc, sao mà dịch vụ y tế ở đây thu đắt vậy?

Nhiều người nói rằng, chỉ riêng với các bệnh viện ở Singapore, người Việt Nam chúng ta đã đóng khoảng 2 tỷ đô la Mỹ/năm tiền chữa bệnh. Cộng thêm những người đang đi chữa bệnh ở Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ... thì tổng cộng khoản chi cho dịch vụ khám chữa bệnh của người Việt Nam trong 5 năm, 10 năm chắc là đủ để xây không phải một mà là nhiều bệnh viện, với trang thiết bị hiện đại không thua kém các nước.

Một câu hỏi đặt ra, xét thuần túy về phương diện kinh tế - tài chính cũng đã khiến chúng ta cần phải suy ngẫm. Đó là chưa kể, một câu hỏi khác, chạm vào lòng tự ái của đội ngũ thầy thuốc và nói rộng ra là tự ái dân tộc: Không lẽ người Việt Nam chúng ta không thể tự lo chữa bệnh cho người Việt Nam?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạm vào lòng tự ái?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.