Thủ đô Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên văn hóa, lịch sử đa dạng với 5.922 di tích. Đặc biệt, khu vực trung tâm luôn có sức hút lớn với du khách bởi việc khám phá nơi đây mang đến những cảm nhận chân thực, sâu sắc về một Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Vì thế, bên cạnh những sản phẩm du lịch truyền thống, Hà Nội không ngừng làm mới mình bằng nhiều sản phẩm du lịch đêm nhằm mang lại những trải nghiệm hấp dẫn, qua đó kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách để phát triển kinh tế du lịch Thủ đô.
Di sản “kể chuyện” bằng công nghệ
Mới lạ, háo hức - đó là cảm xúc của người xem khi được ngắm nhìn các “di sản trong lòng di sản” thông qua chương trình “Đêm Hà Nội - Chạm vào cảm xúc” do Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức mới đây. Trên “màn hình” là nền tường gạch in dấu thời gian của di tích Ô Quan Chưởng, công nghệ trình chiếu 3D mapping đã tái hiện hình ảnh cầu Long Biên, Hoàng thành Thăng Long, chùa Một Cột, đền Bạch Mã... hay các di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của Hà Nội như múa rối nước, xẩm, ca trù cùng hình ảnh hoa sen, nón lá đặc trưng của Việt Nam.
Những hình ảnh đầy màu sắc hiện lên rõ nét trong không gian ba chiều khiến các di sản trở nên chân thực, sống động hơn. Cùng với sự kết hợp của âm thanh, người dân và du khách đã được thưởng thức một “bữa tiệc” công nghệ hấp dẫn, mới lạ.
Trước đó, chương trình Trải nghiệm “Đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám” với nhiều hoạt động hấp dẫn đã thu hút hàng vạn lượt du khách tham quan. Dù đã quen với hình ảnh cổ kính của ngôi trường đại học đầu tiên ở Việt Nam vào ban ngày, du khách vẫn khá bất ngờ với sự lột xác của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám về đêm. Được quy hoạch bài bản thành các không gian mang chủ đề về đạo học như khu Nhập đạo, Tứ linh huấn tử, khu Thành đạt, Hành trình đạo học... kết hợp với các không gian trải nghiệm tương tác, trải nghiệm thực tế ảo, nơi đây mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu sâu về tinh thần hiếu học và truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt.
Đặc biệt, trải nghiệm “đinh” của chương trình là bộ phim bằng công nghệ 3D mapping mang chủ đề “Tinh hoa đạo học” đã “chạm” tới cảm xúc của người xem. Toàn bộ mặt tiền và phần mái nhà Tiền đường biến thành một màn hình khổng lồ giúp khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy trong đạo học của người Việt. Cùng với đó là hình ảnh biểu tượng linh vật, Sao Khuê trên công trình Khuê Văn Các và bia Tiến sĩ Thăng Long thể hiện sự kết tinh, thăng hoa của đạo học Việt Nam. Tất cả cùng hòa quyện tạo nên một bữa tiệc của ánh sáng, âm thanh và cảm xúc, vừa truyền tải tới người xem những giá trị về tinh thần, vừa góp phần quảng bá những giá trị đặc trưng của Khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nối tiếp thành công của các sản phẩm trên, Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Du lịch bền vững Việt Nam (Vietnam S.T.I.D) vừa “trình làng” tour xe đạp “Đêm Thăng Long - Hà Nội”. Theo đó, du khách sẽ tham quan các địa danh nổi tiếng của Hà Nội về đêm như Thành Cửa Bắc, đền Quán Thánh, Quảng trường Ba Đình - Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tòa nhà Quốc hội - Phủ Chủ tịch... và dừng chân khám phá ẩm thực tại Phố ẩm thực Đảo Ngọc - Ngũ Xã.
Dù chỉ mới ra mắt nhưng tour xe đạp “Đêm Thăng Long - Hà Nội” đã thu hút rất nhiều bạn trẻ cùng du khách lớn tuổi. “Hành trình này mang lại những trải nghiệm độc đáo, giúp du khách cảm nhận đêm Hà Nội của hiện tại, hồi tưởng về quá khứ theo một cách mới để thêm yêu, thêm hiểu Hà Nội trong dòng chảy liên tục của lịch sử, văn hóa” - Giám đốc Công ty Vietnam S.T.I.D Phùng Thị Hoàng Anh cho biết.
“Thổi hồn” để di sản “chạm” tới du khách
Việc đầu tư công nghệ hiện đại để gia tăng trải nghiệm tại các di tích về đêm của Hà Nội được đánh giá là hướng đi đúng đắn và là niềm mong mỏi của nhiều doanh nghiệp lữ hành và người dân.
Bà Hoàng Thị Ngọc Lan (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được thưởng thức màn trình diễn công nghệ tuyệt vời tại Ô Quan Chưởng và càng tự hào về di sản cha ông để lại. Tôi mong có thêm nhiều hoạt động như thế để thu hút du khách. Nhìn khách du lịch trong nước, quốc tế kéo nhau tới khu vực phố cổ vui chơi giải trí, tôi rất vui. Không chỉ vì nhiều gia đình có thêm thu nhập từ các dịch vụ, mà điều đó còn cho thấy Hà Nội thực sự là một điểm đến hấp dẫn”.
Đánh giá cao tầm quan trọng của sản phẩm du lịch trong việc phát triển kinh tế đêm, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm có sự kết hợp của công nghệ hiện đại mang tính độc đáo, khác biệt sẽ là “thỏi nam châm” hút khách đến Hà Nội. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, điểm đến, điểm cung cấp dịch vụ bắt tay nhau cùng xây dựng những sản phẩm chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và tăng mức chi tiêu của du khách, góp phần phát triển kinh tế du lịch cho Thủ đô.
Còn theo Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu, việc dùng công nghệ để “thổi hồn” cho di sản là cách “thắp sáng” các di tích về đêm. Sự kết hợp giữa di sản và công nghệ là một “cuộc đối thoại” giữa truyền thống và hiện đại nhằm tìm ra điểm “chạm” cảm xúc của người xem, từ đó khơi dậy niềm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc; đồng thời biến các di tích của Thủ đô trở thành những không gian sáng tạo thu hút khách du lịch đến với Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.