Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm trễ vì thiếu minh bạch ?

Bài, ảnh: Thiện Mỹ| 05/01/2015 07:37

(HNM) - 14 năm qua, người dân sinh sống tại ngõ 460 đường Khương Đình, phường Hạ Đình (Thanh Xuân) nhiều lần phải đối mặt với thông báo của các cấp thẩm quyền về việc phải giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện một số dự án (DA). Đến nay DA cải tạo mương T8A đã được triển khai nhưng lại


Hậu quả từ những vi phạm cũ

Đường vào ngõ 460 khấp khểnh với một dãy nhà cấp 4 lụp xụp và hiện trạng đó vẫn tồn tại hơn 10 năm nay do khu vực này đã quy hoạch vào DA từ năm 1999. Theo UBND phường Hạ Đình, nguồn gốc đất của các hộ dân ở bên trái ngõ (tính từ đầu ngõ 460 đi vào) đều là đất lấn chiếm. Dải đất này nằm giáp tường bao của Nhà máy Nhựa Đại Kim, gồm phần mương nổi, mương chìm và đường đi của khu dân cư. Tại bản đồ đo năm 1991, dải đất này chưa có nhà ở, do UBND phường quản lý và mục đích sử dụng là đường đi, nhưng đến bản đồ năm 1995, khu vực này đã hình thành một dãy nhà. Trên thực tế, từ năm 1993 đến năm 2000, nhiều hộ dân đã ồ ạt xây nhà tại vị trí này mà không hề bị xử lý; thậm chí khi chuyển nhượng nhà, đất cho nhau, một số hộ còn được lãnh đạo địa phương ký xác nhận. Với vi phạm này, năm 2001, UBND quận Thanh Xuân chỉ đạo Chủ tịch UBND phường Hạ Đình có văn bản đề nghị UBND quận có quyết định hủy bỏ ý kiến xác nhận không đúng thẩm quyền, nhưng chỉ đạo này đã không được thực hiện.

Dãy nhà ở ngõ 460 đường Khương Đình nằm trong diện giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo mương T8A.



Theo phê duyệt của UBND TP Hà Nội tại Quyết định 112/1999/ QĐ-UBND ngày 28-12-1999 thì ngõ 460 đường Khương Đình nằm trong quy hoạch mở đường giao thông. Trong khi DA chưa được bố trí vốn và nhằm giải quyết tình trạng ngập úng, năm 2000, UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định 93/QĐ-UB-KH, phê duyệt DA cải tạo ngõ 460 và UBND phường Hạ Đình cam kết tự giải tỏa các hộ dân xây dựng trái phép trên mặt mương ngõ 460. Tuy nhiên, phường Hạ Đình không thực hiện được cam kết này nên DA cải tạo ngõ 460 không thực hiện được. Tiếp đó, năm 2002, UBND thành phố ra quyết định phê duyệt DA xây dựng đường nối đường Vương Thừa Vũ với đường Vành đai 3 và tháng 8-2002, UBND thành phố ban hành Quyết định 5380, thu hồi hơn 69.000m2 đất để triển khai DA. Theo bản vẽ chỉ giới đường đỏ của tuyến đường nối đường Vương Thừa Vũ với đường Vành đai 3 thì hầu hết các hộ dân có nhà, đất ở bên trái ngõ 460 đều thuộc phần đất thu hồi theo Quyết định 5380. Bẵng đi một thời gian, đến năm 2009, UBND thành phố tiếp tục ra Quyết định thu hồi hơn 6.500m2 đất tại hai phường Hạ Đình và Kim Giang, giao Ban Quản lý DA Thoát nước Hà Nội thực hiện cải tạo mương Kim Giang T8A thuộc DA Thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (diện tích đất thu hồi của DA là một đoạn của DA đường Vương Thừa Vũ kéo dài nối với đường Vành đai 3)… Sau những lần thông báo thu hồi đất để thực hiện các DA nói trên, các hộ dân đều không hợp tác và các DA đều dậm dịch triển khai song lại bỏ dở dang…

Khúc mắc cần được làm rõ

Triển khai DA mương T8A, các cơ quan chức năng quận Thanh Xuân và phường Hạ Đình đã họp dân thông tin công khai về DA; điều tra, xác minh, kê khai tài sản, nhà đất và đề nghị UBND thành phố có cơ chế bồi thường, hỗ trợ cho các hộ… Trong số 63 hộ liên quan đến GPMB, đến nay còn 21 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ, chưa bàn giao mặt bằng và 11 hộ không kê khai nhà, đất, không đồng ý để cơ quan chức năng vào điều tra, khảo sát.

Ông Nguyễn Tiến Sang, đại diện các hộ không đồng tình với phương án GPMB cho biết: Từ năm 2000 đến nay, người dân đã phải nhiều lần đối mặt với thông báo di dời, bàn giao mặt bằng của quận Thanh Xuân. Đầu tiên là DA làm đường, sau đó lại DA cải tạo ngõ và nay lại là DA cải tạo mương T8A…. Ở đây, DA sau chồng DA trước nên chúng tôi không hợp tác. Đã nhiều năm nay chúng tôi yêu cầu phải được cung cấp các đồ án, bản vẽ, bản đồ chỉ giới đường đỏ để xác định ranh giới đất thu hồi, nhưng đến giữa tháng 12-2014 mới được cung cấp. Nhìn vào bản vẽ thiết kế mương T8A cho thấy mương được thiết kế cao 2m, chiều rộng 4m nhưng chỉ giới đường đỏ thể hiện phạm vi thu hồi đất lên đến 25m. Vì sao mương rộng 4m nhưng lại thu hồi 25m? Phải chăng, cơ quan chức năng dựa vào việc thu hồi đất làm cống để làm đường? Nếu thu hồi đất làm cống nhưng lại làm đường là không đúng vì trong tất cả các văn bản liên quan đến thu hồi đất của người dân chỉ nói đến việc thu hồi đất để làm cống mà không nói đến làm đường?

Tiếp cận với các hộ dân, phóng viên Báo Hànộimới còn nhận được một số băn khoăn, nghi vấn khác của họ. Đó là, liền kề với đất của các hộ dân là đất của Nhà máy Nhựa Đại Kim. Tuy nhiên, đến nay toàn bộ đất của Nhà máy Nhựa Đại Kim đã được chuyển đổi sang mục đích xây dựng nhà chung cư, nhưng đường vào DA này hiện chỉ rộng khoảng 4m. Nếu toàn bộ dãy nhà của các hộ dân ở ngõ 460 được giải phóng, đoạn mương T8A này được mở rộng 25m thì đường nối đường Vương Thừa Vũ với đường Vành đai 3 cũng đồng thời hoàn thành GPMB và DA nhà chung cư có một mặt tiền đẹp như… mơ. Do vậy, người dân muốn được một đơn vị chuyên môn thẩm định lại thiết kế cống T8A nhằm xác định việc thu hồi 25m có phù hợp với quy định của pháp luật hay không.

Với thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Quang Hiển, Phó ban Bồi thường GPMB quận Thanh Xuân khẳng định: Quận Thanh Xuân triển khai DA theo đúng quy định pháp luật, trên cơ sở quyết định thu hồi đất của UBND thành phố và chỉ giới đường đỏ do Sở Quy hoạch và Kiến trúc phê duyệt. Giữa tháng 12-2014, UBND phường Hạ Đình công khai bản đồ hiện trạng, bản đồ chỉ giới đường đỏ là công khai vì trước kia đã công khai rồi. Quận chỉ thu hồi đất theo đúng chỉ giới đường đỏ, còn việc thu hồi 4m hay 25m là do Sở Quy hoạch và Kiến trúc quyết định…

Đây là một DA quan trọng, có ý nghĩa thiết thực với cộng đồng và các cấp chính quyền quận Thanh Xuân đã triển khai DA đúng trình tự nhưng người dân vẫn chưa đồng tình. Thiết nghĩ, để xóa bỏ rào cản nói trên trong công tác GPMB, đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục việc công khai, đối thoại và giải thích rõ ràng hơn với người dân về phạm vi thu hồi đất thực hiện DA nhằm bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Đừng bỏ lỡ
    Chậm trễ vì thiếu minh bạch ?

    (*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.