Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấm thi ĐH môn văn: Cười ra nước mắt !

ANHTHU| 03/08/2004 10:33

Rất hiếm đọc được một bài văn hay thật sự. Còn những bài văn ngô nghê, cảm nhận sơ sài, câu chữ lủng củng, vô nghĩa thì rất nhiều”, giảng viên Đoàn Ánh Loan, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhận xét về nội dung làm bài thi môn văn của thí sinh thi tuyển vào trường này năm 2004

Chấm thi ĐH môn văn tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM

“Rất hiếm đọc được một bài văn hay thật sự. Còn những bài văn ngô nghê, cảm nhận sơ sài, câu chữ lủng củng, vô nghĩa thì rất nhiều”, giảng viên Đoàn Ánh Loan, Phó Trưởng Khoa Ngữ văn Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, nhận xét về nội dung làm bài thi môn văn của thí sinh thi tuyển vào trường này năm 2004

Sai lệch kiến thức, diễn đạt ngô nghê, sử dụng từ ngữ không đúng là những lỗi thường gặp của thí sinh thi môn văn. Một giảng viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM khi chấm thi môn văn đã ghi lại những đoạn văn có một không hai của các thí sinh.

Viết như nói

Kiến thức văn học hạn chế đã khiến nhiều thí sinh khi làm bài văn đã không thể trích dẫn cụ thể tên tác giả, nhân vật... một cách chính xác mà phải dùng đến từ phiếm chỉ: “Có ai đó nói rằng: “... Có trường hợp không nhớ tên nhân vật nên viết: “Tên địa chủ (không muốn nhắc tên ở đây) đã đến gặp Chí Phèo”. Còn khi không thuộc bài ca dao thì chế tác luôn: “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Bông sen đẹp nhất có tên Bác Hồ”.

Nhiều thí sinh viết như là nói, đưa cả văn đời thường vào bài làm không một chút do dự: “Nếu có ai hỏi đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam chưa? Dĩ nhiên câu trả lời không khác là “rồi!”; hoặc có thí sinh viết: “Đùng một cái, bà cô Thị Nở không chịu”; “Một buổi chiều đầy ớn lạnh”; “Cánh chim vào vô cùng vô tận, đó là cánh chim không có địa chỉ”...

Những lỗ hổng kiến thức

Không những kiến thức hạn hẹp, diễn đạt lung tung, nhiều thí sinh còn bị hổng kiến thức một cách trầm trọng.

Một thí sinh đã trao giải Nobel cho nhà thơ Tố Hữu khi khẳng định: “Tố Hữu được giải Nobel năm 1960!”.

Có thí sinh viết: “Đây là một nét tự hào của người dân An Nam”.

Khi viết về tiểu sử nhà văn Nam Cao, một thí sinh khẳng định: “Nam Cao xuất thân từ giai cấp nông sản”. Có lẽ chỉ có thí sinh này mới biết “giai cấp nông sản” là giai cấp gì?

Còn khi phân tích tình yêu giữa Chí Phèo và Thị Nở, có thí sinh nhận định: “Việt Nam không là một cường quốc kinh tế, quân sự nhưng cũng tự hào là một cường quốc về tình yêu”.

Văn chương kiểu... người ngoài hành tinh

Diễn đạt một cách ngây ngô thậm chí sai ý nghĩa rất phổ biến. Phân tích truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam, một thí sinh mở đầu: “Bước vào truyện ngắn, nhà văn đã miêu tả cảnh phố huyện” hoặc: “Phong cảnh phố huyện trong truyện là nơi gần đường tàu chạy”. Với bài thơ Chiều tối, một thí sinh khác đã tưởng tượng: “Nếu điểm xuyết vào bức tranh một ông lão “Lão ông xóm núi xay ngô tối” thì hết hay, mất ý nghĩa một người già răng rụng...”. Một thí sinh diễn đạt bằng cách so sánh như sau: “Chim tự do mà cũng mệt mỏi thử hỏi một người mà thân hình đầy xiềng xích có mệt mỏi không?”.

Bên cạnh việc diễn đạt ngây ngô là lỗi dùng từ. Đôi khi thí sinh dùng những từ mà chỉ có các em mới hiểu. Khi phân tích bài thơ Chiều tối của Bác Hồ, có thí sinh đã viết: “Bác rất lịch sự, Người dùng chữ “sơn thôn” chứ không phải là “cô em” như bản dịch. “Cô em” nghe suồng sã và hơi không đứng đắn”. Còn khi phân tích tâm trạng của tác giả trong bài thơ Giải đi sớm, thí sinh đã viết: “Một tâm trạng ung dung pha lẫn sự gấp rút”.

Khi phân tích câu “Rát mặt đêm thu trận gió hàn” trong bài thơ Giải đi sớm của Bác Hồ, ngoài tả tình tả cảnh, thí sinh còn dùng luôn từ “con ma” cho ấn tượng như sau: “Ngòi bút của Bác là đa tài, đa cảm, ngòi bút vừa điêu luyện, vừa mạnh mẽ. Gió mà làm cho bỏng rát cả da nghĩa là gió rất mạnh, trời còn rất sớm. Tác giả đã đưa mình ra hứng chịu “con ma” của thời tiết...”.

Những đoạn văn “bất hủ”

Những đoạn văn này khi đọc lên nghe có vẻ rất mượt mà, lâm ly nhưng thực chất là sáo rỗng, ngô nghê đến tức cười. Một thí sinh đã mở đầu bài phân tích của mình về 2 bài thơ Giải đi sớm và Chiều tối một cách lê thê như sau: “Những cơn mưa đầu mùa bất chợt kéo về trong vòng xoay của thiên nhiên, bỗng lòng tôi quặn lại, sao mưa buồn thế, buồn như những cái ngày cách đây mấy mươi năm, khi đất nước đang còn chiến tranh, biển lửa. Buồn thật, nỗi buồn càng tăng khi mưa càng nặng hạt, khi tâm trí tôi còn vương vấn không thôi ở những cái ngày lửa đạn… Và bất chợt đâu đó vài tiếng hót hay hay vang lên từ lùm cây, bụi cỏ? Ra là vậy, mưa đã vơi tự bao giờ nhường chỗ cho tia nắng ban mai chiếu rọi. Tôi hít thật sâu, nhìn lại cảnh vật bây giờ đã đổi thay, đất nước hòa bình, yên ấm. Lòng bỗng vui, tự hào về một đất nước anh hùng mà tôi may mắn được hóa kiếp...”.

Có thí sinh tưởng tượng mình là bình luận viên bóng đá khi nói về Chế Lan Viên: “Chế Lan Viên đã từng mong muốn được ẩn thân ở “tinh cầu giá lạnh” để quên đi những khổ đau của cuộc đời , thì sau cách mạng Tháng Tám, ông đã có một cuộc lội ngược dòng đầy ngoạn mục để tìm về nhân dân, đất nước và tìm về với bản thân mình”.

Và còn nhiều đoạn cũng bay bổng không kém. Khi phân tích tâm trạng nhân vật Chí Phèo, có thí sinh đã viết: “Nhân tính của anh chỉ bị che lấp chớ không hề mất đi, chỉ cần có cơ hội, chỉ cần có người biết quan tâm thì nó trỗi dậy mãnh liệt. Thị Nở đã làm cho anh tỉnh dậy, đã khơi dậy những giác quan mà bấy lâu nay anh bị quên lãng”.

---------------------------------

Viết tham luận thay bài thi

Theo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, một trường hợp thí sinh thi vào trường này có bài thi viết chữ rất đẹp, văn gãy gọn, súc tích nhưng thay vì làm bài văn thì thí sinh này viết hẳn một tham luận dài 8 trang nêu lên thực trạng dạy và học văn trong trường phổ thông hiện nay. Theo tham luận của thí sinh này thì việc học văn trong trường phổ thông là vô cùng máy móc, học sinh viết văn theo cảm nhận vay mượn của người khác. Trước khi kết thúc tham luận, thí sinh này đã có lời xin lỗi các thầy cô chấm thi vì “bức xúc không chịu nổi” và chấp nhận bị điểm không. Dĩ nhiên, trường hợp này bị điểm không. Tuy nhiên nhiều giáo viên chấm thi cho rằng, không nên xem nhẹ những ý kiến mà thí sinh này đưa ra. Qua việc chấm bài thi văn, ngành giáo dục cũng nên xem xét việc dạy văn và học văn trong trường phổ thông hiện nay.

Văn chương của những học sinh đã tốt nghiệp tú tài như đã nêu ở trên âu cũng là hệ quả tất yếu của vấn nạn bài văn mẫu, sách tham khảo, sách luyện thi... Nó đã làm thui chột cảm xúc và khả năng sáng tạo của các em.

Diệu Hằng (NLD)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấm thi ĐH môn văn: Cười ra nước mắt !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.