(HNM) - Theo các nhà khoa học, trồng nấm đang được mở rộng khắp cả nước, trở thành nghề thoát nghèo cho không ít bà con nông dân. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nhu cầu thì sự phát triển này chưa tương xứng.
Lãng phí lớn
Ông Đinh Xuân Linh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) cho biết, nước ta có nguồn nguyên liệu trồng nấm sẵn có rất phong phú như rơm, rạ, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ, thân lõi ngô, bông phế thải từ các nhà máy dệt... Sản lượng nguyên liệu này có thể lên đến 40 triệu tấn và nếu chỉ khoảng 10-15% số này được sử dụng đã tạo ra 1 triệu tấn nấm/năm và hàng trăm nghìn tấn phân hữu cơ. Hàng chục nghìn hộ gia đình sẽ có thêm thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo từ nghề trồng nấm.
Thu hoạch nấm đùi gà tại Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp). Ảnh: Nguyệt Ánh |
Tại nhiều nước châu Á, trồng nấm đã và đang trở thành một ngành kinh tế quan trọng. Các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng kỹ thuật tiên tiến và công nghiệp hóa trong nghề nấm nên đã có mức tăng trưởng gấp hàng trăm lần trong vòng 10 năm. Nhật Bản có nghề trồng nấm hương với sản lượng đạt gần 1 triệu tấn/năm. Hàn Quốc nổi tiếng với nấm linh chi và mỗi năm xuất khẩu thu về hàng trăm triệu USD. Riêng Trung Quốc đã có những viện, trung tâm nghiên cứu lớn, là đầu tàu để phát triển nghề trồng nấm và đem lại cho nước này nguồn ngoại tệ hàng tỷ USD từ xuất khẩu.
Trong khi đó, tuy nguồn nguyên liệu sẵn có dồi dào nhưng tổng sản lượng nấm ăn và nấm dược liệu của Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng hơn 250.000 tấn/năm. Nước ta cũng xuất khẩu các sản phẩm nấm muối, nấm sấy khô, nấm đóng hộp, nấm tươi đạt khoảng 60 triệu USD/năm. "Đáng tiếc là quy mô trồng nấm ở nước ta vẫn còn nhỏ lẻ, thường chỉ là mức hộ gia đình, trang trại và mỗi năm sử dụng nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp còn rất ít. Trong khi đó, vào mỗi vụ gặt, một lượng lớn rơm rạ lại bị đốt đi mà lẽ ra từ đây có thể tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, có được loại thực phẩm sạch và góp phần giảm ô nhiễm môi trường" - ông Đinh Xuân Linh nhấn mạnh.
Nhà khoa học đã sẵn sàng
Vấn đề nghiên cứu và phát triển sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ trước. Những năm gần đây, nhiều đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được một số loại giống nấm ăn, nấm dược liệu có khả năng thích ứng với điều kiện môi trường ở Việt Nam và cho năng suất khá cao. Các tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến nấm ngày càng được nâng lên, đưa năng suất nấm tăng gấp 1,5-3 lần so với trước. Tính trung bình, để giải quyết việc làm cho một người lao động chuyên trồng nấm ở nông thôn hiện nay có mức thu nhập 1,5-2 triệu đồng/tháng chỉ cần khoảng 20 triệu đồng tiền vốn và 100m2 đất để làm trang trại.
Những năm qua, một trong những đơn vị đi tiên phong trong nghiên cứu các loại nấm mới, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm đến người dân là Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật. Đây là địa chỉ chuyên sản xuất các loại giống nấm gốc, giống cấp 1, 2, 3 với sản lượng hơn 300 tấn giống/năm. Trung tâm cũng đã chuyển giao công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm cho hơn 40 tỉnh, thành phố. Đây cũng là đơn vị có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật và các trang thiết bị khá hiện đại, phục vụ công tác nghiên cứu, sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu với quy mô lớn.
Ông Đinh Xuân Linh cho biết thêm, nhìn tổng thể thì ngành trồng nấm Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là chưa có quy hoạch phân vùng và chưa đa dạng chủng loại nấm do thiếu cơ sở nghiên cứu đạt trình độ quốc tế. Việt Nam cũng chưa có trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trồng nấm cấp vùng nên việc đưa kỹ thuật này về nông thôn gặp hạn chế. Về lâu dài, Nhà nước nên tạo điều kiện để tiến tới thành lập hiệp hội nấm toàn quốc nhằm tập hợp các nhà khoa học, cơ sở sản xuất, các hộ nông dân giàu kinh nghiệm..., tạo thêm sức mạnh tổng hợp, góp phần đẩy nhanh tốc tộ phát triển ngành nấm ở Việt Nam.
Nhiều nhà khoa học khác cũng cho rằng, điểm yếu của ngành nấm nước ta chính là công nghệ sau thu hoạch chậm phát triển, chưa có các nhà máy công nghiệp chuyên chế biến nấm, dẫn đến tình trạng "mất mùa trong nhà" do nông dân sơ chế không đúng cách. Ngoài ra, nấm Việt Nam hiện chưa có thương hiệu và có nguy cơ chịu chung số phận như gạo, chè, cà phê, hạt điều khi các nhà xuất khẩu nấm Việt Nam phải "chịu" để các DN nước ngoài chế biến và đóng gói lại sản phẩm của mình với nhãn mác mới, tiếp tục bán ra thị trường với giá cao hơn.
Được biết, trong kế hoạch phát triển các điển hình nông thôn mới, Chính phủ đã đưa nghề trồng nấm trở thành một trong những trọng điểm cần nhân rộng, giúp tạo việc làm ổn định, bền vững cho nông dân. Nếu biết phát huy tốt các lợi thế sẵn có thì mục tiêu mỗi năm sản xuất 1 triệu tấn nấm ăn, nấm dược liệu trong thời gian tới sẽ không phải là quá xa vời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.