Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm lo tốt cho người có công

Hiền Phương| 27/07/2016 06:14

(HNM) - Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi chăm lo đời sống người có công với cách mạng...

Cải thiện cuộc sống của người có công

Đúng dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, gia đình thương binh Nguyễn Văn Phúc ở xã Võng La, huyện Đông Anh, chuyển về sống trong ngôi nhà mới xây dựng từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg “Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở”. Trong niềm vui về nhà mới, ông Nguyễn Văn Phúc cho biết rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sẽ phấn đấu tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Còn thương binh Đào Văn Nguyên, Cụm dân cư số 4, phường Xuân La (Tây Hồ) rất xúc động khi dịp 27-7 năm nay được các thầy thuốc ở Bệnh viện Quân y 354 (Bộ Quốc phòng) về địa phương khám bệnh và cấp thuốc.

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Thương binh Nguyễn Văn Phúc, Đào Văn Nguyên là hai trong 8,8 triệu NCC của cả nước (trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, trên 117.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gần 1 triệu thương binh, bệnh binh và những người hưởng chính sách như thương binh...) thường xuyên nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, địa phương và cả cộng đồng. Hơn thế, sự chăm lo, chăm sóc dành cho NCC ngày càng được nâng lên, thể hiện ở nhiều chính sách ưu đãi, trợ cấp, bảo hiểm Nhà nước ban hành… để giúp gia đình NCC cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, mỗi năm Nhà nước còn dành hàng chục nghìn tỷ đồng để chăm lo đời sống cho NCC. Riêng năm 2016, theo kế hoạch, Nhà nước chi hơn 30.000 tỷ đồng cho hoạt động chăm sóc NCC. Mới đây nhất, ngày 14-6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg về việc trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ… Theo đó, cả nước có hơn 1,4 triệu người được hưởng chế độ này.

Cùng với đó, công tác xã hội hóa chăm lo NCC được các địa phương đẩy mạnh. Theo Bộ LĐ-TB&XH, có 5 chương trình lớn huy động nguồn lực xã hội hóa: Xây dựng nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc người thân liệt sĩ; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ nguồn xã hội hóa, hàng nghìn căn nhà tình nghĩa dành tặng NCC được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng mỗi năm; hàng chục nghìn sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao cho NCC và còn rất nhiều con thương binh, liệt sĩ được bố trí việc làm ổn định.

Tiếp tục giải quyết những vấn đề tồn đọng

Để bảo đảm NCC được thụ hưởng đúng, đủ chính sách của Đảng, Nhà nước, thực hiện Chỉ thị 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ, trong hai năm 2014-2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và các địa phương trong cả nước tổng rà soát chính sách cho NCC. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Lê Toàn Khang cho biết: Hà Nội là đơn vị làm điểm của cả nước trong thực hiện chính sách ưu đãi NCC. Toàn thành phố có 145.823 trường hợp thuộc diện rà soát. Kết quả, có 145.626 trường hợp (chiếm 99,86%) NCC và thân nhân hưởng đúng chế độ ưu đãi. Thành phố đang triển khai thực hiện việc điều tra thông tin về liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhằm góp phần quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, xác định danh tính, hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin tại các nghĩa trang…

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, qua thực hiện tổng rà soát, cả nước có 1.982.769 đối tượng NCC hưởng đúng, đủ chính sách, chiếm 95,75%. Có 63.768 hồ sơ tồn đọng đã kê khai nhưng chưa được xác nhận là NCC. Phó Cục trưởng Cục NCC, Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Duy Kiên cho biết: Với những trường hợp kê khai nhưng chưa được xác nhận NCC để hưởng chế độ, Bộ xác định phải làm một cách thận trọng, tránh sai sót. Trước mắt, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ưu tiên triển khai ở những địa phương có ít đối tượng với phương châm làm đến đâu gọn tới đó.

Để thực hiện tốt công tác "Đền ơn, đáp nghĩa", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tham mưu, hoàn thiện chính sách ưu đãi NCC theo hướng bảo đảm ngày càng tốt hơn, phù hợp hơn với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tất cả hộ NCC phải có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú. Đặc biệt, phải thực hiện tốt phương châm “Nhà nước, nhân dân và những NCC nỗ lực phấn đấu vươn lên” làm cho mỗi gia đình NCC “Yên ổn về vật chất, vui vẻ về tinh thần và tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội”.

Hiện nay, cả nước còn khoảng 200.000 liệt sĩ cần phải tìm kiếm, quy tập hài cốt. Thời gian tới, các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương tiếp tục đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ; tiếp tục hoàn thiện việc xác nhận thương binh và liệt sĩ. Đó là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước nhằm xoa dịu nỗi đau mất mát của các thân nhân liệt sĩ, tri ân công lao của những NCC đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã đóng góp gần 1.219 tỷ đồng xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; xây mới và sửa chữa gần 60.000 nhà tình nghĩa, tặng gần 34.000 sổ tiết kiệm cho NCC. Thực hiện Quyết định 22/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Hỗ trợ NCC với cách mạng về nhà ở”, Chính phủ đã cấp cho các địa phương 2.451 tỷ đồng để hỗ trợ cho 80.000 hộ gia đình NCC có khó khăn về nhà ở sửa chữa, xây mới.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo tốt cho người có công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.