Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm lo đời sống người có công và người nghèo: Thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm và đạo lý

Hiền Phương| 14/10/2016 07:14

(HNM) - Những năm qua, thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với các gia đình chính sách, người có công và hộ nghèo. Đến nay, thành phố không còn hộ gia đình người có công thuộc diện nghèo. Đồng thời, các hộ nghèo đang được hưởng nhiều chính sách ưu tiên với quyết tâm trong năm 2016 toàn thành phố sẽ giảm 27.000 hộ nghèo.

Chăm sóc sức khỏe cho người có công tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt


Phương thức hỗ trợ thiết thực

Gần một tháng qua, được sống trong ngôi nhà mới do Hội Cựu chiến binh huyện Thanh Trì, Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông hỗ trợ xây dựng, với tổng kinh phí hơn 60 triệu đồng, cựu chiến binh Hoàng Tuấn Quăng (thôn Lạc Thị, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì) vẫn còn nguyên cảm giác xúc động. Cựu chiến binh Hoàng Tuấn Quăng chia sẻ: “Có nằm mơ tôi cũng không nghĩ mình lại được sống trong nhà mới. Tôi thực sự biết ơn những đóng góp, hỗ trợ, sự quan tâm của các cơ quan chức năng, nhà tài trợ và người thân dành cho tôi”.

Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Trần Văn Khương cho biết: Qua khảo sát, huyện Thanh Trì có 45 gia đình người có công đang ở nhà dột nát. Vì vậy, huyện sẽ trích ngân sách và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà tài trợ để hỗ trợ 45 hộ này xây nhà mới, mức hỗ trợ 90 triệu đồng/nhà, việc xây dựng sẽ hoàn thành trước tháng 6-2017. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay huyện Thanh Trì đã vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được hơn 1,1 tỷ đồng, tặng 481 sổ tiết kiệm cho các đối tượng chính sách với tổng số tiền 220 triệu đồng.

Nhân dịp 27-7 vừa qua, ông Trần Văn Nêm, phường Phú Thượng (Tây Hồ) đã được đi điều dưỡng một tuần tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của thành phố. Ông Trần Văn Nêm cho biết: "Tôi trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ tại chiến trường Quảng Trị, hiện mang thương tật hạng 3/4, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước và địa phương, tôi còn được đi điều dưỡng hằng năm. Mỗi dịp đi như thế này chúng tôi được gặp lại bạn cũ, cùng nhau ôn lại kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường nên thấy rất ý nghĩa”.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn thành phố có hơn 800.000 người có công với cách mạng. Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô luôn dành nhiều tình cảm, thể hiện trách nhiệm với các gia đình chính sách, đối tượng người có công. Ngoài việc thực hiện đúng, đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, TP Hà Nội còn có nhiều ưu tiên dành cho gia đình người có công. Qua rà soát, 99,86% người có công được hưởng đúng chính sách; hàng chục nghìn trường hợp được Sở LĐ-TB&XH điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng, giải quyết chế độ thờ cúng liệt sĩ.

Từ năm 2008 đến nay, có gần 5.000 ngôi nhà của người có công được sửa chữa và xây mới với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Toàn thành phố tặng hơn 36.000 sổ tiết kiệm cho người có công. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” vận động được hơn 30 tỷ đồng, hỗ trợ kinh phí sửa chữa và xây mới 378 nhà ở cho gia đình người có công với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng, tặng gần 6.000 sổ tiết kiệm với số tiền gần 5 tỷ đồng. 261/265 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được nhận phụng dưỡng với mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng. Hiện còn 4 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang được vận động các đơn vị nhận phụng dưỡng…

Mục tiêu lớn, hành động cụ thể

Cũng nhờ sự hỗ trợ của địa phương mà bà Nguyễn Thị Tịnh, hộ nghèo ở tổ dân phố 4, phường Phúc La (quận Hà Đông) được ở nhà mới đã gần nửa năm nay. Ngôi nhà có diện tích 50m2 với tổng kinh phí gần 180 triệu đồng hoàn toàn do sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Trong buổi lễ khánh thành, chính quyền địa phương còn tặng bà nhiều vật dụng thiết thực phục vụ cuộc sống. Không chỉ riêng gia đình bà Nguyễn Thị Tịnh mà các hộ nghèo, hộ chính sách khác của quận Hà Đông cũng luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Hà Đông Nguyễn Hữu Tiến cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, quận Hà Đông đã hỗ trợ xây dựng khoảng 100 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, hộ chính sách. Từ nay đến cuối năm, dự kiến trên địa bàn quận sẽ có thêm 10 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà với mức hỗ trợ 180 triệu đồng/nhà. Xã Kim Nỗ (huyện Đông Anh) hiện có 71 hộ nghèo và 95 hộ cận nghèo. Giải pháp của xã trong 5 năm tới là sẽ giảm 10 hộ nghèo/năm bằng cách mở các lớp dạy nghề, làm cầu nối liên lạc với các doanh nghiệp để xin việc làm cho thành viên hộ nghèo trong tuổi lao động… Chị Lê Thị Nụ, ở thôn Đoài, vừa được tham gia lớp tập huấn trồng nấm do xã phối hợp với huyện tổ chức cho biết: Học xong tôi được một công ty chuyên sản xuất nấm gần nhà nhận vào làm với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Nhờ nguồn thu nhập này cộng với chăn nuôi thêm, hy vọng chỉ sang năm gia đình tôi sẽ thoát nghèo”.

Theo thống kê, toàn thành phố có hơn 65.000 hộ nghèo. Trong năm 2016 mục tiêu giảm nghèo được thành phố đưa ra là 1,3%, tương đương 2.700 hộ; đến cuối năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1,2%. Để biến mục tiêu trên thành hiện thực, từ đầu năm đến nay, hàng loạt các giải pháp giảm nghèo theo từng tiêu chí đã được thành phố triển khai. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Khuất Văn Thành cho biết: Mục tiêu giảm nghèo trong năm nay là khá cao nên rất cần sự quyết tâm mạnh mẽ của các ngành, địa phương. Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các địa phương chú trọng phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo. Thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp giảm nghèo như hỗ trợ vốn vay, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sản xuất cho người nghèo…

Giữ mức sống của hộ gia đình chính sách, đối tượng người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú và rút ngắn khoảng cách giàu nghèo là mục tiêu lớn đang được lãnh đạo thành phố, các ngành chức năng thể hiện bằng những hành động cụ thể như vậy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo đời sống người có công và người nghèo: Thể hiện rõ tình cảm, trách nhiệm và đạo lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.