Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăm lo công việc gốc của Đảng

Võ Lâm| 03/02/2015 06:28

(HNM) - Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:

Nắm thế chủ động

Đảng bộ Hà Nội luôn chủ động chăm lo công tác cán bộ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV đã xác định một trong hai khâu đột phá là: "… tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp". Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng 9 chương trình công tác, trong đó, chương trình đầu tiên và có ý nghĩa cốt lõi là tập trung cho công tác cán bộ: Chương trình số 01-CTr/TU, ngày 18-8-2011, về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011 - 2015".

Theo Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, số liệu thống kê ở thời điểm tháng 6-2011, trong giai đoạn 2011-2015, toàn thành phố sẽ có trên 16.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Cộng thêm số cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu ở thời điểm đó (khoảng 3.000 người), tính ra mỗi năm thành phố phải bổ sung, thay thế trên 3.300 cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ tính riêng về số lượng, yêu cầu đặt ra đối với những người làm công tác cán bộ ở Thủ đô đã rất nặng nề. Khó khăn là vậy, nhưng trong 4 năm qua, Hà Nội không những bảo đảm về số lượng mà còn tăng cường đáng kể chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Nhiều quận, huyện, thị xã đã hoàn thành sớm chỉ tiêu 80% công chức cấp xã có trình độ đại học. Chất lượng thi tuyển công chức liên tục được nâng lên, điển hình là kỳ thi tuyển công chức diễn ra tháng 8-2014 vừa qua. Với hình thức thi trắc nghiệm máy tính, cộng với việc giám sát chéo, chặt chẽ tất cả bộ phận liên quan bằng ghi hình video chất lượng cao, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc, chất lượng, đạt hiệu quả cao.

Hơn 4 năm qua, 13 đề án cấp thành phố, hơn 402 đề án của các cấp ủy trực thuộc thực hiện Chương trình 01-CTr/TU đã được thực hiện. Trong đó, Đảng bộ Thủ đô đã dày công làm công tác tổ chức, sắp xếp cán bộ. Từ chỗ bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể cồng kềnh sau thời điểm hợp nhất, có lúc, một sở của thành phố có tới 13 phó giám đốc. Hơn 4 năm qua, thành phố đã luân chuyển, điều động 95 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Tính chung sau hơn 6 năm hợp nhất, con số này là trên 130 lượt đồng chí. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, Hà Nội đã cơ bản thực hiện đúng các quy định của Trung ương về số lượng cấp phó (phần việc rất khó khăn). Nhưng điều quan trọng hơn, nhờ làm tốt công tác cán bộ, bộ máy các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể sau hợp nhất của thành phố đã vận hành trơn tru. Cấp ủy, chính quyền thành phố đã đổi mới phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành, lựa chọn việc có trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo giải quyết dứt điểm nhiều việc mới, việc khó, việc tồn đọng kéo dài. Trong bối cảnh khó khăn, nhưng 4 năm qua, kinh tế Thủ đô tăng trưởng trung bình trên 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 75 triệu đồng/người/năm…

Hơn 6 năm sau ngày hợp nhất, Hà Nội đã vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Trung ương giao, xứng đáng với nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo ra những biến chuyển tích cực, từng bước hình thành nên diện mạo mới khang trang hơn, đàng hoàng hơn của một Thủ đô sau mở rộng".

Xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận

Một trong những đề án thành công nhất cho đến thời điểm này là Đề án số 07-ĐA/TU ngày 24-9-2013, về "Đào tạo cán bộ nguồn thành phố Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020". Thành phố đã tuyển chọn, đã và đang đào tạo 1.000 cán bộ nguồn. Điều đáng nói là để thực hiện đề án này, Thành ủy đã đổi mới toàn diện từ khâu tuyển chọn, đào tạo và rèn luyện cán bộ. Nội dung và phương pháp đào tạo được cập nhật. Các cán bộ nguồn được tạo điều kiện về đời sống như hưởng phụ cấp kinh phí hằng tháng bằng 2 lần mức lương tối thiểu trong cả thời gian học và đi thực tế. Ngược lại, cán bộ nguồn phải chịu sự giám sát, đánh giá thường xuyên và rất chặt chẽ. Sau khi trúng tuyển công chức được phân công công tác chính thức, quá trình phấn đấu rèn luyện của mỗi cán bộ nguồn vẫn được theo dõi sát, được đánh giá, báo cáo định kỳ 6 tháng một lần về Thành ủy. Cách thực hiện Đề án 07 cũng như kết quả thực tế hiện nay đang từng bước khẳng định hiệu quả. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái từng khẳng định: "Với đội ngũ này, chúng ta đủ nguồn cung cấp cán bộ chủ chốt cho thành phố trong ít nhất là một, hai nhiệm kỳ tới, thậm chí là cung cấp nguồn cán bộ cho Trung ương".

Kết quả quy hoạch cán bộ của thành phố nhiệm kỳ tới cũng được Trung ương đánh giá cao về tiến độ và chất lượng. Đối với cấp thành phố, Hà Nội đã quy hoạch 123 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, hệ số 1,64 lần. Trong đó, có 27 nữ (21,9%); cán bộ trẻ dưới 40 tuổi là 24 (19,5%); 100% có trình độ chuyên môn đại học (56,9% trình độ thạc sĩ trở lên); 91,9% có trình độ lý luận chính trị cao cấp. Kết quả quy hoạch cán bộ ở các cấp dưới đều có chất lượng ở mức cao. Đơn cử, với khối quận, huyện, thị xã, có 1.995 đồng chí được quy hoạch vào Ban Chấp hành, hệ số quy hoạch là 1,6 lần, trong đó nữ có 617 người (31,6%), cán bộ trẻ dưới 35 tuổi có 414 (21,2%). Ngay sau khi có kết quả quy hoạch cán bộ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ thuộc diện quy hoạch. Phương châm quy hoạch "động" và "mở" đã được thực hiện gắn với kiểm tra, đánh giá thường xuyên về ý thức và kết quả rèn luyện của cán bộ được quy hoạch. Điều này khiến mỗi cán bộ được quy hoạch phải không ngừng cố gắng, phấn đấu, rèn luyện; bảo đảm đội ngũ cán bộ kế cận của thành phố trong nhiệm kỳ tới có chất lượng.

Với tinh thần ấy, khi chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã quán triệt: "Tiêu chí cao nhất để lựa chọn, giới thiệu và bố trí cán bộ là năng lực và kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao; là uy tín trong Đảng và trong nhân dân. Đó là thước đo cao nhất đối với mỗi cán bộ, đảng viên". Có thể thấy, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đã được người làm công tác cán bộ Thủ đô quán triệt, thực hiện với trách nhiệm cao.

Nhiều kết quả nổi bật

Nhiều cán bộ lãnh đạo Trung ương về kiểm tra, làm việc tại Hà Nội đánh giá rất cao sự sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố. Nhiều đồng chí cho rằng, cách làm của Hà Nội cần được phổ biến nhân rộng. Trong số đó phải kể đến việc chỉ đạo xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, trật tự xây dựng, thuế, ở các chợ... Năm 2014 cũng đánh dấu kết quả đột phá trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở theo Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội". Trừ hai quận mới (Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) được phép thực hiện sau, 100% xã, phường, thị trấn đã không còn tình trạng nhiều chi bộ lãnh đạo một khu dân cư, tổ dân phố, thôn, làng. Sau gần 3 năm thực hiện, Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-2-2012, của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020" đã thành lập mới được trên 400 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chăm lo công việc gốc của Đảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.