(HNM) - Hiện đang là thời điểm nhiều địa phương tiến hành “chấm điểm” đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh (PACA Index) năm 2018.
Tiêu chí ngày càng nâng cao
Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, 2 năm thực hiện chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh (2016-2017) cơ bản đạt được kết quả tốt. Nhiều địa phương đã rất nỗ lực phòng, chống tham nhũng thông qua công tác thanh tra, kiểm toán. Tiêu chí đánh giá càng ngày càng được nâng cao, trên cơ sở kết quả cụ thể của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; đánh giá của các cơ quan trung ương, địa phương, tổ chức quốc tế; kết quả thăm dò dư luận xã hội; công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật...
Hội thảo tham vấn báo cáo nghiên cứu thực tiễn áp dụng phương pháp, khung đánh giá và chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng. |
Tuy nhiên, theo công bố của Thanh tra Chính phủ ngày 28-3-2019, việc “chấm điểm” công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa. Kết quả PACA Index năm 2017 cho thấy, điểm bình quân toàn quốc do địa phương đánh giá là 67,33 và điểm do Thanh tra Chính phủ chấm và đánh giá là 60,67, chênh lệch 6,66 điểm. Chưa kể, việc tập hợp hồ sơ, tài liệu chứng minh chưa được khoa học, dẫn tới khó khăn trong việc thẩm tra, truy xuất dữ liệu chứng minh.
Thực tế này phản ánh tiêu chí đánh giá về phòng, chống tham nhũng vẫn chưa phù hợp; các địa phương cũng có cách hiểu khác nhau. Trong khi đó, ý nghĩa của PACA Index là đo lường công tác phòng, chống tham nhũng hằng năm góp phần nắm tình hình, xây dựng chính sách phù hợp. Do đó, nếu không chỉnh sửa các tiêu chí, rất có thể có những đánh giá sai lệch và không phản ánh đúng tình hình đang diễn ra.
Cần sự giám sát độc lập
Theo bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh, Trưởng phòng Thanh tra phòng, chống tham nhũng (Thanh tra thành phố Hà Nội), để đánh giá chính xác thực trạng phòng, chống tham nhũng cần xác định rõ phạm vi. Cụ thể như, đánh giá ở cấp tỉnh thì phạm vi xác định đến đâu, chỉ dừng ở khối các cơ quan hành chính hay cả các cơ quan dân cử, các cơ quan của Đảng; chỉ đánh giá ở phạm vi các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh (như năm 2016), đánh giá mở rộng đến UBND cấp huyện (như năm 2017, năm 2018) hay sẽ làm toàn diện ở 3 cấp.
Trong khi đó, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra ngoài khu vực công. Vậy khi đánh giá ở cấp tỉnh có xem xét đến kết quả phòng, chống tham nhũng ở lĩnh vực ngoài nhà nước không?
“Mặt khác, để tiết kiệm nguồn lực, Thanh tra thành phố Hà Nội kiến nghị, cơ quan soạn thảo cân nhắc và xem xét việc sử dụng kết quả đánh giá của các bộ chỉ số: Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá hoạt động cải cách hành chính (PAR-index) vào đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng” - bà Đỗ Tâm Diệu Quỳnh nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, Tiến sĩ Trần Văn Long (Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra - Thanh tra Chính phủ) đề nghị bổ sung nội dung về thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong tiêu chí thành phần. Bởi đây là nội dung quan trọng, thể hiện trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước xã hội về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; giúp nâng cao chất lượng thực thi công vụ của các cán bộ, công chức.
Nhấn mạnh PACA Index là công cụ đánh giá đo lường thể hiện nỗ lực của các cơ quan, đơn vị hành chính cấp tỉnh trong phòng, chống tham nhũng, luật sư Cao Minh Vượng - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cũng cần công khai chi tiết kết quả sau đánh giá. Đồng thời có những khuyến nghị, hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh đối với những nội dung làm tốt, chưa tốt cần hoàn thiện hoặc những sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả của các địa phương khác để cùng nhau học tập, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Ngoài ra, nguyên lý mà PACA Index tiếp cận chủ yếu là đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh với vai trò vừa là đơn vị thực hiện, vừa là đơn vị quản lý nhà nước ở địa phương và thiếu sự giám sát độc lập từ bên thứ 3 nên kết quả chưa thực sự khách quan.
Do đó, ông Cao Minh Vượng đề xuất, phải làm sao để đánh giá này có sự tham gia của nhiều đơn vị, đa chiều hơn trong xã hội để tạo độ chính xác cao hơn, lan tỏa hơn. Ngoài ra, bộ chỉ số PACA Index cần có sự thay đổi linh hoạt hằng năm đối với một số tiêu chí thành phần và có cấu trúc linh hoạt hơn để cấp tỉnh có thể sử dụng làm chỉ số đánh giá phòng, chống tham nhũng cấp quận, huyện...
Liên quan đến vấn đề này, ông Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết, tổ công tác Thanh tra Chính phủ đang tiếp tục rà soát, có những khảo sát, lắng nghe ý kiến cụ thể từ các địa phương, đơn vị, để làm sao khi đánh giá về phòng, chống tham nhũng bám sát thực tiễn, có sự gần nhau giữa đánh giá của cấp tỉnh và trung ương.
Theo báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 (PACA Index) vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, An Giang là địa phương có mức điểm cao nhất với 77,96 điểm, trong khi tỉnh đạt điểm thấp nhất là Bắc Kạn với 37,1 điểm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.