(HNM) - Tình trạng cây xanh, trong đó có nhiều cây đại thụ, gãy đổ trong mùa mưa bão đang khiến dư luận và người dân TP Hồ Chí Minh hết sức lo lắng. Cơ quan quản lý cho rằng, cần chặt bỏ cây lâu năm trên đường phố để thay thế cây mới, bởi tình trạng già cỗi, sâu bệnh, mục ruỗng… dễ làm cây gãy đổ, gây nguy hiểm cho người đi đường. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản đối quan điểm này và cho rằng cần phải bảo tồn giá trị lịch sử và phát huy vai trò làm đẹp đường phố của cây xanh. Nhiều cây già,cây tạp cần loại bỏ
TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 76.000 cây xanh trên đường phố, trong đó có nhiều cây hơn trăm tuổi ở các tuyến đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Trần Quốc Thảo, Lê Quý Đôn, Nguyễn Thị Minh Khai, Tú Xương, Nguyễn Đình Chiểu, Pasteur...
Ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công viên Cây xanh TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Cty Cây xanh) cho biết, có nhiều cây lâu năm cần phải thay thế vì đã già cỗi, dễ bị sâu bệnh, mục ruỗng, dễ có nguy cơ gãy đổ nếu gặp mưa to, gió lớn. Ngoài ra, trên đường phố còn có nhiều cây tạp như bã đậu, trứng cá, bàng…, có hệ thống rễ ăn ngang dễ ngã đổ, cành giòn dễ gãy… cũng cần phải bỏ đi trồng mới.
Ông Trần Thiện Hà: Tham khảo việc quản lý cây xanh ở nhiều nước cho thấy, họ không để cây lâu năm trên đường phố như ở Việt Nam. Các cây lâu năm thường gặp nhiều vấn đề như bị mục, bọng rễ… rất dễ gãy đổ. Vì vậy, tới một giai đoạn nào đó phải thay cây mới, sức sống khỏe hơn. Riêng những cây mang tính lịch sử cần bảo tồn thì phải được trồng trong những khu bảo tồn, chứ không thể ở ngoài đường phố, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại. |
Từ đầu mùa mưa đến nay đã có hàng chục vụ cây xanh bị gãy đổ, gây nguy hiểm cho người và phương tiện lưu thông trên đường. Đặc biệt, cơn mưa giông chỉ kéo dài vài chục phút trong buổi chiều ngày 30-7 đã tạo ra con số kỷ lục về số cây bị gãy đổ tới hơn 100 cây, trong số đó có 25 cây đường kính gốc trên 50cm, cao trên 12m (thuộc loại 3). Nhiều cây gãy đổ ở các tuyến đường có mật độ lưu thông cao như Võ Văn Tần, 3/2, Nguyễn Tri Phương, Phạm Ngũ Lão, Nam Kỳ Khởi Nghĩa… đã khiến cơ quan chức năng và người đi đường hết sức lo lắng. Trước đó, vào tối 15-6, cơn mưa lớn kèm gió lốc cũng đã làm nhiều cây bật gốc, khiến hai người đang điều khiển xe máy trên đường Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8) bị cây gãy đè vào người, phải đi cấp cứu. Ngày 31-5, một cây lim đường kính khoảng 30 cm, tuổi thọ ngót 100 năm cũng bị gãy cành, đè lên mái căn nhà 266/1 - 266/7 đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3), khiến nhiều người dân hốt hoảng chạy ra khỏi nhà….
Ông Trần Thiện Hà cho rằng, cây gãy đổ là "bất khả kháng" do mưa gió quá lớn chứ không phải vì công tác chăm sóc cây xanh không tốt. Trước mỗi mùa mưa bão, Cty Cây xanh đều tăng cường chăm sóc, cắt tỉa cành, phát hiện cây hư, mục để cắt bỏ…
Chưa có tiêu chí thay thế cây lâu năm
Lãnh đạo Cty Cây xanh cho biết, những năm gần đây, các cây tạp trên đường phố đang được thay thế dần, riêng về việc chặt bỏ cây lâu năm để thay bằng cây mới vẫn chưa được chính quyền và dư luận chấp thuận, bởi lý do cần phải bảo tồn giá trị lịch sử và làm đẹp đường phố của chúng. "Những cây cổ thụ rất quý, nhưng ở góc độ quản lý thì cần phải chăm sóc, tỉa cành rất kỹ hoặc phải đốn bỏ vì cây lớn tuổi dễ bị sâu mục, dễ gãy đổ trong mùa mưa bão" - ông Hà cảnh báo.
Có nhiều lý do khiến chính quyền TP và dư luận không chấp nhận đề xuất thay cây lâu năm, bao gồm cả nguyên nhân chưa có tiêu chí thay thế, tức là cây bao nhiêu tuổi, tình trạng thế nào thì phải thay… Lâu nay, đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về việc bảo tồn, chăm sóc cây xanh nhưng vẫn chưa có một tiêu chí nào được xác lập.
Hiện nay, việc chặt bỏ một cây xanh lớn tuổi chỉ được thực hiện khi nào cây có nguy cơ gãy đổ. Cty Cây xanh thừa nhận, có nhiều cây cổ thụ bề ngoài nom xanh tươi nhưng bên trong bị sâu hoặc mục. Đợt cây gãy đổ vừa qua cũng cho thấy nhiều cây đại thụ bị long gốc, mục rễ. Đơn vị này cho rằng, ngoài tình trạng cây già cỗi theo thời gian thì tình trạng xâm hại cây do nạn đào bới vỉa hè, trộm cắp các vỉ gang xung quanh gốc cây cũng ảnh hưởng rất lớn đến rễ cây. Việc kiểm tra "sức khỏe" của cây vẫn được tiến hành thường xuyên, song thực tế cũng chỉ quan sát bằng… mắt thường cộng với kinh nghiệm của nhân viên bảo dưỡng (!), chứ chưa có thiết bị hiện đại để có thể phát hiện cây bị sâu mục, kịp thời loại bỏ mối hiểm họa treo lơ lửng trên đường phố.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.