(HNM) - Theo các cụ cao tuổi làng Cát Ngòi, xã Cát Quế (Hoài Đức), cây đa tía (cây đa Cầu Gạo) tại cổng làng Cát Ngòi được trồng cách đây khoảng 600 năm, nằm ở vị trí trung tâm làng.
Cây đa tía bị "vây" bởi hàng quán. |
Trước đây, xung quanh khu vực cây đa có các công trình miếu, văn chỉ, nhưng trong những năm chiến tranh các công trình này đã bị tàn phá. Khoảng 30 năm trở về trước, người dân vẫn gọi cây đa tía này là cây đa 9 gốc, gồm gốc chính và 8 gốc phụ (rễ cây mọc từ các cành cây xuống ăn sâu vào lòng đất). Tuy nhiên, do ý thức bảo vệ cây đa của người dân chưa cao, cộng với thiên tai khắc nghiệt nên đến nay cây đa chỉ còn 6 gốc, một số cành cây lớn bị thiên nhiên và con người tàn phá. Đáng nói, kể từ năm 1994 đến nay khi thôn Cát Ngòi giao thầu trái thẩm quyền (không có thời hạn, thu tiền một lần) toàn bộ khu đất gần cây đa, giáp trục đường chính vào thôn để người dân xây dựng quán bán hàng, sửa chữa xe máy, hàn tiện và xây dựng công trình phụ, bếp, mái che, mái vảy thì cây đa bị tàn phá nặng nề nhất. Nguyên nhân, các hộ đã đổ nước thải vào khu vực cây khiến cây bị úng nước, một số rễ cây bị mục. Để bảo vệ cây, giúp cây phát triển, chính quyền địa phương đã nhiều lần "ra tay" xử lý các hộ dân nhận thầu đất tại đây xây dựng công trình lấn ra phần đất công thuộc khu vực bảo vệ cây đa nhưng chỉ được một thời gian đâu lại vào đấy. Sau khi cây đa tía được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận Cây Di sản Việt Nam (3-2013), địa phương đã đầu tư kinh phí và vận động nhân dân ủng hộ tiền xây dựng tường khoanh vùng bảo vệ quanh cây, dựng bia Cây Di sản. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng nên chưa thể hoàn thành việc khoanh vùng. Hiện tại, công trình của các hộ dân được xây dựng chỉ cách gốc cây đa 60-70cm.
Trong tiêu chí công nhận Cây Di sản Việt Nam, trách nhiệm bảo vệ cây thuộc về chủ sở hữu (chùa, đình, làng, xã, cá nhân, tập thể... đăng ký danh hiệu). Ở xã Cát Quế, Chủ tịch UBND xã đã lập hồ sơ đăng ký công nhận cây di sản, thế nhưng từ ngày cây đa tía được công nhận Cây Di sản, xã Cát Quế vẫn chưa có biện pháp bảo vệ cây. Đặc biệt, chính quyền chưa xử lý triệt để các hộ dân đã nhận thầu đất công giáp cây trả lại cảnh quan môi trường cho khu vực(!).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.