Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cây bút trẻ” Mạc Can ra mắt Tuyển tập

Tuyết Minh| 21/07/2010 16:54

(HNMO)- Sau 9 cuốn sách đã xuất bản - cả tiểu thuyết, truyện ngắn tới tạp bút - ở tuổi 65 nhà văn Mạc Can chính thức ra mắt Tuyển tập Mạc Can do NXB Thanh Niên và Công ty sách Liên Việt ấn hành. Mạc Can bước vào nghiệp văn chương ở tuổi xấp xỉ 60, nhiều người gọi ông là “Cây bút trẻ”.


(HNMO)- Sau 9 cuốn sách đã xuất bản - cả tiểu thuyết, truyện ngắn tới tạp bút - ở tuổi 65 nhà văn Mạc Can chính thức ra mắt Tuyển tập Mạc Can do NXB Thanh Niên và Công ty sách Liên Việt ấn hành.

Nhà văn Mạc Can tên thật là Lê Trung Cang (sinh 1945). Trước khi đến với văn chương, Mạc Can là nghệ sĩ diễn tấu hài được nhiều khán giả yêu mến, ngưỡng mộ. Khi bước vào văn chương ở tuổi xấp xỉ 60, nhiều người gọi ông là “Cây bút trẻ”.

“Tuyển tập Mạc Can” được in dày 680 trang, chia làm 3 phần: Tiểu thuyết, Truyện ngắn và Dư luận. Phần 1: là tiểu thuyết Tấm ván phóng dao – tiểu thuyết đầu tay, đưa Mạc Can đến với nhiều giải thưởng văn chương như: Giải A cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam (2005), Giải thưởng văn học nghệ thuật của UBND TP. Hồ Chí Minh (2003-2004), Giải thưởng giành cho tác phẩm văn học và điện ảnh xuất sắc nhất (2005) của Trung tâm văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Cuốn tiểu thuyết này cũng giúp Mạc Can sớm trở thành hội viên Hội Nhà văn VN.

Nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét: “Một ông hề xiếc, nhà nghèo, ít học, về già vẫn khổ, ngồi buồn viết tiểu thuyết từ chính chất liệu đời mình. Vậy mà bất chợt được in, được bạn đọc gần xa đón nhận, các báo nhiều lời khen. Mà khen là phải, bởi đó thật sự là một cuốn tiểu thuyết đúng nghĩa, sâu sắc, thâm thúy, hấp dẫn, cảm động”.

Còn nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói: “Tác phẩm Tấm ván phóng dao của Mạc Can có một phong cách viết rất mới lạ, nội dung thể hiện được đời sống, tính cách nhân vật, phản ảnh cả một thời kỳ của vùng Nam Bộ những thập niên trước. Nhân vật chính cũng rất lạ, vì đây là tác phẩm viết về cuộc đời ông, khó có ai như vậy... Xưa nay Mạc Can đâu dính gì với chuyện viết văn, nhưng ông tâm huyết muốn viết và đã lâu lắm rồi mới có một tác phẩm chinh phục được bạn đọc cả nước và cả giới văn chương. Theo tôi, tác phẩm Tấm ván phóng dao là hiện tượng mới trong văn học của Nam Bộ, thuyết phục người đọc khi nói lên được thân phận con người. Hấp dẫn nhờ nhân vật xuất hiện lạ nhưng thật chứ không phải lạ vì... bịa. Dù là một người viết không chuyên, nhưng sự chuyên nghiệp được thể hiện qua văn phong nhuần nhuyễn, rất riêng, không lớ ngớ... và chưa chắc gì các nhà văn chuyên nghiệp viết được.

Tác phẩm ra đời đã có một vị trí ngay, được sự chào đón niềm nở của Nhà xuất bản khi nhìn thấy được hình dáng của tác phẩm và của bạn đọc, giới văn nghệ. Tôi nghĩ, Mạc Can sẽ đi dài vì cách viết, văn phong của ông rất hiện đại... Tôi, rất ít khi mua sách vì được bạn bè tặng nhiều, nhưng với Tấm ván phóng dao, tôi không quen thân tác giả nên tìm đến nhà sách để mua và đọc thấy thích thật”.
Phần 2 dày hơn 400 trang, giới thiệu 21 truyện ngắn như Món nợ kịch trường, Người nói tiếng bồ câu, Tờ 100 đô la âm phủ, Sài lang, Cuộc hành lễ buổi sáng, Người đưa thư vui tính, Những bức tường biết nói, Chuyến xe đêm, Khách sạn cánh đồng diều, Người đàn bà ngồi nhìn qua song cửa... Nhà văn Hồ Anh Thái từng nói: “Tôi thích truyện ngắn của Mạc Can từ khi đọc trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật truyện Người nói tiếng bồ câu. Gần gũi, hồn hậu lại vừa xa lung linh những yếu tố kỳ ảo. Truyện Tờ 100 đô la âm phủ miên man dường như lỏng tay cấu trúc nhưng khép lại thật gọn gàng như một miếng ảo thuật ngoạn mục”.

Phần 3 - Dư luận gồm hơn 60 trang trong phần này trích đăng nhiều ý kiến đánh giá, nhận xét về văn chương Mạc Can của các nhà văn, nhà phê bình như Hồ Anh Thái, Ma Văn Kháng, Nguyên Ngọc, Ngô Thảo, Văn Giá…

Tuyển tập khép lại bằng bài viết Những cuộc phiêu lưu vào cõi miền không có thật của Mạc Can. Đây có thể xem là một bài tạp bút mang đậm lối viết của ông (như trong cuốn Tạp bút đã xuất bản). Đây là bài viết lần đầu tiên xuất hiện – những tâm sự của ông với văn chương, với bạn bè. Những câu chuyện được viết bằng đúng “phong cách” của Mạc Can: chấm câu tùy tiện, những câu chuyện đứt đoạn không đầu không cuối, nhưng rất Mạc Can: hóm hỉnh, sâu sắc.

Trong bài viết dài hơn 10 trang sách này, Mạc Can viết: “Nhiệm vụ của người viết tiểu thuyết như tôi là làm cho câu chuyện và trang viết, các bé chữ trở nên có ý nghĩa, hấp dẫn, thuyết phục, hợp lý trong khi số vốn chỉ vỏn vẹn có 24 chữ cái. Con chữ khá là ma quái các bạn ạ. Nhọc nhằn nhưng rất thú vị, có lẽ nhờ vậy mà các nhà viết tiểu thuyết mới ngồi nổi một mình cày ải trước mảnh giấy trắng. Và tôi phát hiện viết tiểu thuyết, nó cũng là một... trò chơi hiểm nghèo. Có khi chết như chơi. Có người nói tôi không biết gì về những tai nạn văn chương. Hay biết mà bỏ ngoài tai. Thật ra khi viết tôi cũng sợ nhưng không vì thế mà không viết. Cuộc đời quá khó với tôi. Tuy nhiên tôi không hận không giận mà còn cám ơn. Vì đã cho tôi vốn sống. Bây giờ là lúc tôi trả ơn đời.

Tôi rất muốn có một Tuyển tập về tiểu thuyết và truyện ngắn mà tôi viết vào lúc còn chưa biết gì nhiều về chữ nghĩa. Thật ra đọc lại thì thấy thiếu sót nhiều điều. Nhưng nó thô mộc, thật thà. Nhân dịp Tuyển tập Mạc Can ra mắt bạn đọc, một lần nữa cho phép tôi tỏ lòng tri ân các bạn. Cám ơn các nhà văn, nhà phê bình, các nhà xuất bản và biên tập… Tôi mong được đàn anh trong làng văn và độc giả đồng cảm, chia sẻ”. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Cây bút trẻ” Mạc Can ra mắt Tuyển tập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.