Giáo dục

Cấu trúc định dạng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Dẫn hướng cho dạy tốt, học thật

Thống Nhất 20/03/2024 - 06:34

Một thông tin thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội thời gian này là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với nhiều điểm mới. Đây còn là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên của lứa học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kết quả kỳ khảo sát có quy mô toàn thành phố dành cho học sinh đang học lớp 11 tại các trường trung học phổ thông được công bố ngày 19-3 đã gợi ý cho các nhà trường về việc phải làm gì để tổ chức dạy tốt, học thật...

mot-tiet-hoc-cua-hoc-sinh-l.jpg
Một tiết học của học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Những điểm mới cần lưu ý

Năm 2025 là năm đầu tiên có lứa học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì thế, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nhận được sự quan tâm đặc biệt. Từ cấu trúc định dạng đề thi này, giáo viên và học sinh có thể định hình rõ ràng hơn về cách dạy, cách học và cả việc tổ chức kiểm tra, đánh giá đáp ứng yêu cầu “đầu ra” của chương trình mới.

Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 so với hiện nay là giảm số môn thi. Thí sinh chỉ còn thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, 2 môn tự chọn trong số các môn được học ở lớp 12. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Huỳnh Văn Chương thông tin, môn ngữ văn vẫn duy trì hình thức thi tự luận như hiện nay; các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, bên cạnh dạng thức trắc nghiệm với nhiều lựa chọn vẫn được sử dụng quen thuộc hiện nay, đề thi sẽ có thêm 2 dạng thức trắc nghiệm mới là trắc nghiệm đúng/sai và điền câu trả lời ngắn.

Với sự điều chỉnh này, xác suất có điểm do chọn ngẫu nhiên giảm từ 2,5 điểm xuống còn 1,975 điểm ở môn toán; với các môn còn lại cũng có mức giảm đáng kể. Riêng với dạng trắc nghiệm trả lời ngắn, xác suất có điểm ngẫu nhiên bằng 0. Điều này có nghĩa thí sinh phải học thực sự mới có thể đạt điểm.

Theo cấu trúc đề mới, có những môn thi có cả ba dạng trắc nghiệm nói trên, nhưng có những môn như lịch sử, giáo dục kinh tế - pháp luật, tin học, công nghệ chỉ có 2 dạng, không có dạng trả lời ngắn. Riêng môn ngoại ngữ chỉ có dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Đây là những điểm mới mà thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm sau cần lưu ý ngay từ bây giờ để có sự điều chỉnh trong cách học tập.

t3-chuyende-giaoduc.jpg
Hướng dẫn học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú (quận Đống Đa) ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang

Định hình rõ hơn cách dạy và học

Là địa phương hằng năm có khoảng 100.000 thí sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chiếm hơn 1/10 tổng số thí sinh dự thi của cả nước, ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc định dạng đề thi từ năm 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã khẩn trương triển khai nhiều phần việc để chủ động đáp ứng kịp thời.

Lần đầu tiên, một kỳ khảo sát có quy mô toàn thành phố dành cho học sinh đang học lớp 11 tại các trường trung học phổ thông (bao gồm cả cơ sở giáo dục công lập, tư thục) và trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên được tổ chức. Gần 120.000 học sinh đã tham gia làm bài khảo sát. Toàn bộ quy trình tổ chức, từ việc ra đề, in sao, tổ chức coi thi..., đều được thực hiện như kỳ thi chính thức.

Ngày 19-3, kết quả khảo sát đã được công bố tới từng học sinh. Em Nguyễn Minh Châu, học sinh Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình) chia sẻ: “Dạng thức trắc nghiệm mới là chọn câu trả lời đúng/sai và chọn câu trả lời ngắn khiến em khá bỡ ngỡ, mất nhiều thời gian hơn so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã quen thuộc. Vì thế, điểm bài kiểm tra môn toán chưa được như mong muốn. Tuy nhiên, chúng em còn một năm để tập dượt với đề thi theo dạng này”.

Còn em Dương Yến Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) bày tỏ: “Dù có chút lo lắng song em xác định phải thay đổi ngay cách học. Em mong có được bộ đề kiểm tra trực tuyến để tự mình có thể tập dượt bất cứ lúc nào”.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) Lê Trung Kiên cho biết, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 nhận được sự phản hồi tích cực từ giáo viên, học sinh lớp 11. Căn cứ vào kết quả của bài khảo sát học sinh lớp 11 và cấu trúc định dạng đề thi mới, nhà trường sẽ chỉ đạo tổ, nhóm chuyên môn khẩn trương xây dựng kế hoạch dạy học và ngân hàng câu hỏi kiểm tra đánh giá theo định hướng mới.

Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Lê Hồng Vũ thông tin, theo đánh giá của giáo viên chấm thi, đề kiểm tra có tác dụng định hướng rõ ràng cho giáo viên trong giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018; trong đó có việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh. Căn cứ kết quả khảo sát và những định hướng đổi mới của chương trình, các nhà trường cần tiếp tục có các giải pháp phù hợp trong dạy, học, đánh giá học sinh, đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn học sinh cách tự học và ứng dụng kiến thức vào thực tế.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trương Định (quận Hoàng Mai) Lê Việt Dương:
Xây dựng ngân hàng câu hỏi kiểm tra

t3-ykien-le-viet-duong.jpg

Đây là năm học khá bận rộn với cả thầy và trò. Cùng với việc chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay, nhà trường cũng đang khẩn trương triển khai các công việc cần thiết để học sinh đáp ứng tốt với yêu cầu của chương trình mới khi tham dự kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào năm 2025. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành đề thi minh họa và cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 và việc Hà Nội khảo sát học sinh lớp 11 toàn thành phố rất cần thiết và kịp thời.

Bám sát định hướng của chương trình mới, từ đầu năm học đến nay, nhà trường đã xây dựng đề kiểm tra áp dụng vào kỳ kiểm tra giữa học kỳ II. Kỳ khảo sát này thêm một kênh quan trọng để cô và trò cùng tập dượt, giúp học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi năm sau tự tin. Căn cứ kết quả khảo sát, nhà trường đang xây dựng kế hoạch dạy học và ngân hàng câu hỏi kiểm tra, đánh giá theo định hướng tăng kỹ năng vận dụng cho học sinh.

Ông Phạm Hải Lương, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm):
Cần được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời

t3-ykien-pham-hai-luong.jpg

Tôi vừa được thông tin về kết quả bài kiểm tra khảo sát của con. Theo dõi tổng thể mặt bằng điểm của học sinh cả lớp, kết quả kiểm tra môn toán không cao. Dù Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định không sử dụng kết quả này làm căn cứ đánh giá học sinh, nhưng với trách nhiệm là phụ huynh học sinh, tôi khá lo lắng. Với chương trình mới hiện nay, học sinh lớp 11 là lứa đầu tiên theo học, mọi vấn đề liên quan đến kiểm tra, đánh giá, thi cử đều rất mới mẻ, cần được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời và thường xuyên. Tôi mong rằng giáo viên sẽ khẩn trương thích ứng, xây dựng câu hỏi kiểm tra xuất phát từ yêu cầu của chương trình, hạn chế việc kiểm tra lý thuyết mà tăng cường hướng dẫn học sinh vận dụng kiến thức vào các tình huống thực tế.

Việc được tập dượt với quy định cũng như cấu trúc đề thi mới thông qua bài khảo sát này rất quan trọng. Kết quả kiểm tra cũng là kênh để thầy, cô giáo hiểu rõ hơn về năng lực học tập thực chất của các em.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) Trần Nguyễn Thái An:
Lo lắng với hai dạng thức trắc nghiệm mới

t3-ykien-tran-nguyen-thai.jpg

Đây là lần đầu tiên em làm bài kiểm tra môn toán theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với đầy đủ các dạng thức trắc nghiệm. Dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn đã quen thuộc nên em không gặp khó khăn. Tuy nhiên, với hai dạng thức trắc nghiệm mới là chọn câu trả lời đúng/sai và chọn câu trả lời ngắn khiến em khá hoang mang và mất nhiều thời gian để chọn được đáp án.

Việc chỉ phải thi 4 môn (gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) ở kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 giúp chúng em giảm áp lực hơn, nhưng lại rất lo lắng bởi chưa định hình rõ về phạm vi, nội dung cũng như định hướng đề thi theo chương trình mới, em mong được tập dượt nhiều hơn với các dạng thức này. Chúng em là lứa học sinh đầu tiên học theo nhiều bộ sách giáo khoa của chương trình mới. Em mong rằng đề thi sẽ được xây dựng để bảo đảm học sinh học bộ sách nào cũng có thể đáp ứng, không để học sinh nào bị thiệt thòi.

Minh Khang ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấu trúc định dạng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Dẫn hướng cho dạy tốt, học thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.