(HNM) - Sự kiện hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba gặp nhau được xem là tâm điểm của OAS - 7. Giới bình luận nhận định sự kiện này đánh dấu một thay đổi lịch sử.
Cái bắt tay lịch sử giữa Tổng thống B.Obama và Chủ tịch R.Castro trước sự chứng kiến của Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tại OAS-7. |
Tối 10-4 (giờ địa phương), OAS-7 đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Atlapa, thành phố Panama của Panama với sự tham gia của nhiều nguyên thủ và đại diện cấp cao của 35 quốc gia tại châu lục. Kéo dài trong hai ngày, OAS năm nay có chủ đề "Thịnh vượng với công bằng: Sự thách thức trong hợp tác tại Châu Mỹ", là cơ hội để các nhà lãnh đạo khu vực thảo luận các vấn đề cùng quan tâm.
OAS-7 thu hút sự chú ý của dư luận là việc Mỹ và Cuba sẽ lập lại quan hệ bang giao. Sự thay đổi chính sách ngoại giao mang tính lịch sử này được khởi động từ tháng 12 năm ngoái. Đây chính là tâm điểm của OAS lần này. Triển vọng hòa giải, chấm dứt lệnh cấm vận thương mại của Mỹ với Cuba, đã làm dịu đi tâm lý chống Mỹ thường thấy tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra 3 năm một lần này và đây cũng là một trong số ít vấn đề mà các nước Mỹ Latin đạt được đồng thuận.
Thế nên, hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro bắt tay nhau trước thềm OAS-7 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Đây cũng là cuộc gặp gỡ chính thức giữa hai nguyên thủ kể từ sau khi hai nước tuyên bố tái lập quan hệ ngoại giao. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ không tham dự cuộc họp song phương chính thức. Dẫu vậy, cái bắt tay của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba tại OAS-7 hứa hẹn sẽ đưa quan hệ Mỹ - Cuba sang một trang mới và trong quá trình này, OAS hiển nhiên đóng vai trò quan trọng như chiếc cầu nối giữa 2 bên. Với đất nước và người dân Cuba, cuộc gặp giữa Chủ tịch R.Castro với Tổng thống B.Obama có ý nghĩa đặc biệt, góp phần khai thông bế tắc trong quan hệ hai nước giữa bối cảnh nền kinh tế Cuba đang tập trung vào công cuộc cải cách, rất cần sự dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Và Chủ tịch R.Castro không muốn bỏ lỡ cơ hội tuyệt vời để dẫn dắt Cuba trên con đường hiện đại hóa cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế đất nước. Trong khi đó, dù đối mặt với không ít khó khăn, Washington cũng đã thể hiện quyết tâm đẩy nhanh tiến trình tái lập quan hệ với đảo quốc vùng Caribe.
Hiện nay, hai nước vẫn chưa mở cửa trở lại các đại sứ quán và một số mâu thuẫn vẫn hiện hữu sau các cuộc đàm phán bắt đầu từ tháng 1-2015. Trong đó có việc Cuba vẫn nằm trong cái gọi là "danh sách các nước bảo trợ khủng bố". Nhưng ngay trước thềm cuộc gặp lịch sử vừa diễn ra, Nhà Trắng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang hoàn tất "giai đoạn cuối" để đưa Cuba ra khỏi "danh sách" thù địch này. Một tín hiệu khác cho thấy quan hệ giữa hai nước ngày càng ấm lên là việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gặp người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez bên lề Hội nghị OAS-7 (9-4). Hai bên đã có cuộc hội đàm kéo dài và mang tính xây dựng. Hai ngoại trưởng đã đạt được tiến triển trong việc nhất trí tiếp tục hợp tác để giải quyết những gì còn tồn đọng.
Ngoài việc làm "tan băng" trong quan hệ với Cuba, chính quyền Washington cũng tận dụng OAS-7 như một cơ hội để tăng cường quan hệ với các nước Mỹ Latin sau một thời gian dài lạnh nhạt. Dẫu vậy, OAS-7 lại chứng kiến mối quan hệ căng thẳng khác giữa Mỹ và Venezuela. Tại Panama, chủ nhà thượng đỉnh OAS-7, những người biểu tình đã xuống đường chỉ trích Mỹ "dán nhãn" Venezuela là "mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ" và áp đặt lệnh trừng phạt với 7 quan chức của nước này... Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và các đồng minh đã đệ trình một kiến nghị lên thượng đỉnh OAS-7 lên án động thái thiếu thiện chí của nước Mỹ. Tổng thống N.Maduro cho biết sẽ trao cho Tổng thống B.Obama đơn phản đối có chữ ký của hàng triệu người dân Venezuela. Tuy nhiên, trước ngày OAS-7 khai mạc, Tổng thống Mỹ B.Obama đã cho rằng Venezuela không phải là mối đe dọa với Mỹ và những biện pháp trừng phạt Mỹ chỉ giúp "Venezuela thịnh vượng, ổn định, dân chủ và an toàn hơn"(?) .
Có thể thấy OAS-7 năm nay là một hội nghị thượng đỉnh mang tính lịch sử. Ở đó không chỉ tề tựu đủ đại diện 35 quốc gia khu vực mà còn chứng kiến sự hòa giải thế kỷ giữa hai láng giềng từng một thời đối mặt với những hiểm nguy dưới thời Chiến tranh Lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.