Hà Nội kết nối

Cầu Mỹ Thuận 2 hợp long nối đôi bờ hy vọng

Minh Điền - An Tôn 12/10/2023 - 15:13

Những người công nhân từ 2 phía đầu cầu Mỹ Thuận 2 nay đã có thể đối mặt nói chuyện qua khoang cốt thép hở, chờ được đổ bê tông hợp long vào ngày 20-10, nối những hy vọng cho miền Tây phát triển.

a108.png
Cầu Mỹ Thuận 2 nằm cách cầu Mỹ Thuận 1 khoảng 350m về phía thượng lưu sông Tiền.

Công trình được mong đợi

Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long là dự án nằm trên tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Phần cầu và đường dẫn dài 6,61km. Riêng phần cầu dài 1,9km, quy mô xây dựng 6 làn xe, vận tốc tối đa 80km/h. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 2-2020 với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng.

Đây là dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Cầu Mỹ Thuận 2 còn là mắt xích quan trọng kết nối giữa cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ.

a106.jpg
Những mẻ bê tông hợp long dự kiến được đổ vào ngày 20-10-2023.

Dự kiến, ngày 20-10 tới, cầu sẽ hợp long, sớm hơn 2 tuần so với kế hoạch và hoàn thành trong năm 2023. Đây là cây cầu dây văng có quy mô lớn nhất do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và xây dựng. Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông Vận tải - chủ đầu tư), tính đến đầu tháng 10-2023, công trình đã hoàn tất 4.5 gói thầu, đạt 94% khối lượng xây lắp.

Theo ông Trịnh Trường Hải, Giám đốc điều hành dự án cầu Mỹ Thuận 2, cây cầu mới này là niềm mong chờ của cả ngành Giao thông và người dân hai đầu cầu nói riêng, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, bởi nó sẽ sớm trợ sức cho cầu Mỹ Thuận 1 hiện đang quá tải phương tiện giao thông sau ¼ thế kỷ hình thành và phục vụ giao thương, phát triển kinh tế vùng.

a109a.jpg
Đường dẫn 2 đầu cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) đã cơ bản hoàn thành. Ảnh: Minh Tú (FT).

Như vậy, sau hơn 1.200 ngày liên tục thi công ngày và đêm, vượt qua nhiều khó khăn phát sinh cả về địa chất phức tạp; thủy văn không thuận lợi; đường công tác thiếu; mặt bằng bàn giao theo nhiều đợt…, các đơn vị thi công đã nỗ lực vượt khó, làm chủ công nghệ để chủ động triển khai xây dựng công trình lớn này, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, mỹ thuật cao. Cầu Mỹ Thuận 2 sẽ là dấu son mới minh chứng cho trí tuệ, bàn tay người thợ Việt Nam có thể làm nên những công trình lớn.

Là một người dân sinh ra và lớn lên tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ông Trương Xuân Giới (78 tuổi) cho biết, ông đã từng háo hức tham dự buổi khánh thành cầu Mỹ Thuận 1 hồi tháng 5-2000, nay lại sắp được chứng kiến một cây cầu mới hiện đại trên quê hương mình hoàn thành.

“Hồi năm 2000, chúng tôi tự hào lắm, vì quê mình có cây cầu dây văng đầu tiên của cả nước lớn như vậy, do Australia hỗ trợ. Nay còn tự hào hơn, bởi cây cầu Mỹ Thuận 2 lại do người Việt Nam làm nên. Có cầu mới, đường mới, bà con phấn khởi lắm, vì đi lại làm ăn sẽ dễ dàng hơn”, ông Giới nói.

Tận dụng lợi thế để phát triển

Người dân và chính quyền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long nói riêng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã chủ động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch… để “đón đầu” cơ hội phát triển khi cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đi vào hoạt động từ cuối năm 2023.

a110.jpg
Vị trí cầu Mỹ Thuận 2 trong tổng thể các dự án giao thông đường bộ đang được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: DKR

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long, cầu và đường mới sẽ giúp “phá” thế độc đạo của quốc lộ 1 và cầu Mỹ Thuận 1 qua tỉnh, tăng cơ hội giao thương, lưu chuyển hàng hóa giữa Tây và Đông Nam Bộ, từ đó tăng cơ hội xúc tiến đầu tư của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long Đinh Quang Huy thông tin: Cầu và đường mới khi hình thành, sẽ giúp Vĩnh Long tiếp tục phát huy lợi thế giao thông thủy bộ và là nơi trung chuyển hàng hóa giữa Đông và Tây Nam Bộ. Hạ tầng giao thông này hiện rất phù hợp và hỗ trợ tỉnh trong phát triển chiến lược thu hút đầu tư để sớm trở thành trung tâm logistics của Đồng bằng sông Cửu Long.

a111.jpg
Vĩnh Long muốn tận dụng lợi thế của cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để phát triển thành trung tâm Logistics của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồ họa: Nguyễn Tường (VGP).

Trong khi đó, Tiền Giang đang là địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất cả nước, diện tích lên đến hơn 80.000ha; sản lượng hằng năm trên 1,8 triệu tấn trái cây các loại. Tỉnh có nhiều loại trái cây đặc sản như: Xoài cát Hòa Lộc, bưởi, sầu riêng Cai Lậy, vú sữa Vĩnh Kim, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo… Cùng với đó, Tiền Giang còn có diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến hơn 15.000ha, sản lượng khai thác trên 360.000 tấn/năm... rất cần tăng thêm cơ hội giao thương, xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phú cho biết, việc hạ tầng giao thông địa phương đang được tăng cường nhanh chóng với nhiều công trình lớn do Trung ương đầu tư, như cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sẽ giúp địa phương tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tăng cường tiêu thụ nông, thủy sản, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Để thực hiện mục tiêu trên, Tiền Giang đã và đang dựa trên những trục dọc chính đã được đầu tư phát triển thời gian qua như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Mỹ Thuận 1 về miền Tây; quốc lộ 30 để đi các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, kết nối với quốc lộ 1; quốc lộ 60 để đi các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và thành phố Cần Thơ… và nay là cao tốc Mỹ Thuận - Cần thơ và cầu Cần Thơ 2 để xây dựng những trục giao thông ngang, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư.

a112.jpg
Tiền Giang đẩy mạnh đầu tư đường giao thông trục ngang nối các tuyến chính đến các địa phương của tỉnh để phát triển kinh tế, xã hội.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang Trần Văn Bon thông tin, năm 2023, tỉnh đầu tư trên 795,5 tỷ đồng, triển khai 4 dự án giao thông trọng điểm nhằm kết nối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm của địa phương, gồm nâng cấp mở rộng đường tỉnh 879; xây dựng cầu Tân Thạnh; xây dựng đường giao thông phục vụ phát triển Khu công nghiệp phía Đông; nâng cấp, mở rộng các tuyến đường tỉnh 861, 863 và 869…

“Từ cú hích của các dự án hạ tầng giao thông lớn do Trung ương đầu tư, tỉnh đang nỗ lực hoàn thành 4 dự án giao thông trọng điểm trên để sớm tạo lợi thế liên kết vùng, tạo động lực thúc đẩy giao thương và vận chuyển hàng hóa các vùng kinh tế - đô thị trọng điểm trong tỉnh và liên tỉnh khu vực Bắc sông Tiền”, ông Trần Văn Bon nói.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Cần Thơ 2 dự kiến hoàn thành trong năm 2023 và sớm đưa vào khai thác sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho quốc lộ 1, rút ngắn thời gian lưu thông từ thành phố Hồ Chí Minh về Cần Thơ xuống còn 2 giờ, thay vì 4 giờ đồng hồ như hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu Mỹ Thuận 2 hợp long nối đôi bờ hy vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.