Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bằng sông Cửu Long “nóng lòng” tìm đường ra biển

Nhóm phóng viên| 13/02/2023 17:10

(HNMO) – Việc tìm đường ra biển cho Đồng bằng sông Cửu Long luôn là nỗi trăn trở của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng. Câu hỏi “Bao giờ miền Tây thực sự có đường ra biển” không mới, nhưng luôn là đề tài thời sự, bởi câu trả lời hiện vẫn chưa đầy đủ.

Miền Tây có 9 cửa sông đổ ra biển, nhưng chỉ có cửa Định An đủ sâu để tàu cỡ vừa có thể qua lại.

Yêu cầu cấp thiết

Nói “tìm đường ra biển” với Đồng bằng sông Cửu Long bởi toàn vùng có tới 9 cửa sông thông ra Biển Đông, nhưng phần lớn các cửa sông trong số này bị phù sa bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu trọng tải lớn không thể mang hàng hóa của vùng ra biển và ngược lại. Hiện chỉ có luồng sông Hậu có thể đón nhận tàu trọng tải lớn ra vào, nếu luồng hạ nguồn được nạo vét thường xuyên.

Hai phương án tạo luồng từ sông Hậu ra Biển Đông.

Đầu tháng 2-2023, Bộ Giao thông - Vận tải lại vừa yêu cầu Ban Quản lý các dự án hàng hải phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh cần xác định được thời hạn hoàn thành giải phóng mặt bằng để triển khai gói thầu LSH-XL01 (thi công tuyến đường ven kênh Tắt và hạng mục cầu Kênh Xáng) thuộc dự án đầu tư công trình luồng cho tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu (giai đoạn 2). 

Theo kế hoạch, gói thầu này và 2 gói thầu xây kè, khu tránh tàu… thi công, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023 với tổng mức đầu tư gần 2.600 tỷ đồng. Khi hoàn thành, sẽ đáp ứng nhu cầu của các tàu có tải trọng đến 20.000 tấn lưu thông, đáp ứng lượng hàng hóa từ 21-22 triệu tấn/năm và hàng container 450.000-500.000 TEU/năm.

Đây là vấn đề quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó Phòng Kế hoạch - Đầu tư (Cục Hàng hải, Bộ Giao thông - Vận tải), hàng hóa xuất khẩu từ miền Tây chiếm 95% gạo, 65% thủy sản và 70% trái cây của cả nước, nhưng phần lớn phải chuyên chở bằng đường bộ lên các cảng ở Đông Nam Bộ, bởi Tây Nam Bộ không có cảng đón tàu lớn, nên không thể xuất khẩu trực tiếp. Việc này khiến giá thành sản xuất tăng cao, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa toàn vùng.

Cảng Cần Thơ được xây dựng quy mô, nhưng "đói" tàu lớn, vì luồng ra vào cửa biển bị hạn chế.

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn Phùng Ngọc Minh cho biết, việc hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu đã khiến chi phí tăng thêm khoảng 10-15 USD/tấn hàng. 

Đây là điểm nghẽn trong khi toàn vùng có 7 tỉnh giáp biển; có tới 12 cảng biển, 73 bến cảng với 6.775m cầu cảng. Nhưng chỉ có duy nhất cảng biển tại Cần Thơ được xếp loại I, còn lại là 11 cảng biển loại II. Nguyên nhân cũng do luồng và hạ tầng cảng đường thủy chưa phù hợp cho vận tải thủy.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Bộ, ngành Trung ương và các địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp khơi thông đường ra biển cho Miền Tây.

Thời gian qua, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đang triển khai giải pháp ngắn hạn là tăng cường nạo vét, khơi sâu luồng từ sông Hậu ra Biển Đông. Tuy nhiên, việc nạo vét phải tiến hành thường xuyên, với chi phí lớn. Giải pháp dài hạn là nghiên cứu xây dựng siêu cảng Trần Đề tại tỉnh Sóc Trăng, với cầu dẫn dài khoảng 20km nối bờ biển với cầu cảng chính ngoài khơi, tạo cảng biển thực sự cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là cảng quốc tế trung chuyển hàng hóa cho Campuchia.

Với giải pháp ngắn hạn, việc khởi thông luồng sông Hậu ra Biển Đông có 2 phương án. Một là nạo vét cửa và luồng Định An (cửa biển tự nhiên). Hai là nạo vét kênh Quan Chánh Bố (kênh đào) để tàu trọng tải lớn có thể qua lại, đưa hàng hóa đi và đến cảng Cần Thơ. 

Quốc hội đã thông qua chủ trương cho thành phố Cần Thơ kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa nạo vét thường xuyên luồng Định An - Cần Thơ để tàu trên 10.000 tấn có thể ra vào.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè, địa phương đã đề xuất và được Quốc hội thông qua cơ chế đặc thù thực hiện "Dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng Định An" theo hình thức xã hội hóa. “Thành phố đang phối hợp cùng các đơn vị tư vấn nghiên cứu báo cáo tiền khả thi để trình cơ quan chức năng phê duyệt và tiến tới đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Khi hoàn thành, luồng Định An - Cần Thơ có độ sâu đủ để đón tàu từ 10.000 tấn ra vào dễ dàng các cảng trên sông Hậu”, ông Nguyễn Ngọc Hè thông tin.

Bộ Giao thông - Vận tải triển khai giai đoạn 2 tạo luồng sông Hậu ra Biển Đông qua kênh Quan Chánh Bố.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Xuân Sang, dự án Đầu tư xây dựng luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu" (giai đoạn 2) với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng là một trong 8 dự án trọng điểm được Bộ đưa vào triển khai trong năm 2022. Khi hoàn thành vào năm 2023, luồng kênh Quan Chánh Bố sẽ đạt độ sâu âm 6,5m, bảo đảm cho tàu 10.000 tấn đầy tải và 20.000 tấn vơi tải ra vào sông Hậu dễ dàng.

Về giải pháp dài hạn là xây dựng cảng Trần Đề, ông Doãn Mạnh Dũng, thành viên Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển thành phố Hồ Chí Minh nhận định: "Những điều kiện tự nhiên tại cửa Trần Đề hội đủ các yếu tố đầu tư một cảng nước sâu cho Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian thực hiện dự án giai đoạn đầu để có thể tiếp nhận tàu trên 30.000 tấn chỉ mất khoảng 3 năm".

Siêu cảng Trần Đề được kỳ vọng sẽ là cảng biển thực sự cho Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, cùng với việc tạo luồng và cảng mới cho tàu lớn ra vào Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong vùng cũng cần tăng cường đầu tư hạ tầng thu gom, tập kết hàng hóa từ các khu công nghiệp; phát triển trung tâm logistics cho vận chuyển hàng hóa bằng container; phối hợp với các bộ, ngành quy hoạch các tuyến đường thủy và thu hút hơn nữa tư nhân đầu tư phát triển vận tải thủy, để phát huy tối đa lợi thế 28.000km đường thủy của toàn vùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long “nóng lòng” tìm đường ra biển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.