Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng bằng sông Cửu Long: “Cất cánh” từ hạ tầng giao thông

Minh Điền| 15/03/2023 07:09

(HNM) - Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chằng chịt kênh rạch, nên những cây cầu được coi là công trình tạo động lực phát triển. Thời gian qua, nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ Trung ương, nhiều cây cầu đang và sẽ được xây dựng, giúp khu vực sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông để "cất cánh"...

Công trường thi công Dự án cầu Mỹ Thuận 2. Ảnh: Hoàng Giám

Sôi động những công trường

Những ngày đầu tháng 3, Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Tiền Giang đang khẩn trương hoàn tất chi trả tiền đền bù, giải tỏa cho khoảng 90 hộ dân còn lại trong tổng số 435 hộ dân tại thành phố Mỹ Tho bị ảnh hưởng khi xây cầu Rạch Miễu 2 bắc qua sông Tiền, nối hai tỉnh Bến Tre và Tiền Giang.

Dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài hơn 17,5km (gồm đường dẫn và cầu vượt sông), quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế là 80km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 5.175 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành năm 2025. Ông Trương Văn Tâm, ở ấp Thới Bình, xã Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) chia sẻ: “Nhà tôi có hơn 1.800m2 trong diện giải tỏa. Cơ quan chức năng đã chi trả xong tiền đền bù. Gia đình tôi cũng hợp tác di dời, mong cho cầu Rạch Miễu 2 sớm hoàn thành”.

Cũng trên sông Tiền, Dự án cầu Mỹ Thuận 2 đang được khẩn trương thi công, nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu có chiều dài hơn 6km với tổng mức đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước. Dự án dự kiến hoàn thành tháng 12-2023. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn nhận định, đây là dự án rất có ý nghĩa, hết sức cần thiết và cấp bách, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Võ Nguyên Phước, 87 tuổi, ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang sinh ra và lớn lên bên bờ sông Tiền mênh mông. Cả tuổi trẻ dọc ngang miền Tây mưu sinh, ông là một trong những người hiểu rõ giá trị của những cây cầu vùng đất chằng chịt kênh rạch và 9 nhánh sông Cửu Long cắt ngang đồng bằng đổ ra Biển Đông. “Thời xưa, những con phà là mạch sống nối đôi bờ. Nước to, mưa lớn, phà nhỏ ngưng chạy, người và xe phải chờ đợi dài ở hai bên bờ Rạch Miễu, Cần Thơ... Người dân luôn mong có cầu, nhưng ít người dám mơ mình được nhìn thấy vì sông quá rộng, người quá nhỏ. Vậy mà lần lượt cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Năm Căn… "mọc" lên sừng sững, giờ đến cầu Mỹ Thuận 2, Cần Thơ 2, Rạch Miễu 2 và nhiều cây cầu nữa. Hiện thực còn hơn cả mơ nữa”, ông Võ Nguyên Phước tâm sự.

Thêm nhiều cây cầu mới

Ngoài những cây cầu đã và đang xây dựng, Chính phủ cùng các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang khẩn trương triển khai nhiều dự án xây dựng các cây cầu khác.

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải vừa phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên quốc lộ 60 vượt sông Hậu, nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2026. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết: “Chính phủ đã tập trung nhiều nguồn lực trong nhiệm kỳ này để đầu tư cơ sở hạ tầng. Đây là cú hích, cơ hội để vùng Đồng bằng sông Cửu Long bứt phá, vươn lên”.

Tháng 2 vừa qua, UBND thành phố Cần Thơ đã có văn bản đề xuất được triển khai Dự án đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối thành phố Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp. Đây là cây cầu dây văng quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt cầu 26,50m, tổng mức đầu tư cầu và đường dẫn gần 9.200 tỷ đồng.

Trước đó, vào cuối năm 2022, các tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long đã nhất trí thông qua chủ trương xây dựng cầu Đình Khao trên quốc lộ 57 vượt sông Cổ Chiên theo phương thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao). Dự án có tổng chiều dài (cầu và đường dẫn) hơn 11,5km; quy mô 4 làn xe, bề rộng mặt đường 11m, vận tốc thiết kế 80km/giờ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.200 tỷ đồng (50% vốn trung ương, 50% vốn địa phương và nhà đầu tư). Dự án dự kiến hoàn thành năm 2028.

Đáng chú ý, từ năm 2023, Bộ Giao thông - Vận tải còn giao Ban Quản lý các dự án đường thủy làm chủ đầu tư dự án xây dựng mới 9 cầu, nâng cấp cải tạo 1 cầu và tháo dỡ 1 cầu cắt ngang các tuyến đường thủy nội địa quốc gia nhằm nâng cao năng lực vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa giữa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến thành phố Hồ Chí Minh cũng như các cụm cảng biển khu vực Đông Nam Bộ và ngược lại. Dự án có tổng mức đầu tư là 2.155,9 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước (trong đó, kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 597,8 tỷ đồng; xây dựng khoảng 1.200 tỷ đồng...). Công trình dự kiến khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xác định kết cấu hạ tầng với vai trò bệ đỡ cho phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy liên kết vùng, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng bằng sông Cửu Long: “Cất cánh” từ hạ tầng giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.