Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu Giấy những ngày Đại lễ

Đà Đông| 09/10/2010 07:43

(HNM)- Nắng tháng Mười làm bừng lên sắc đỏ của cờ, hoa và biểu ngữ trên những con đường của quận Cầu Giấy nơi phía Tây thành phố. Hòa cùng nhịp trống hội náo nức, Cầu Giấy đang cùng Thủ đô và nhân dân cả nước náo nức đón mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội…


Vui từ những việc thường nhật

Trước chính hội cả tuần, màn trống hội, múa cờ, múa rồng và những pha biểu diễn võ thuật đặc sắc trong Những ngày văn hóa - thể thao chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với hơn 4.000 người tham gia đã chính thức mở màn cho chuỗi các hoạt động của quận Cầu Giấy nhân dịp Đại lễ. Niềm vui được tiếp nối bằng hàng loạt các hoạt động như festival sáng tạo trẻ, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm tranh thiếu nhi, chợ quê, các trò chơi dân gian, giao lưu thơ, lễ hội tuổi trẻ, thi đấu thể thao được tổ chức ở khắp các phường và các đơn vị trên địa bàn quận.

Để chào đón sự kiện nghìn năm có một của Thủ đô, ngay từ đầu năm các đơn vị trong quận Cầu Giấy đã xây dựng các nội dung thiết thực cho công việc của mình. Khối cán bộ, công chức quận đã chọn cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức trách nhiệm, phục vụ nhân dân là một trong những nội dung thi đua. Liên đoàn Lao động quận đã phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức Lễ hội Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội. Hội Nông dân và Nhà văn hóa quận tổ chức triển lãm ảnh "Hà Nội xưa và nay, Cầu Giấy hình thành và phát triển". Với các hình thức thi tìm hiểu "An toàn giao thông", "Thanh niên thanh lịch - văn minh" và các nội dung Festival sáng tạo trẻ của thanh niên quận đã thu hút trên 1.000 đoàn viên, sinh viên tham gia.

Ngoài việc tăng cường công tác chuyên môn dạy tốt học tốt, ngành giáo dục quận đã xác định Đại lễ 1000 năm là một dịp tốt để giáo dục cho những chủ nhân tương lai của Thủ đô lòng yêu nước, nét đẹp văn hóa, lịch sử của Thăng Long - Hà Nội. Chính vì vậy, các hoạt động triển lãm tranh "Thăng Long - Hà Nội của em", 60 gian hàng chợ quê của các trường ở các bậc học, liên hoan các trò chơi dân gian như kéo co, nặn tò he, tô tượng, bịt mắt bắt dê… trong Ngày hội chào mừng Đại lễ do Phòng Giáo dục quận tổ chức đã có hơn 6.000 học sinh tham gia.

Đến diện mạo mới một quận ven đô


Từ một vùng ven đô nông nghiệp chiếm vị trí chủ yếu, bằng sức vươn của một đô thị mới đầy năng động, diện mạo của quận Cầu Giấy đang thay đổi từng ngày. Để mang niềm vui đến mọi nhà, quận Cầu Giấy xác định Đại lễ là thời điểm tốt để thực hiện công tác xây dựng và chỉnh trang đô thị, tạo sức bật cho việc đưa nghị quyết Đại hội của Đảng bộ quận vào cuộc sống.

Nhìn những tuyến đường được trang hoàng rực rỡ, những ngõ phố phong quang của quận Cầu Giấy dịp này, ít ai biết rằng công tác chỉnh trang đô thị phần lớn được thực hiện qua kinh phí xã hội hóa. Tự hào được sinh sống, làm việc trên mảnh đất nghìn năm văn hiến, với mong muốn được góp công sức nhỏ bé cho Hà Nội, các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn quận đã ủng hộ hơn 9 tỷ đồng bằng cả hiện vật và tiền mặt cho các hoạt động chỉnh trang đô thị.

Nếu nói đến những việc làm thiết thực kỷ niệm Đại lễ 1000 năm thì Cầu Giấy có tới 12 công trình được xây dựng và 10 trong số đó đã khánh thành đúng dịp Đại lễ. Trong đó, có 3 công trình được gắn biển cấp thành phố là đường nối từ đường 32 kéo dài đến đường Hoàng Quốc Việt, rộng 40m, gồm hai làn đường với tổng mức đầu tư trên 123 tỷ đồng. Đường Bảo tàng Dân tộc học - Yên Hòa - Phú Đô có chiều dài toàn tuyến 1.348m, tổng mức đầu tư hơn 146 tỷ đồng và công viên Cầu Giấy rộng 9,7ha, tổng mức đầu tư hơn 93 tỷ đồng. Có thể nói, bên cạnh các hoạt động lễ hội, những công trình dân sinh thiết thực chào mừng Đại lễ sẽ là tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Cầu Giấy trong tương lai.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu Giấy những ngày Đại lễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.