Theo dõi Báo Hànộimới trên

Câu chuyện nóng bỏng về môi trường bước vào tiểu thuyết

Phạm Minh Quân| 22/03/2020 09:02

(HNM) - Nhà văn Nguyễn Văn Học vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết có tựa đề “Linh điểu”, về đề tài tác giả đã gắn bó nhiều năm nay - môi trường sinh thái. Cuốn sách dày hơn 300 trang, do Nhà Xuất bản Dân Trí ấn hành, cho bạn đọc thêm một góc nhìn về môi trường với những câu chuyện nóng bỏng lấy cảm hứng từ loài chim.

Là một nhà văn, nhà báo, Nguyễn Văn Học luôn chú trọng đưa các đề tài hiện thực xã hội nóng bỏng và mang tính thời sự vào những sáng tác của mình. Do đó, luôn có hai chủ đề chạy song song và xoắn luyến xuyên suốt tiểu thuyết “Linh điểu”. Một chủ đề thế sự bao trùm xoay quanh thiên nhiên đang dần bị tàn phá, cảnh quan tự nhiên ở các vùng nông thôn đang bị thu hẹp, đan xen là những khía cạnh riêng tư, như gia đình rạn nứt, nạn bạo hành gia đình. Chủ đề thứ hai mang tính bản thể, là trăn trở về sự tồn tại của từng nhân vật và nỗi khắc khoải của họ trước những thảm họa sinh thái do con người gây ra.

Tiểu thuyết kể về cô gái Diệp Vân với tấm lòng hướng thiện, yêu cuộc sống, yêu các loài chim chóc và bầu trời. Để thực hiện sứ mệnh của mình, cô đã ra sức bảo vệ vườn cò của bà ngoại, tích cực trồng cây xanh trên các quả đồi, trên những con đường quê và cảm hóa Hùng - một thanh niên bất cần đời. Song, những việc làm ấy không được công nhận, hưởng ứng...

Khi đưa nhân vật Diệp Vân đến ngôi làng quê hương của mẹ đẻ ở nửa sau của tiểu thuyết, tác giả đồng thời dẫn dắt người đọc tới miền huyền ảo, tựa như ngôi làng Macondo trong tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” của Gabriel García Márquez. Đến lúc này, “Linh điểu” bắt đầu mang đầy đủ những thuộc tính của một tác phẩm theo phong cách hiện thực huyền ảo: Một cái nhìn hiện thực được khoác lên mình phong cảnh môi trường kỳ bí, một nhân vật có phẩm chất khác thường cùng năng lực quan sát và niềm tin vào điều kỳ diệu. Bối cảnh tác giả nhắc đến là một ngôi làng vùng bán sơn địa, nơi nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến những dị biến trên cơ thể con người. Không chỉ hiện diện trên cơ thể, sự méo mó còn ở nhân cách của một số người bị choáng ngợp trước những cám dỗ vật chất và hào nhoáng của đô thị hóa đã trở nên thực dụng, ích kỷ, nghi kỵ, kỳ thị.

Tác giả đã xây dựng thành công nhân vật Diệp Vân từ một người khuyết tật thành biểu tượng của sự lương thiện. Diệp Vân giàu lòng trắc ẩn, mang đôi cánh biểu trưng cho một thiên thần, thương yêu loài chim và bất bình trước những hành động săn bắt tàn ác. Tuy rơi vào nhiều bi kịch và chịu sự kỳ thị, nhưng nhân vật vẫn giữ niềm tin vào lương tri con người, vào những điều tốt đẹp và vị tha trong cuộc sống. Diệp Vân chọn một sự tồn tại có ý nghĩa và truyền cảm hứng cho những người xung quanh trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Điểm đặc sắc của tiểu thuyết là tác giả không ngừng hoán đổi ngôi trần thuật, từ Diệp Vân sang chim cu gáy, rô trũi để biểu đạt đa dạng những sắc thái tổn thương. Chọn điểm nhìn từ loài vật, tác giả muốn ngụ ý, loài vật đang cất lên tiếng nói, phát đi lời kêu cứu của tự nhiên. Đó là tiếng nói của kẻ yếu, của những sinh vật bị con người đẩy ra khỏi môi trường sinh sống, phải chứng kiến đồng loại bị sát hại và bất lực. Người đọc nhờ vậy được cấp thêm một tấm kính phản chiếu, để thấu rõ thiên nhiên đang bị tổn hại như thế nào, đồng thời, thôi thúc mỗi người hành động để thay đổi, khiến môi trường xung quanh trở nên tốt đẹp hơn.

Tiểu thuyết “Linh điểu” của tác giả Nguyễn Văn Học cũng thấm đẫm tính nhân quả sâu sắc. Hầu hết tuyến nhân vật phản diện đều có những chuyển biến tâm tính theo hướng được cảm hóa, nhưng phải chịu tổn thương vì những hành vi trong quá khứ, tiêu biểu là nhân vật Hùng và bà Hằng. Thông điệp của nhà văn qua bức họa nhân sinh trong “Linh điểu” vẫn là kêu gọi con người tìm đến những giá trị chân thiện mỹ, lạc quan hóa, lên án cái xấu và lan tỏa tinh thần hướng thiện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện nóng bỏng về môi trường bước vào tiểu thuyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.