(HNM) - Nhiều nhạc sĩ (NS) nổi tiếng về sáng tác ca khúc cho lứa tuổi học trò, dẫu đã quá tuổi "xưa nay hiếm" như Phạm Tuyên, Hoàng Long, Hoàng Lân, Hàn Ngọc Bích… vừa lặn lội đến với nhau, cùng thầy trò Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật TƯ tìm câu trả lời cho mối trăn trở về sự thưa vắng ca khúc mới, ca khúc hay cho giới trẻ.
Nỗi niềm bài hát “già”
Mới đây, trong một cuộc hội thảo về âm nhạc cho lứa tuổi học trò, NS Phạm Tuyên đã khiến cả khán phòng “sôi” lên khi ông đọc trích đoạn ca từ mà ông nghe được khi đi taxi: “Bà xã tui Number One, Number One, Number One/Bà xã tui vẫn luôn là ánh bình minh của đời tui/Có lúc tui như thật già và có lúc tui như trẻ con/Vậy mà vợ tui một lòng sắt son/Bà xã tui Number One”. Không phải bình luận gì nữa, NS gọi đó là sự “ô nhiễm ca từ đáng sợ” trong ca khúc cho giới trẻ hiện nay mà thế hệ NS của ông e không còn đủ thời gian và sức lực để nắn về chuẩn nữa. NS nói, trầm tư hướng về thời vàng son với những giai điệu thiết tha, chan chứa tình cảm, ca từ trong sáng, dễ hiểu dành cho trẻ nhỏ “Một cánh én nhỏ, lạc bầy giữa mùa xuân, rủ nhau én về, theo làn nắng ấm dần...”. Giờ đây, tìm một giai điệu đẹp, ấm áp, vui nhộn cho các em thật khó thế sao?
Tuổi học trò luôn cần có những bài hát hay để giúp các em có tâm hồn bay bổng với những ước mơ trong sáng, ngọt ngào. Arnh: Nhật Nam |
“Bài hát hay cho tuổi hồng, sự thưa vắng có thật?” - Nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích, người luôn theo sát các kỳ liên hoan Giai điệu tuổi hồng, do Bộ GD-ĐT tổ chức đã bức xúc đặt câu hỏi như vậy. Nhiều năm qua, tại các kỳ liên hoan ấy đã có hàng trăm tiết mục được các em mang tới dự thi, đa số là các bài hát hay nhưng đã quá… “già”. Vẫn là những “Cánh én tuổi thơ” (Phạm Tuyên), “Ca ngợi Tổ quốc” (Hoàng Vân), “Bụi phấn”, “Mong ước kỷ niệm xưa”, “Phượng hồng”, “Quê hương”, “Thầy cô và mái trường”… Đó là chưa kể tới việc các bài hát ấy còn được biểu diễn lặp đi, lặp lại nhiều lần trong cùng một kỳ liên hoan bởi nhiều đoàn cùng chọn.
Người lớn sẽ còn bức xúc hơn nếu theo các em tới trường học để tìm hiểu xem có bao nhiêu bài hát, giai điệu trong sáng được vang lên từ những cặp môi hồng tươi xinh trong ít phút giải lao giữa các tiết học. Ở đó, cũng dễ thấy khoảng trống khó lấp đầy bởi ngay trong 9 cuốn sách giáo khoa của môn Âm nhạc (từ lớp 1 đến lớp 9) cũng chỉ có hơn 100 bài hát hay, hợp lứa tuổi được tuyển chọn đưa vào chương trình giảng dạy, oái oăm thay đa số đều thuộc loại “kinh điển” của lớp NS già. Ta vẫn nói nghệ thuật đích thực, mà âm nhạc là một trong số đó, thì ngoài tính nghệ thuật còn phải theo kịp đời sống, mang hơi thở cuộc sống vốn có sự vận động không ngừng. Trẻ hát mãi ca khúc “già”, liệu có phải?
Làm gì để bù lấp khoảng trống đó trong khi những NS chuyên sáng tác bài hát cho thiếu nhi vốn đã hiếm lại đang đà thưa vắng dần. Có vẻ như các NS trẻ không mấy tha thiết với mảng đề tài tưởng đơn giản mà rất khó này, bởi ngoài những yếu tố khác, về chuyên môn thì muốn đáp ứng được nhu cầu theo đặc điểm lứa tuổi của các em, người sáng tác phải thực sự cảm nhận cuộc sống bằng tâm hồn trẻ thơ. Lo lắng khi ngày càng thiếu vắng những bài hát hay cho lứa tuổi học trò, NS Phạm Tuyên chia sẻ: “Ở vào ngưỡng tuổi “cổ lai hy” như chúng tôi bây giờ, khó đẩy cảm xúc tiếp cận được với tâm lý trẻ nhỏ. Do đó, rất cần sự tham gia của các nhạc sĩ trẻ, cần sự tâm huyết ở họ. Phải đặc biệt chú trọng tới âm hưởng dân ca, đó là vốn quý của cha ông để lại, trẻ nhỏ rất dễ cảm nhận. Và cần sự vào cuộc hơn nữa của các ngành, đoàn thể... trong việc phát động thi sáng tác ca khúc dành cho học sinh”.
Âm nhạc và thị trường
Tiền bạc, cung - cầu, thị trường… là những điều lâu nay giới nghệ sĩ vẫn ngại nhắc đến, ngại đưa ra bàn luận bởi không ai đem nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng ra so sánh với những hoạt động tạo ra của cải vật chất khác. Tuy nhiên, nhìn theo góc độ quy luật cung - cầu thì việc thiếu vắng những bài hát hay cho lứa tuổi học trò là có thật, “cầu” cao mà “cung” thì èo uột quá. Trong nhiều trường hợp, nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền là nguyên nhân dẫn NS đến nhanh hơn với những đơn đặt hàng viết nhạc quảng cáo, viết nhạc thị trường… cho các “sao” thị trường, cho ngành này, huyện nọ, tỉnh kia. Mà viết theo đơn đặt hàng thì phải nhanh, phải vội, áp lực thời gian và nỗi ám ảnh tiền bạc có khi làm hại phong cách, thói quen nghề nghiệp, đến lúc nào đó, biết đâu, lại giết chết cảm xúc. Theo thị trường, thật khó để lắng đọng suy ngẫm kiếm tìm thanh âm, ca từ trong trẻo, nhí nhảnh, mượt mà cho tuổi hồng. “Chẳng phải nói đâu xa, chỉ cần một so sánh nhỏ thế này: Tôi biết có nhiều đoạn nhạc quảng cáo ngắn trên truyền hình, khi nghiệm thu xong họ gửi NS nhuận bút vài chục triệu. Còn sáng tác cho thiếu nhi, mỗi bài hát được in, nhuận bút của tôi được từ vài chục ngàn đến vài trăm, khi cao là một triệu đồng…” - NS Hoàng Lân, Hội Âm nhạc Hà Nội chia sẻ. Thêm nữa, bài hát mới đã ít, việc phổ biến lại càng khó khăn vì nhiều bài hát tuổi hồng đã được trao giải nhưng thiếu “cơ chế” phổ biến và không ai chịu trách nhiệm phổ biến. Theo giá thị trường hiện nay, một tác phẩm được dàn dựng, thu đĩa để lên sóng truyền thanh là 5 triệu đồng. Thử hỏi có mấy NS sáng tác cho lứa tuổi này theo được cơ chế ấy? Đã từng có NS “già” yêu trẻ nhỏ, đau đáu nỗi niềm trẻ thiếu bài hát hay, muốn tìm nguồn lực xã hội hóa để vận động sáng tác ca khúc cho các em nhưng rồi lực bất tòng tâm.
Hãy gieo hạt để có mùa vàng
Đã lâu rồi, dường như Hội NS Việt Nam “quên” tổ chức vận động sáng tác ca khúc cho thiếu nhi. Cuộc vận động rầm rộ nhất có lẽ được khởi động từ nửa thế kỷ trước với dấu ấn tác phẩm “Trái đất này là của chúng mình” của NS Trương Quang Lục. Tin vui mới đối với các em là Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh vừa tổng kết thành công cuộc vận động viết cho thiếu nhi với hơn 300 tác phẩm. Nối dài niềm vui ấy, ngày 24-5 vừa qua, Hội Âm nhạc Hà Nội cũng đã chính thức phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc cho nhà trường phổ thông.
Khắc phục tình trạng thiếu vắng bài hát hay cho lứa tuổi học trò là việc lớn, không thể chỉ là mong muốn, càng không phải cứ gieo hạt là có được vụ mùa bội thu. Biết vậy, nhưng khó mấy cũng vẫn cần phát động thi sáng tác, vẫn phải “gieo hạt”, phải giữ - để nhịp đi của mảng đời sống âm nhạc liên quan đến hàng chục triệu công chúng nhỏ tuổi bớt đi những khoảng trống, thực sự trở thành nhịp cầu nối tình thương yêu, giúp tâm hồn các em bay bổng với những ước mơ trong sáng, ngọt ngào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.