Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh

Hà Hương - Ảnh: Viết Thành| 26/11/2020 10:09

(HNMO) - Sáng 26-11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế". Diễn đàn do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức.

Các đại biểu dự lễ khai mạc diễn đàn.

Tham dự diễn đàn còn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Stefanie Stallmeister; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc; Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu; lãnh đạo một số bộ, ngành, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội và hơn 400 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo về logistics...

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, việc triển khai và ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tác động tích cực đối với nền kinh tế song cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh, tạo sức ép cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Riêng đối với dịch vụ logistics, các hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển về cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải; về cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: “Thông qua Diễn đàn Logistics Việt Nam, tôi mong muốn các hiệp hội, doanh nghiệp dịch vụ logistics, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đối thoại với các bộ, ngành, địa phương về các ý tưởng, biện pháp tháo gỡ “điểm nút” chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ này trên cơ sở thúc đẩy chuyển đổi số; giúp chúng ta có được câu giải đáp thích đáng cho “bước nhảy” về dịch vụ logistics của Việt Nam, từ đó có thể thay đổi về “chất”, phát triển lên một tầm cao mới trong giai đoạn tới nhằm tận dụng tối đa các cơ hội và thực hiện có hiệu quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”. 

Phát biểu chào mừng, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện chương trình phối hợp công tác giữa Thành ủy Hà Nội và Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương, Bộ Công Thương với UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, Bộ Công Thương đã hỗ trợ Hà Nội rất nhiều trong xây dựng thể chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, thúc đẩy lĩnh vực thuộc quản lý nhà nước của Bộ. Nhờ đó, dù tác động nặng nề của dịch Covid-19, GRDP của thành phố ước tăng khoảng 4%, gấp khoảng 1,54 lần so với bình quân chung cả nước. 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn.

Hà Nội cũng phối hợp với Bộ Công Thương kết nối cung cầu với 52 tỉnh, thành phố trên cả nước. Mới đây, ngày 25-11, hội nghị kết nối cung cầu lớn tại Hà Nội và hội chợ về hàng đặc sản cả nước với 52 tỉnh, thành phố tham gia đã diễn ra. Nhiều hoạt động kết nối cung cầu, các sự kiện kết nối giữa Hà Nội với hầu hết các tỉnh, thành phố đã giúp Hà Nội duy trì mức tăng trưởng tốt. Nhờ đó, dù tổng thu ngân sách trên cả nước giảm lớn nhưng Hà Nội dự báo thu ngân sách (không kể các khoản thu của trung ương trên địa bàn do Bộ Tài chính quản lý) sẽ đạt hơn 280.000 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm trước và cao hơn mức dự toán mà trung ương giao. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng cho biết thêm, tối 27-11 tới, Hà Nội sẽ tổ chức Chương trình “Hà Nội đêm không ngủ - Hanoi Mid-night Sale”, dự kiến thu hút nhiều người dân tham gia.

Đây là lần thứ hai Hà Nội được lựa chọn là địa phương tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam. Qua 8 năm tổ chức, đến nay, diễn đàn là sự kiện uy tín. Việc lựa chọn chủ đề “Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước cho thấy tính thiết thực, thực tiễn của diễn đàn.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đánh giá cao chủ đề hai phiên thảo luận: “Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội” và “Chuyển đổi số trong logistics”. Đây là nội dung phù hợp với quan điểm phát triển logistics của Việt Nam và Hà Nội trong thời gian tới…

7 nhóm giải pháp phát triển logistics

Để cắt giảm chi phí logistics và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam, đồng thời căn cứ từ thực tế của Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ đề xuất 7 nhóm giải pháp.

Thứ nhất, cần nâng cao chất lượng quản lý hành chính công, đặc biệt nỗ lực cải tiến hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục thương mại xuyên biên giới.

Thứ hai, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại giúp tiết kiệm tối đa thời gian chi phí, đáp ứng nhu cầu vận chuyển và lưu thông hàng hóa.

Thứ ba, cần đánh giá khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp startup trong lĩnh vực này, để có những giải pháp cụ thể về cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả, công bằng hơn.

Thứ tư, trên cơ sở những thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành dịch vụ logistics, cần tăng cường thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và liên kết chặt chẽ với các chuyên gia trong nước, chương trình nghiên cứu khoa học và các trường đại học lớn, nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ mới, hiệu quả hơn vào hoạt động logistics. Có các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể để đẩy mạnh chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics…

Thứ năm, xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistics, trong đó tập trung phát triển hệ thống logistics gắn với thương mại điện tử. Thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử nội bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải, các ngân hàng… để cung cấp thông tin phục vụ quản lý, hải quan và thông quan hàng hóa. Thúc đẩy hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ cao, hỗ trợ kỹ thuật và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho các cơ quan doanh nghiệp, các đối tác tham gia lĩnh vực logistics.

Thứ sáu, phát triển các giải pháp mới nhằm tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng tối đa nguồn nhiên liệu tái tạo tại các cảng, kho bãi; tăng cường các phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện môi trường…

Thứ bảy, đề nghị Chính phủ sớm cho thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý của các doanh nghiệp logistics, nhằm tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là thị trường rất lớn của các doanh nghiệp logistics.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại diễn đàn.

Phấn đấu ngành dịch vụ logistics tăng trưởng 15-20%/năm

Tại diễn đàn, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc phụ trách hoạt động dự án Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm qua, Việt Nam đã cải thiện Chỉ số hoạt động logistics (LPI) từ thứ hạng 53 trong năm 2010 lên 39 vào năm 2018.

Việc Việt Nam hội nhập thị trường toàn cầu và khu vực, tham gia các hiệp định thương mại tự do đã tăng thêm động lực để xây dựng một ngành logistics. Dòng chảy thương mại cao hơn cũng sẽ làm tăng nhu cầu và giúp dịch vụ logistics cạnh tranh hơn.

Tuy nhiên, theo bà Stefanie Stallmeister, ngành logistics của Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể như mức phí và lệ phí cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương. Việt Nam cũng bị xếp hạng thấp về hiệu quả của dịch vụ cảng biển, dịch vụ vận tải hàng không cũng như chất lượng cơ sở hạ tầng đường bộ. Bà Stefanie Stallmeister cho rằng, Việt Nam còn nhiều việc cần làm để nâng cao hiệu quả trong lĩnh vực logistics.

Tại diễn đàn, các đại biểu tập trung phân tích và đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập để cắt giảm chi phí logistics tại Việt Nam; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và vượt qua tác động của dịch Covid-19 nhằm nối liền chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP. Tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%. Chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP; xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

“Để thực hiện định hướng và mục tiêu nêu trên, tôi yêu cầu các bộ, ngành và địa phương có chương trình cụ thể, thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chính phủ yêu cầu, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, các doanh nghiệp vận tải, logistics, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết”, Phó Thủ tướng nói.

Các đại biểu tham quan triển lãm giới thiệu sản phẩm tại diễn đàn.

Hà Nội sẽ là hình mẫu về phát triển logistics

Tại phiên thảo luận cấp cao trong khuôn khổ diễn đàn diễn ra sau đó, đề cập đến giải pháp phát triển logistics tại thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, với khoảng 30 vạn doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, Hà Nội rất quan tâm và coi trọng đến vấn đề logistics.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trung tâm logistics tại Hà Nội đến năm 2030, trong đó tại huyện Sóc Sơn có trung tâm logistics với quy mô 50ha, huyện Thường Tín là 30ha. Theo định hướng của Chính phủ, Hà Nội có 10 điểm logistics, đến nay 6 điểm đã có chủ trương đầu tư, 3 điểm đang nghiên cứu, 1 tiếp tục kêu gọi đầu tư. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quan tâm phát triển trung tâm logistics với quy mô nhỏ dưới 20ha, như cảng cạn ở huyện Hoài Đức có diện tích 18ha. Thành phố trao đổi với Bộ Giao thông Vận tải phát triển hơn nữa các cảng đường thủy. Tuy nhiên, điều quan trọng lúc này là giảm chi phí ở chặng cuối, nhằm tăng sức cạnh tranh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Hà Nội đã rất quan tâm đến công tác quy hoạch đất đai cho logistics. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng có thế mạnh về nhân lực, có lợi thế về vị trí trong liên kết với các địa phương. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công Thương tin tưởng Hà Nội sẽ trở thành điểm nhấn, hình mẫu về phát triển logistics và dịch vụ logistics góp phần giúp Hà Nội phát triển bền vững. Sắp tới, Bộ Công Thương cùng Hà Nội xây dựng chương trình hành động về phát triển logistics nhằm khai thác tốt các cơ hội từ các hiệp định mới được ký kết.

Cũng tại phiên thảo luận, nhằm cắt giảm chi phí logistics, đại diện Bộ Giao thông Vận tải khẳng định giai đoạn 2021-2025, hạ tầng giao thông sẽ được tập trung đầu tư nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cam kết, ngành Tài chính đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan nhằm cắt giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp. Bộ cũng tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp bởi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của nền kinh tế.

Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều cùng ngày diễn ra hai hội thảo: "Hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội", "Chuyển đổi số trong logistics".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.