Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cắt đứt đường lây truyền vi rút SARS-CoV-2

Phan Tuấn| 09/04/2020 09:47

(HNMCT) - Việt Nam bước vào giai đoạn 3 chống dịch Covid-19. Trong giai đoạn này, dịch bệnh có diễn biến mới rất phức tạp. Hiện đã có sự lây nhiễm bệnh từ cộng đồng vào cơ sở khám, chữa bệnh và ngược lại. Do đó, để dịch không gia tăng và lan rộng thì phải cắt đứt đường lây truyền vi rút SARS-CoV-2. Đây được xem là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.

Nếu không thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội sẽ khó cắt đứt được đường lây truyền vi rút SARS-CoV-2 ra cộng đồng.

Lây lan nhanh qua tiếp xúc gần

Từng trực tiếp tham gia chỉ đạo phòng, chống dịch SARS vào năm 2003, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đại dịch lây lan rộng như Covid-19. Chỉ trong vòng 3 tháng, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có ca bệnh. SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 là một chủng vi rút hoàn toàn mới, 100% dân số thế giới chưa có miễn dịch. Điều đáng nói là tốc độ lây lan vi rút này rất nhanh, thông qua việc tiếp xúc gần.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi rút SARS-CoV-2 chủ yếu lây nhiễm qua các giọt dịch phát tán ở khoảng cách tiếp xúc gần khi một người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. WHO khẳng định, các giọt dịch này quá nặng nên không thể bay lơ lửng trong không khí, mà sau khi bị văng ra, chúng sẽ nhanh chóng rơi xuống đất hoặc bám vào những bề mặt gần đó. Chính vì vậy, WHO khuyến cáo mọi người nên giữ khoảng cách 2m với những người khác, thường xuyên tẩy trùng các bề mặt đồ dùng vật dụng; rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn, tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, miệng.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, SARS-CoV-2 không lây qua trung gian mà lây trực tiếp giữa người với người. Cho đến nay, các trường hợp lây nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ăn chung bàn, sống cùng nhà, đi chung xe, hoặc do tập trung đông người. Việc tiếp xúc gần là nguyên nhân quan trọng hàng đầu để lây truyền bệnh. Do đó, nếu làm tốt vấn đề hạn chế tiếp xúc gần thì trong trận chiến này chúng ta có cơ hội chiến thắng. Nếu không kịp thời khống chế thì dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng. Khi có quá nhiều bệnh nhân nặng nằm viện thì chúng ta sẽ thiếu máy thở, thuốc men và nhân viên y tế. Hậu quả của nó là số tử vong sẽ tăng.

Cách ly xã hội - biện pháp hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay, thế giới chưa có vắc xin phòng cũng như thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19. Tuy nhiên, đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, học hỏi các đồng nghiệp quốc tế để đưa ra phương án điều trị tốt nhất cho từng ca bệnh. Điều rất mừng là mặc dù tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 trên thế giới đang gia tăng nhưng đến nay, Việt Nam chưa có trường hợp nào tử vong. Đây là thành tựu rất lớn của ngành Y tế nước ta. Trên các diễn đàn xã hội, người dân liên tục bày tỏ sự cảm phục và biết ơn với những “chiến sĩ áo trắng” đã quên mình vì người bệnh, vì sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, hành động đơn giản và thiết thực nhất lúc này mà mỗi người dân nên thực hiện là hạn chế đi lại để bảo vệ chính mình, giảm gánh nặng cho ngành Y tế.

Vi rút SARS-CoV-2 chỉ lan truyền khi tiếp xúc gần với người bệnh, không tồn tại lâu trong không khí. Khi vi rút ra khỏi người (cơ thể vật chủ), nó sẽ chết nhanh. Bởi thế, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, sự cách ly các cá thể sẽ làm vi rút hết đường lan truyền, tự phải chết đi. Trong 2 - 4 tuần, nếu làm tốt việc cách ly thì chúng ta sẽ kiểm soát được dịch.

Tránh chủ quan, mỗi cá nhân phải tự hoài nghi với tất cả trường hợp mà mình tiếp xúc ngoài nhà. Người dân nên làm theo lời kêu gọi của Chính phủ và ngành Y tế là hạn chế ra khỏi nhà. Đặc biệt, những người trên 60 tuổi cần ở nhà toàn bộ thời gian, bởi đây là đối tượng nếu mắc Covid-19 thì có nhiều nguy cơ bệnh sẽ diễn biến nặng. Trong trường hợp không thể cách ly cá nhân, chuyên gia lưu ý khi tiếp xúc với người khác nên giữ khoảng cách 2m, luôn mang khẩu trang khi đi ra ngoài, rửa tay thường xuyên, nếu có điều kiện nên mang theo nước rửa tay khô; khi từ ngoài cộng đồng về nhà, cần tắm rửa, thay quần áo.

Các chuyên gia dịch tễ khẳng định, việc tự cách ly tại nhà ít nhất 2 tuần sẽ giúp những người mắc bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng không trở thành nhân tố truyền bệnh ra cộng đồng. Hãy cắt đứt đường lây truyền vi rút SARS-CoV-2 bằng việc thực hiện nghiêm những yêu cầu về cách ly xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cắt đứt đường lây truyền vi rút SARS-CoV-2

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.