(HNM) - Carmen trong hai đêm diễn 26, 27-5 vừa qua vẫn tiếp tục yêu tự do nhưng là thứ tự do được sống mà không bị chồng sai khiến, kiềm tỏa. Carmen của Nhà hát Nhạc vũ kịch đã nói lên tiếng nói đương đại về bình đẳng giới và bạo lực gia đình…
Nghệ sĩ ballet Vũ Hương Giang trong vai Carmen. |
Đêm diễn mở đầu bằng cảnh Carmen và con gái đang chơi đùa thì người chồng say rượu từ đâu về. Anh ta vớ chiếc ghế nhựa rồi xông vào đánh vợ. Carmen và con gái phải ra khỏi nhà, bắt đầu cuộc sống hậu ly hôn. Trong cảnh này, màn nhung vẫn chưa được kéo lên. Đằng sau tấm màn đó là "toàn cảnh" nhà máy thuốc lá nơi Carmen làm việc. Ý đồ thiết kế mỹ thuật độc đáo, những dãy bàn dài giống hệt nhau, dãy đèn san sát trải kín trần gian phòng có cảm giác nhà máy thuốc lá trải ra mãi tận chân trời. Một cảm giác cũ kỹ đè nặng lên đời sống.
Nhờ đó, khán giả có thể thấy nhịp điệu đều đều của cuộc sống công nhân trong đó có Carmen. Bốn hàng bàn ghế được xếp thẳng tắp, trắng đục giản tiện, đơn điệu song khá "chiều" nhà nhiếp ảnh. Được giới thiệu là nhà máy thuốc lá, nhưng nhịp điệu đặc trưng này khiến khung cảnh có thể đúng với mọi nhà máy, nhiều khu công nghiệp. Sự đơn điệu của đời sống càng tăng khi "điểm vui chơi" lặp đi lặp lại trên sân khấu chỉ là quán cóc nhỏ với chiếc bàn và dăm ba cái ghế nhựa. Quán có thể bị tuýt còi bắt dọn bất cứ lúc nào. Nhưng như trong cuộc đời, nó khi thu lại, lúc hiện ra và quây quanh nó là rất nhiều bí mật số phận.
Với cảm giác buồn và không có lối mở như vậy, cuộc đời Carmen chắc chắn sẽ rất khó khăn. Đạo diễn cũng để cô con gái Carmen ngồi mãi bên cầu thang cạnh sân khấu. Điều đó nhắc rằng, Carmen đã có một cô con gái rồi, mà với xã hội Việt Nam phụ nữ đã có con riêng thì khó lòng đi thêm bước nữa lắm.
Cái chết của Carmen xảy ra khi José muốn nài ép cô quay lại với mình. Tuy lòng còn tình cảm nhưng Carmen đã tỉnh táo quay đi vì ký ức những lần bị José bạo hành vẫn còn nguyên. Trong cơn ghen tuông của José đến mức bóp cổ chết người yêu, người xem thấy trong đó "quyền được bạo hành" mà rất nhiều đấng mày râu Việt cũng tự cho mình.
Ý nghĩa là vậy nhưng Carmen có nhiều đoạn đưa bối cảnh xã hội Việt Nam vào chưa được "êm". Khán giả rộn lên tiếng cười khi Carmen là người Hà Nội, còn José quê Yên Bái, rồi anh chàng Dancairo và Remendado đánh hàng lậu Trung Quốc qua Hải Phòng về bán. Nhưng có lẽ, phần lớn đó là cái cười vui. Cách đưa những vấn đề đương đại vào một vở cổ điển như thế ở Việt Nam tuy không mới, song rõ ràng chưa dễ được tiếp nhận.
Bên cạnh đó, nếu vở diễn đi xa hơn một chút vào những góc cạnh đời thường của người phụ nữ đơn thân như một mình đưa đón con, chăm sóc bé học hành, chắc chắn sức nặng "vấn đề xã hội đương đại" sẽ tăng lên nhiều.
Dàn hợp xướng quốc tế đã hát tiếng Pháp ổn hơn rất nhiều so với một vài nhân vật chính. José của đêm đầu tiên cũng có nhiều nốt chênh, thậm chí tưởng như đứt giọng. Nhưng phần múa và những khối người dàn trên sân khấu thì thực sự linh hoạt và đẹp nhuần nhuyễn, uyển chuyển. Chọn một Carmen Hà Nội bị bạo hành, êkíp dựng vở đã mạnh dạn bước theo một xu hướng dàn dựng mới. Nó báo hiệu sự thay đổi của sân khấu, bất chấp mọi phản ứng của người đơn thuần yêu chuộng cổ điển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.