Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp ủy cơ sở phải vào cuộc

Lê Hoàn| 16/12/2010 06:43

(HNM) - Làm sao huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở ngay từ năm đầu tiên (2011) của nhiệm kỳ 2010-2015? Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đến đâu để Hà Nội thực hiện mục tiêu đến năm 2015, hơn 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Nghị quyết Đại hội (ĐH) lần thứ XV Đảng bộ TP đề ra? Đây là những vấn đề được đảng bộ các huyện ngoại thành đặc biệt quan tâm.


Không thể "sớm cấy, chiều gặt"


Nhờ sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy cơ sở, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ là một trong những đơn vị đi đầu về xây dựng nông thôn mới với các công trình phục vụ dân sinh. Ảnh: Bá Hoạt


Bí thư Huyện ủy Thanh Trì Triệu Đình Phúc quả quyết, xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm toàn khóa của cấp ủy các cấp, không thể "sớm cấy, chiều gặt" mà chí ít phải mất 4 năm để một địa phương hoàn thành được sự nghiệp này. Từ thực tế triển khai tại địa phương, ông cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều trở ngại trong hoạch định và chưa có cơ chế cụ thể giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Đối với Đảng bộ huyện Thanh Trì, xây dựng NTM là khâu đột phá, một trong sáu chương trình công tác lớn của BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2010-2015 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 có 10/15 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (đạt 65%) và phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM trên địa bàn huyện trước năm 2020. Có nhiều thuận lợi như, kinh tế tăng trưởng khá, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, quy hoạch chung của huyện đã được TP phê duyệt…, tuy vậy, hầu hết các xã cơ bản mới đạt được 10/19 tiêu chí. Để hoàn thành xây dựng NTM, huyện phải huy động khoảng 2.700 tỷ đồng (trung bình mỗi xã cần 150-200 tỷ đồng). Trong đó sẽ phải huy động từ nhân dân khoảng 10%, từ nguồn doanh nghiệp (DN) và kêu gọi xã hội hóa đầu tư khoảng 30%, ngân sách huyện và xã bảo đảm 30%... Đối với thực tế của huyện và xã hiện nay, đây là bài toán khó. Theo ông Triệu Đình Phúc, nếu TP không cho cơ chế cụ thể để huy động nguồn lực, các địa phương khó hoàn thành xây dựng NTM như mục tiêu đề ra.

Cũng vì chưa có cơ chế huy động nguồn vốn cụ thể, nhiều xã khi xây dựng đề án còn có tư tưởng trông chờ vào cấp trên. Đơn cử như xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai khi xây dựng đề án, nguồn kinh phí dự trù khoảng hơn 230 tỷ đồng, xã dự định bỏ ra 39 tỷ đồng, huy động nhân dân 26 tỷ đồng, còn lại chờ huyện và TP đầu tư. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Phan Chu Đức khẳng định, xây dựng NTM nhằm phát huy nội lực của địa phương và nguồn lực từ xã hội hóa, ngân sách của huyện không thể có đủ để hỗ trợ 45 tỷ đồng cho mỗi xã như đề xuất của xã Hồng Dương. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, cho rằng cấp trên có đầu tư ngân sách thì mới xây dựng NTM còn tồn tại ở không ít địa phương.

Xã Đồng Tân, đơn vị làm điểm xây dựng NTM của huyện Ứng Hòa hiện nay đã đạt được 10/19 tiêu chí. Trong 9 tiêu chí phấn đấu đến năm 2012 phải đạt, có một tiêu chí theo lãnh đạo địa phương rất khó thực hiện, đó là chuyển đổi cơ cấu lao động, do người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp, trong một đến hai năm nữa không thể chuyển một tỷ lệ lớn lao động sang lĩnh vực phi nông nghiệp...

Cấp ủy phải vào cuộc

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng, để Hà Nội có thể hoàn thành mục tiêu của ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP về xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã và thôn, phải xác định rõ trách nhiệm, "xắn tay" vào cuộc nhằm huy động các nguồn lực, sức dân tham gia công cuộc này. Trên hết, phải khắc phục cho được tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Với quyết tâm đi đầu cả nước, năm 2011, TP Hà Nội sẽ triển khai xây dựng NTM đồng loạt tại 401 xã. Trong đó, TP ưu tiên hoàn thành công tác quy hoạch, tập trung đầu tư xây dựng một số hạ tầng cơ bản như đường giao thông, hệ thống điện, công trình văn hóa, y tế, giáo dục. Nhóm này phải hoàn thành trong năm 2015. Vừa triển khai diện rộng, TP vừa làm điểm tại hơn 40% số xã (khoảng 140-160 xã) để phấn đấu đến năm 2015 nhóm làm điểm hoàn thành toàn bộ chương trình. Những địa phương không làm điểm phải hoàn thành một số tiêu chí cơ bản. Trong năm 2011, TP sẽ dành 3.000 tỷ đồng (từ nhiều chương trình, nguồn như chương trình đầu tư cho tam nông) xây dựng NTM. Bên cạnh đó, TP tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện và xã, tạo sự chủ động cho cơ sở trong khâu lựa chọn những hạng mục, công trình để đầu tư. Đặc biệt, TP yêu cầu các địa phương tích cực huy động nhân dân tham gia giám sát việc tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Trịnh Duy Hùng cho biết, đến thời điểm này, xã Thụy Hương (Chương Mỹ), đơn vị làm điểm của toàn quốc đã hoàn thành 13 tiêu chí; 6 tiêu chí còn lại cũng hoàn thành trên dưới 70%. TP đã khảo sát tại 401 xã, bình quân các xã đạt được trên dưới 50% các tiêu chí quy định. Trong đó, những xã ven đô, thuộc khu vực phát triển đạt trên dưới 70%; các xã khó khăn vùng xa trung tâm trên 30% theo 19 tiêu chí quy định. Tổng kinh phí thực hiện đề án từ nay đến năm 2030 khoảng 32 nghìn tỷ đồng. Hà Nội phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 140 - 160 xã đạt chuẩn NTM (như mục tiêu ĐH Đảng bộ TP đề ra); cơ bản hoàn thành xây dựng NTM tại địa bàn nông thôn vào năm 2030, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp ủy cơ sở phải vào cuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.