Thực tế cho thấy, hiện có hơn 30 khái niệm về khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới sáng tạo. Tình trạng này đã gây lúng túng trong công tác quản lý, cũng như xây dựng và thực thi các chính sách liên quan.
Để xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý là rất quan trọng và cấp thiết.
Hành lang pháp lý chưa theo kịp sự phát triển
Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam đã bắt đầu từ gần 10 năm qua bằng việc Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844). Mục tiêu của đề án là cùng với các địa phương trong cả nước giúp đỡ các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, cung cấp dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo…
Theo đó, đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam đã có đủ các thành tố quan trọng, gồm mạng lưới các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm, tổ chức hỗ trợ (cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh), công viên nghiên cứu, trường đại học, mạng lưới các huấn luyện viên/tư vấn, các cơ sở hỗ trợ nghiên cứu khởi nghiệp sáng tạo tại trường đại học, viện nghiên cứu... hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup) Việt Nam nảy mầm và phát triển.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đã tạo nên một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp mới của Việt Nam dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và hướng tới tiếp cận thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Văn phòng Đề án 844 Phạm Dũng Nam, hệ sinh thái này còn thiếu cơ sở pháp lý trong việc triển khai hoạt động thúc đẩy trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo tại các bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, tập đoàn... một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, còn thiếu những cơ chế, chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm, khơi thông các nguồn lực tài chính sẵn có từ trong nước, nước ngoài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo mở, phát triển hệ sinh thái của các ngành, lĩnh vực và cơ chế tài chính đặc thù cho hoạt động đào tạo, ươm tạo khởi nghiệp.
Ông Phạm Dũng Nam cũng cho biết, Nghị định số 38/2018/NĐ-CP (ngày 18-5-2016) của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã tạo động lực cho sự ra đời và phát triển của các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam. Tuy nhiên, do phần lớn vốn đầu tư là nguồn vốn nước ngoài, các startup Việt thường phải triển khai theo đề xuất của các nhà đầu tư nước ngoài và thực hiện tái cơ cấu để nhận nguồn vốn hoạt động này. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài thường yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tái cơ cấu để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, rồi rót vốn vào công ty này. Điều đó có nghĩa, các cổ đông Việt Nam tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo khi thực hiện tái cơ cấu sẽ phải thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài để thành lập công ty mẹ tại nước ngoài, sau đó công ty mẹ thực hiện thủ tục đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam, như vậy là hai lần thực hiện thủ tục đầu tư.
Giám đốc Quỹ Đầu tư BK Fund (Đại học Bách khoa Hà Nội) Phạm Tuấn Hiệp cho rằng, Nghị định 38/2018/NĐ-CP bộc lộ một số nhược điểm, trong đó có việc hạn chế quỹ đầu tư nội đầu tư ra nước ngoài cùng startup. Hơn nữa, hiện nay không có quy định rõ ràng về startup nên dẫn đến khó khăn khi áp dụng các ưu đãi...
Cần khung pháp lý riêng cho khởi nghiệp sáng tạo
Nước ta hiện có hơn 30 khái niệm được sử dụng để nói về khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo và không phân biệt được giữa 2 khái niệm này. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện nay, các thuật ngữ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo được sử dụng theo các cách hiểu khác nhau, gây ra sự thiếu chuẩn xác, không thống nhất... trong thực thi các hoạt động chuyên môn, xây dựng chính sách hỗ trợ và trong công tác quản lý nhà nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh, việc “gửi gắm” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vào Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như hiện nay dẫn đến “hiểu nhầm” doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là doanh nghiệp nhỏ và vừa với các ứng xử chưa phù hợp. “Tuy có phần giao thoa nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là 2 nhóm đối tượng và 2 hoạt động khác nhau về giai đoạn phát triển, mục đích, khả năng chịu rủi ro, nguồn vốn, chiến lược phát triển, cách tiếp cận hoạt động kinh doanh, hướng đến những mục tiêu khác nhau, do đó đòi hỏi khung khổ pháp lý và cơ chế chính sách hỗ trợ khác nhau”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.
Để xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ hiệu quả, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đặc biệt là làm rõ nội hàm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, ban hành các quy định về loại hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng như hoạt động liên quan là ưu tiên cần làm về mặt chính sách.
Theo ông James Tan, Quản lý Quỹ Đầu tư Quest Ventures, việc phát triển mô hình quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và hình thành một môi trường đầu tư khởi nghiệp sáng tạo minh bạch và an toàn sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn trong và ngoài nước hiệu quả; đồng thời giúp các nhà đầu tư thoát khỏi những lúng túng trong quá trình tổ chức hình thức đầu tư phù hợp với mong muốn của mình.
Thứ trưởng Hoàng Minh cũng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo. Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang tập trung xây dựng Nghị định này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.