Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tuy nhiên, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các nhà khoa học ở Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản cần vượt qua, đòi hỏi nỗ lực từ nhiều phía.
Nhà khoa học trẻ còn lúng túng
Bước chân ra khỏi “tháp ngà”, nhiều nhà khoa học trẻ ở các trường đại học, viện nghiên cứu đang làm quen với hệ sinh thái khởi nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: "Có nhiều gian truân với những nhà khoa học có ý định khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu của mình. Hành trình khởi nghiệp bắt đầu hoàn toàn từ con số không. Chúng tôi có sản phẩm lõi và loay hoay tìm đường ra thị trường. Những người làm công nghệ giờ phải học tư duy kinh doanh...”.
PGS.TS Mai Anh Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định, ý tưởng từ giảng đường, phòng thí nghiệm ra thị trường gặp nhiều trắc trở, đặc biệt là các thủ tục hành chính, quy định tài chính... Với các doanh nghiệp, việc định giá một ý tưởng sáng tạo rất đơn giản. Nhưng trong môi trường đại học, ai định giá, định giá thế nào, xác định góp vốn, thoái vốn ra sao… là những vấn đề mà để có được câu trả lời thì thời gian phải tính theo năm...
Phó Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank Bùi Xuân Hương cho biết, các khó khăn mà nhà khoa học khi khởi nghiệp thường gặp đầu tiên phải kể đến tài chính (vốn). Thực tế, ngân hàng rất ngại cho các doanh nghiệp khởi nghiệp vay vì rủi ro cao. Phía doanh nghiệp khởi nghiệp cũng e ngại gặp ngân hàng vì quy mô nhỏ, chưa có kinh nghiệm và tài sản bảo đảm.
"Bởi vậy, để quyết định đầu tư, ngoài việc xem xét ý tưởng có tiềm năng hay không, chúng tôi còn phải quan tâm việc triển khai ý tưởng đó có đáp ứng được các tiêu chí ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp). Khi thỏa mãn các điều kiện đó, chúng tôi mới quyết định tài trợ”, ông Bùi Xuân Hương chia sẻ.
Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á Nguyễn Phi Vân cho rằng, cách tốt nhất là các nhà khoa học nên nghiên cứu theo đơn đặt hàng của xã hội và doanh nghiệp. Bởi nhà đầu tư chỉ quan tâm công trình nghiên cứu đó có thể đưa vào sử dụng ngay cho doanh nghiệp, giúp nâng cấp sản phẩm, dịch vụ hiện có, hoặc ra sản phẩm mới. Các nhóm nghiên cứu cũng nên xác định, nghiên cứu để đơn vị khác ứng dụng hay tự nhóm sẽ thương mại hóa sản phẩm, bởi mỗi cách làm cần đội ngũ nhân lực khác nhau.
Là doanh nghiệp mới khởi nghiệp từ tháng 9-2022 nhưng nhờ định hướng phù hợp với xu thế phát triển xanh cùng chiến lược sản xuất, kinh doanh bài bản, Công ty cổ phần Nhựa sinh học Buyo (Buyo Bioplastics) đã đạt được nhiều thành tựu đáng nể: Quán quân Techfest Việt Nam 2023; giành giải thưởng trị giá 15.000 USD tại cuộc thi 100 Accelerator của AB InBev; được Quỹ Antler (Singapore) cam kết hỗ trợ từ giai đoạn ươm mầm ý tưởng đến khi trưởng thành...
Trong gần 2 năm qua, Buyo đã thu hút 800.000 USD của các nhà đầu tư quốc tế. Tiến sĩ Trịnh Thị Hòa, đồng sáng lập Buyo chia sẻ, để đưa sản phẩm ra thị trường với nhà khoa học là vấn đề khó khăn. Vì thế, trong đội ngũ cần có người làm về thương mại, người thực sự có tầm nhìn và có năng lực điều hành.
Tạo thuận lợi để khởi nghiệp
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hưng nhìn nhận: "Để có thêm trải nghiệm, các nhà khoa học trẻ nên tham gia các cuộc thi khởi nghiệp... Cuộc thi Techfest 2023 đã giúp chúng tôi gặp gỡ được nhiều dự án khác, giúp tôi học hỏi được nhiều điều và giúp các sản phẩm của mình lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng”.
Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Trịnh Thị Hòa cho biết, khi tham gia Techfest 2023, dự án nhựa sinh học Buyo được Bộ Khoa học và Công nghệ khuyến khích đăng ký doanh nghiệp khoa học công nghệ, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm đến khách hàng... Các bạn trẻ khởi nghiệp cần tìm kiếm cơ hội tham gia các giải thưởng, các vườn ươm khởi nghiệp, những chương trình tăng tốc… để dễ tiếp cận sự hỗ trợ.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang thông tin, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang triển khai nhiều chương trình, xây dựng, sửa đổi các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học phát huy năng lực sáng tạo; kích cầu công nghệ từ khu vực doanh nghiệp, cũng như tăng cường năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp thông qua khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, thành lập cơ sở R&D (nghiên cứu và phát triển), doanh nghiệp khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài bằng cơ chế Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED). Qua đó, các nhà khoa học trẻ được khuyến khích sáng tạo, được hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản, tiếp cận trình độ khu vực và thế giới. Quỹ NAFOSTED đã có nhiều thay đổi, tạo thuận lợi hơn để các nhà khoa học trẻ có cơ hội làm chủ nhiệm đề tài, tham gia các hội nghị hội thảo quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.