(HNM) - Tản Hồng, huyện Ba Vì là xã có tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở cho người dân thấp nhất thành phố. Sự chậm trễ này không những khiến người dân có nhu cầu phát triển sản xuất khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà còn gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai cho chính quyền địa phương.
Chậm tháo gỡ vướng mắc
Tản Hồng là xã đông dân, với hơn 12.000 nhân khẩu sinh sống ở 4 thôn La Thượng, La Phẩm, La Thiện và Vân Sa. Người dân nơi đây chủ yếu sống thuần bằng nghề nông, khoảng 30% số hộ tham gia nghề mộc, xây dựng, gò hàn và kinh doanh dịch vụ. Cuộc sống của họ càng trở nên khó khăn hơn khi chưa được tiếp cận với các nguồn vay phát triển kinh tế hộ gia đình. Theo ông Hoàng Minh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Tản Hồng, tính đến thời điểm này, tỷ lệ cấp sổ đỏ ở xã Tản Hồng mới đạt 11% (259 hộ), xếp vào diện thấp nhất thành phố. Điều đáng nói, số hộ đã được cấp sổ đỏ nêu trên phần lớn là những hộ được chọn làm điểm vào năm 1994 ở thôn La Thượng (248 hộ), mãi tới đầu năm 2011 xã mới hoàn thiện các thủ tục trình huyện cấp thêm được 11 sổ đỏ.
Nguyên nhân của tình trạng "mắc kẹt" trong việc làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân ở xã Tản Hồng là do bản đồ đất đai của xã sai sót quá nhiều. Có những gia đình diện tích đất ở trên bản đồ chênh lệch so với thực tế vài chục mét vuông. Mặc dù đã phát hiện ra điều này từ năm 1994 nhưng do chưa quan tâm đầy đủ đến việc khắc phục nên đến năm 2009, Tản Hồng mới mời cơ quan chuyên môn về khảo sát, đo đạc và công khai thủ tục cấp sổ đỏ nên rất ít hộ gia đình hoàn chỉnh hồ sơ để xin cấp sổ đỏ. Không những thế, đến thời điểm này, các khoản thu nộp cho việc cấp sổ đỏ theo quy định đã tăng nhiều so với trước khiến nhiều hộ gia đình không còn mặn mà nên việc đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ càng khó khăn. Hiện nay, đa số những hộ muốn được cấp sổ đỏ đều là các hộ có đất nằm ở khu trung tâm xã, ven đường, những hộ làm ăn lớn có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất và những hộ cơi nới ra đất công. Mặt khác, Tản Hồng là xã có số người đi làm ăn xa khá đông, thủ tục cấp sổ đỏ lại yêu cầu rất chặt chẽ đối với các trường hợp chia tách hộ hoặc cho tặng đất đai cho con cái như: phải có đủ chữ ký của toàn bộ thành viên trong gia đình... Vì vậy, từ đầu năm đến nay, mặc dù đã đẩy mạnh công tác này nhưng số hồ sơ đủ thủ tục nộp lên xã rất ít. Ông Nguyễn Xuân Trường, cán bộ địa chính xã Tản Hồng cho biết, từ đầu năm đến nay, trong tổng số 500 hộ dân tại thôn La Thượng, hội đồng cấp sổ đỏ xã Tản Hồng mới tạm xét duyệt được 8 trong tổng số 29 hộ làm đơn xin cấp sổ đỏ. Trong 8 hộ này chỉ có 4 hộ là đầy đủ thủ tục, còn 4 hộ phải bổ sung thêm một số giấy tờ liên quan đến việc cấp sổ đỏ.
Để đẩy nhanh tiến độ
Qua tìm hiểu tình hình, không chỉ riêng gì xã Tản Hồng, tiến độ cấp sổ đỏ ở tại các địa phương khác của huyện Ba Vì cũng rất chậm. Đến thời điểm này, huyện Ba Vì mới cấp được 37.202 sổ đỏ, đạt 74%, tỷ lệ này là thấp so với bình quân chung của toàn thành phố. Phần lớn diện tích chưa được cấp sổ đỏ do chưa thể hiện trên bản đồ, số liệu báo cáo tổng hợp của một số xã chưa thật sự đầy đủ về thông tin chi tiết thửa đất, diện tích, loại đất... Trong khi đó, hệ thống hồ sơ địa chính làm cơ sở cấp sổ đỏ chủ yếu dựa vào bản đồ đo đạc từ những năm 1980 quá cũ nát, không đầy đủ, thiếu tính pháp lý, biến động rất nhiều gây khó khăn và làm kéo dài thời gian, trình tự trong quá trình thiết lập hồ sơ cấp sổ đỏ. Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp sổ đỏ, huyện Ba Vì cần rà soát lại hiện trạng đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp sổ đỏ tổng thể để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời hoàn chỉnh bộ máy quản lý, nâng cao trình độ cán bộ, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn, nhất là cán bộ địa chính ở cấp xã. Ở khía cạnh khác, huyện Ba Vì cũng cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng đất đai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai để người dân hiểu và chấp hành một cách nghiêm túc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.