(HNMO) - Tới 6h ngày 28-3, toàn thế giới ghi nhận 592.975 trường hợp nhiễm Covid-19 tại 199 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 27.187 người đã tử vong và 132.520 người hồi phục.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, việc thiếu trầm trọng các thiết bị bảo hộ dành cho nhân viên y tế đang phải chống chọi với đại dịch là một trong những mối đe dọa cấp thiết nhất đối với công cuộc đấu tranh cứu người này. Ông Ghebreyesus cũng cho biết, WHO đã vận chuyển gần 2 triệu thiết bị bảo hộ cá nhân tới 74 quốc gia và đang chuẩn bị gửi số lượng tương đương tới 60 quốc gia nữa.
Châu Mỹ
Số người nhiễm tại Mỹ đã lên tới 101.321 trường hợp, tăng 15.886 ca, đưa quốc gia này trở thành nước có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, vượt qua cả Italia và Trung Quốc. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cũng cho thấy, thành phố New York là nơi có nhiều ca nhiễm nhất, chiếm hơn 50% số ca nhiễm của Mỹ. Lực lượng công binh của Lục quân Mỹ thông báo đang cân nhắc khả năng chuyển đổi khoảng 100 cơ sở tại nước này thành các bệnh viện dã chiến để hỗ trợ cuộc chiến chống dịch bệnh.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng đã ký ban hành dự luật này.
Gói kích thích kinh tế là biện pháp cứu trợ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ, bao trùm một loạt lĩnh vực rộng lớn của xã hội, như các khoản hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết người dân Mỹ, trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thực phẩm, các khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ, các quỹ hỗ trợ cho các bệnh viện bị quá tải và những ngành chịu ảnh hưởng lớn như hàng không…
Trợ cấp thất nghiệp sẽ tăng thêm 600 USD/tuần và những người trước đó không đủ điều kiện được hỗ trợ như những người tự làm chủ cũng sẽ được nhận trợ cấp. Trong khuôn khổ gói cứu trợ này, mỗi người Mỹ trung lưu và thu nhập thấp sẽ được nhận một tấm séc trị giá 1.200 USD, người có con nhỏ sẽ được nhận thêm 500 USD/cháu.
Tại Canada, số ca nhiễm Covid-19 cũng tăng lên khá nhanh, thêm 646 trường hợp, hiện ở mức 4.689 người.
Châu Á
Dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) đã tiến hành cuộc họp phân tích về cách thức ứng phó Covid-19 và tình hình kinh tế.
Tuyên bố đưa ra sau cuộc họp nêu rõ nhiệm vụ cơ bản trước mắt của Trung Quốc là tập trung ứng phó với dịch Covid-19, duy trì xu hướng tích cực hiện nay trong khống chế dịch bệnh. Các khu vực chịu tác động của dịch bệnh cần bảo đảm các biện pháp kiểm soát, điều trị tích cực cho bệnh nhân, đồng thời với việc khôi phục cuộc sống thường nhật cho người dân. Các khu vực có nguy cơ thấp cần cảnh giác, thường xuyên kiểm tra y tế để nhanh chóng phát hiện và xử lý các ca nhiễm mới, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát trở lại.
Châu Âu
Số người lây nhiễm tại Italia đã chính thức vượt Trung Quốc, khi lên mức 86.498 ca. Đây là tỷ lệ nhiễm 1.431 người/1 triệu dân, chỉ đứng sau Thụy Sĩ, vốn đang ở mức 1.494 ca/1 triệu dân. Thụy Sĩ đang có 12.928 ca nhiễm Covid-19, tăng tới 1.117 trường hợp.
Trong khi đó, số người chết tại Tây Ban Nha tăng đột biến, ghi nhận thêm 773 trường hợp. Hiện nay, số ca tử vong do Covid-19 tại quốc gia này cũng đã vượt Trung Quốc, khi lên tới 5.138 người. Tây Ban Nha hiện cũng có số ca nhiễm bệnh tăng mạnh với 7.933 trường hợp, nâng tổng số người nhiễm lên 65.719 ca.
Cùng ngày, Pháp thông báo kéo dài thời gian phong tỏa đến ngày 15-4, thay vì đến 31-3 như dự kiến ban đầu. Quốc gia này hiện có 32.964 người nhiễm bệnh, tăng 3.809 trường hợp. Cũng theo thống kê, một phần ba số bệnh nhân nhập viện dưới 60 tuổi. Ngoài ra, 85% trường hợp tử vong là trên 70 tuổi.
Sau cuộc họp Hội đồng an ninh quốc gia, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmes cũng đã quyết định kéo dài lệnh cách ly diện rộng thêm 2 tuần - tức đến ngày 19-4, nhằm làm chậm sự lây lan của dịch Covid-19. Hiện, Bỉ ghi nhận 7.284 trường hợp nhiễm Covid-19 và 289 người tử vong.
Châu Phi
Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên khắp châu lục này đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong. Giám đốc khu vực của WHO tại châu Phi, bà Matshidiso Moeti cảnh báo, lục địa đen phải đối mặt với sự tiến triển đáng lo ngại của đại dịch.
Bà Moeti cũng cho biết đã có 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của WHO đang bị dịch tấn công, trong khi một tháng trước đó chỉ có một nước bị ảnh hưởng. Tuy 42 quốc gia đã được trang bị để có thể chẩn đoán bệnh nhưng cơ sở hạ tầng y tế yếu kém sẽ khiến châu Phi gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi chính phủ các nước phải tìm các phương pháp khác để giảm thiểu sự lây lan của SARS-CoV-2. Tới nay, các quốc gia châu Phi đã ra lệnh đóng cửa biên giới để đối phó với đại dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.