(HNM) - Thời gian gần đây tình trạng lấn chiếm đê điều, hành lang Sông Tích đoạn qua địa bàn xã Cần Kiệm (Thạch Thất) diễn biến khá phức tạp. Đặc biệt, nhiều trường hợp còn được chính quyền địa phương cấp đất giãn dân trên diện tích hành lang thoát lũ, gây bức xúc dư luận...
Công trình 3 tầng đang hoàn thiện nằm trong hành lang Sông Tích đã được cấp “sổ đỏ”. |
Theo phản ánh của người dân, Sông Tích chảy qua địa bàn xã Cần Kiệm có hơn 20 trường hợp xây dựng công trình vào hành lang bảo vệ đê bao và hành lang thoát lũ Sông Tích. Chỉ tay vào ngôi nhà 3 tầng đang trong quá trình hoàn thiện, ông Kiều Văn Chiến, công chức địa chính xã Cần Kiệm cho biết, đó là hộ gia đình ông Đặng Văn Thiện ở khu vực Cửa Quán, thôn Phú Lễ. Ông Thiện thuộc diện được cấp đất giãn dân năm 2005, với diện tích là 50m2. Ngoài ra, ở khu vực này còn có 15 hộ dân khác cũng được chính quyền địa phương cấp đất giãn dân, trong đó có 6 hộ đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, 10 hộ đang hoàn thiện hồ sơ.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Kiều Văn Lương cho biết, khu vực Cửa Quán là dải đất hồ hoang, nằm ven Sông Tích, trước đây người dân vẫn sản xuất nông nghiệp nhưng do sạt lở và ngập úng thường xuyên nên bỏ hoang. Năm 2005, xét tờ trình số 14 /TT-UBND, ngày 29-11-2005 của UBND xã Cần Kiệm và của Phòng Tài nguyên và Môi trường tại tờ trình số 110/TT-TN&MT, ngày 16-12-2005, UBND huyện Thạch Thất ban hành quyết định thu hồi gần 20.000m2 đất trên địa bàn xã Cần Kiệm để chuyển thành đất ở giao cho 128 hộ dân, trong đó có 16 hộ dân ở thôn Phú Lễ với diện tích gần 1.000m2 tại khu vực Cửa Quán (diện tích mỗi hộ từ 50 đến 90m2).
Theo bản đồ giải thửa, chiều dài các thửa đất tính từ mép đường đê bao hữu Tích ra phía ngoài mép sông là 10m. Quan sát trên thực tế, nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa kiên cố, dùng cọc bê tông đóng ra phía Sông Tích làm nhà. Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Thạch Thất (đơn vị được phân cấp quản lý hệ thống đê bao Sông Tích), việc cấp đất như vậy là chưa đúng vì nằm trong hành lang thoát lũ Sông Tích. Phải chăng, khi UBND xã Cần Kiệm lập tờ trình xin cấp đất giãn dân ở khu vực Cửa Quán chưa xem xét đầy đủ các quy định pháp luật về đê điều; UBND huyện Thạch Thất đã thiếu kiểm tra, xem xét trước khi quyết định cấp đất cho các hộ dân ở khu vực Cửa Quán, xã Cần Kiệm?
Không chỉ cấp đất giãn dân vào hành lang bảo vệ đê, bên bờ tả Tích thuộc thôn Phú Lễ còn có 5 trường hợp đổ đất làm sân bóng đá, dựng lều, lán vào hành lang sông từ năm 2011 đến nay vẫn chưa được xử lý, giải tỏa. Nghiêm trọng nhất là trường hợp vi phạm của gia đình ông Kiều Văn Tuân và Nguyễn Văn Sạ, xây nhà và công trình phụ trên hành lang thoát lũ Sông Tích, đã vi phạm nghiêm trọng Khoản 5, Điều 7; Điểm b, Khoản 2, Điều 23 Luật Đê điều 2006. Giải thích về những vi phạm này của người dân, ông Kiều Văn Chiến cho biết, do các hộ dân đã được cấp "sổ đỏ" nên cán bộ chuyên môn của xã chủ quan không kiểm tra. Và điều đáng ngạc nhiên là chính quyền địa phương không lập biên bản xử lý cả vi phạm cũ và vi phạm mới. Phóng viên Báo Hànộimới đặt lịch và gửi nội dung làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thạch Thất về việc cấp đất giãn dân và cấp "sổ đỏ" cho các hộ vi phạm hành lang bảo vệ đê Sông Tích đã nhiều ngày nhưng chưa nhận được phản hồi.
Trả lời câu hỏi "UBND thành phố đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương quyết liệt xử lý vi phạm đê điều nhưng vì sao đến nay trên địa bàn huyện vẫn có những vi phạm nghiêm trọng", ông Nguyễn Doãn Tuyến, Phó phòng Kinh tế huyện Thạch Thất cho biết: Thực hiện Quyết định số 4862 ngày 25-9-2015 của UBND thành phố về "rà soát, thống kê, xử lý vi phạm các công trình đê điều thủy lợi trên địa bàn thành phố, năm 2015, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Quyết định 6461 ngày 2-10-2015 và Kế hoạch 223 ngày 9-12-2015... yêu cầu các xã, thị trấn lập báo cáo chi tiết các trường hợp vi phạm đê điều và công trình thủy lợi trên địa bàn, đồng thời triển khai kế hoạch giải tỏa vi phạm xong trước ngày 31-12-2015. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Tuyến, do thời gian gấp, huyện còn nhiều công việc phải giải quyết nên chưa giám sát được việc triển khai ở các xã, thị trấn và cũng chưa ra quân xử lý, giải tỏa vi phạm (?). Ông Tuyến cho rằng, để xảy ra vi phạm pháp luật đê điều, thủy lợi, trách nhiệm chính thuộc về chính quyền các xã khi không phát hiện, xử lý, giải tỏa vi phạm ngay khi phát sinh, đến khi các công trình vi phạm hoàn thành mới báo cáo nên rất khó xử lý. Điều người dân mong muốn là xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm, chứ không phải là đùn đẩy trách nhiệm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.