Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực NTBD: Hy vọng xen lẫn băn khoăn

An Nhi| 14/09/2013 06:34

(HNM) - Cách đây ba tháng, tại hội nghị lấy ý kiến công khai nhất về việc cấp Chứng chỉ hành nghề cho nghệ sĩ, người mẫu trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH,TT&DL) tổ chức đã có nhiều ý kiến băn khoăn, nghi ngờ về tính hiệu quả của thủ tục này.

Việc cấp chứng chỉ hành nghề cho người mẫu, ca sĩ rất cần nhưng không thể vội vàng.


Dở - hay Chứng chỉ hành nghề

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương nêu rõ, việc cấp Chứng chỉ hành nghề (Chứng chỉ) để nâng cao trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ và người mẫu, giúp quản lý lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn hiệu quả và để khán giả "sàng lọc", lựa chọn những ai có đủ tư cách biểu diễn nghệ thuật để xem. Trước mắt, Chứng chỉ thực sự cũng gây nhiều phiền toái và xáo trộn trong đời sống biểu diễn. Ví dụ như việc tất cả nghệ sĩ, người mẫu đều đồng loạt xin cấp Chứng chỉ, làm hồ sơ, thủ tục hành chính thì sẽ tạo một độ trễ nhất định ở phía tiếp nhận, cấp Chứng chỉ, nguy cơ cản trở công tác hành chính khác và cả công việc tổ chức biểu diễn rất cao. Trong khi, dự kiến là tháng 1-2014, tức là 3 tháng nữa, Chứng chỉ đã có hiệu lực thi hành. Nhiều người cũng e ngại việc dễ lặp lại tình trạng tiêu cực, kiểu một "giấy phép con" như chục năm trước đây đã phải bãi bỏ. NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng, nếu có một Hội đồng thẩm định nghệ sĩ, người mẫu đủ tiêu chuẩn hay không mới cấp Chứng chỉ thì sẽ gây phức tạp, nhưng nếu không có thì tình trạng cấp Chứng chỉ tràn lan, cẩu thả sẽ vẫn khó để sàng lọc được các đối tượng đứng trên sân khấu biểu diễn.

Song, xem xét kỹ trong thực tế thời gian qua cho thấy, việc nghệ sĩ biểu diễn buộc phải có Chứng chỉ trước khi lên sân khấu là cần thiết. Như trường hợp "bà Tưng", nếu Chứng chỉ có hiệu lực thì không có chuyện cô này được ngang nhiên biểu diễn, ngay cả các quán bar, nhà hàng. Bởi dù những địa điểm này trong các văn bản pháp luật thì không phải là nơi biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, nhưng vẫn phải báo trước về các chương trình biểu diễn cũng như đối tượng biểu diễn cho cơ quan quản lý văn hóa địa phương. Do đó, ai không đủ tư cách đứng trên sân khấu sẽ không được biểu diễn. Tương tự, nếu có Chứng chỉ cơ quan quản lý địa phương có thể "tước" của Angela Phương Trinh ngay khi cô biểu diễn phản cảm tại Hà Nội, chứ không thể có chuyện cô tiếp tục tái diễn tại Hải Phòng. Và các cấp quản lý cũng không phải làm đủ các loại thủ tục kiểm tra rồi mới có thể đưa ra văn bản tạm dừng cấp phép biểu diễn của Angela Phương Trinh. Nói cách khác, Chứng chỉ là một chế tài mạnh để cơ quan quản lý "phạt nguội" bất cứ trường hợp vi phạm nào một cách đơn giản, thuận tiện và tránh được sự lùm xùm trên các phương tiện thông tin đại chúng như hiện nay.

"Chứng chỉ sẽ giúp giới người mẫu chuyên nghiệp giữ được uy tín hơn, vì trước nay những người mẫu ăn mặc, trình diễn phản cảm, tham gia bài bạc, mại dâm... thường hoạt động tự do, mang tiếng cho những người làm nghề nghiêm túc", ông Trần Thanh Long, Giám đốc Công ty Người mẫu PL nói. Ca sĩ Mỹ Linh cũng đã khảng khái ủng hộ, rằng Chứng chỉ là một công cụ văn minh, sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của ca sĩ chân chính, không để các đối tượng không xứng đáng lên sàn diễn.

Và "Ít ra việc cấp Chứng chỉ sẽ giúp Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành nắm được số lượng nghệ sĩ, người mẫu đang hoạt động ở địa phương để quản lý, xử phạt nếu có vi phạm. Tránh tình trạng đùn đẩy hoặc không rõ trường hợp vi phạm ở đâu để xử lý", Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương đề cập thêm.

Tính sao để hiệu quả?

Đề cập đến tiến độ, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương cho biết, vẫn tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan chức năng, các sở VH,TT&DL, các đơn vị tổ chức nghệ thuật biểu diễn, nghệ sĩ đến hết tháng 9 này. Trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền, Cục sẽ công bố rộng rãi nội dung đề án, tổ chức hội nghị góp ý thêm để hoàn thiện. Theo như đề án, trước mắt, đối tượng buộc phải có Chứng chỉ mới được lên sân khấu là ca sĩ và người mẫu (dự kiến vào tháng 1-2014) được Cục đề xuất là điều dễ hiểu. Bởi lâu nay, hai đối tượng trên thường xuyên có những vi phạm gây phản cảm cho người xem. Tuy nhiên, cũng phải tính toán kỹ, sao cho Chứng chỉ phát huy hết được tính hiệu quả trong một thị trường biểu diễn đầy rối ren như hiện nay.

Trong thực tế, Sở VH,TT&DL Hà Nội cũng đang vấp phải những khó khăn trong công tác quản lý văn hóa. "Mỗi đêm, ở thành phố có hàng trăm tụ điểm biểu diễn, thanh tra sở thì "mỏng" không thể ngày nào cũng rà soát hết các tụ điểm. Vì vậy, Cục phải xem xét và tham khảo ý kiến thật kỹ, để Chứng chỉ cấp cho nghệ sĩ không ảnh hưởng đến các văn bản quy phạm pháp luật khác về kinh doanh, tổ chức biểu diễn" - ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Nội nhận định.

Đại diện một đơn vị tổ chức biểu diễn chuyên nghiệp tại Hà Nội có nêu giả thiết: "Mỗi lần tổ chức một show diễn chúng tôi lại phải sao một loạt các Chứng chỉ kẹp vào hồ sơ cấp phép. Như vậy dễ xảy ra tình trạng nghệ sĩ sao hàng loạt Chứng chỉ, còn đơn vị tổ chức thì lại không rõ ai đã bị tước Chứng chỉ để loại ra?". Vậy, nên chăng trong đề án này, Cục yêu cầu các cơ quan quản lý công khai và liên tục cập nhật những trường hợp bị xử phạt, bị tước Chứng chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng để các đơn vị tổ chức kiểm soát đối tượng trước khi xin cấp phép biểu diễn. Nhưng, nếu Chứng chỉ cấp cho nghệ sĩ, người mẫu không đi kèm các chế tài đủ mạnh thì mới chỉ giải quyết được phần "phạt nguội" đơn giản, thuận tiện. Còn mục đích lâu dài là nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nghệ sĩ, xây dựng, phát triển nền nghệ thuật biểu diễn lành mạnh, nâng cao đời sống thưởng thức văn hóa của người dân e còn hơi xa vời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp Chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực NTBD: Hy vọng xen lẫn băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.