Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp bách tìm nguồn nước thay thế

Nguyễn Lê| 13/04/2016 07:08

(HNM) - Mùa khô tại các tỉnh phía Nam đang lên đến đỉnh điểm, dẫn tới nguy cơ thiếu nước sạch sinh hoạt diễn ra trên diện rộng, trong đó có TP Hồ Chí Minh.

TP Hồ Chí Minh cần có hồ chứa nước thô để cung cấp nước ổn định cho các nhà máy nước.


Sông Đồng Nai và sông Sài Gòn là hai nguồn cung cấp nước chính phục vụ cho hoạt động cấp nước của TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, hiện hai con sông này đang bị mặn xâm nhập, chất lượng nguồn nước cũng bị suy giảm nghiêm trọng. Giải pháp tìm nguồn nước thay thế đang đặt ra vô cùng cấp thiết.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), từ đầu năm đến nay đơn vị này đã phải nhiều lần ngừng lấy nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn tại một số thời điểm vì các nhà máy không thể xử lý được nước nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép. Bên cạnh nhiễm mặn, chất lượng nguồn nước trên hệ thống hai con sông này đang từng ngày bị suy giảm nghiêm trọng do nước thải ô nhiễm từ các khu dân cư, khu công nghiệp nằm ở phía thượng lưu.

Kết quả quan trắc mới đây cho thấy, một số chỉ tiêu nước thô lấy từ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai không còn đáp ứng được quy chuẩn cấp nước. Điều này khiến hoạt động của hệ thống cấp nước tại TP Hồ Chí Minh có lúc phải ngưng trệ trong nhiều giờ. Thời gian gần đây, tần suất cúp nước trên địa bàn thành phố diễn ra thường xuyên hơn. Không chỉ các quận, huyện vùng ven mà các quận khu trung tâm như Bình Thạnh, Quận 10, Quận 11... cũng ảnh hưởng.

Tại hội thảo chuyên đề "Hồ trữ nước bảo đảm cấp nước an toàn cho TP Hồ Chí Minh" diễn ra mới đây, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã hiến kế nhằm giúp TP Hồ Chí Minh chủ động hơn trong hoạt động cấp nước. Theo đó, trong trường hợp không thể lấy nước từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, TP Hồ Chí Minh buộc phải lấy nước từ hồ Dầu Tiếng (Bình Dương) hoặc hồ Trị An (Đồng Nai).

Tuy nhiên, hiện hồ Dầu Tiếng cách Nhà máy Nước Tân Hiệp (Hóc Môn) tới 53km, địa hình tương đối bằng phẳng nên khó tạo thế cho dòng chảy. Theo tính toán, để đầu tư tuyến ống ngắn nhất từ hồ này tới trạm bơm Hòa Phú (thuộc Sawaco) lên tới 65km chưa kể phải đầu tư thêm hai tuyến ống phụ và một số trạm bơm khác, chi phí có thể đội lên tới hàng tỷ USD. Thời gian xây dựng có thể lên tới 10 năm.

Chính vì vậy, giải pháp được nhiều chuyên gia Việt Nam và Hà Lan cho là khả thi đó là xây dựng hồ chứa nước nhằm bảo đảm nguồn nước thay thế. Ông Đặng Hoài Vĩnh (Viện Địa lý và Tài nguyên TP Hồ Chí Minh) cho rằng, phương án làm hồ ngăn mặn đa chức năng bằng cách tận dụng hệ thống kênh rạch hiện hữu trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là giải pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất. Theo ông Vĩnh, khu vực kênh Láng The và kênh Địa Phận (huyện Củ Chi) có thể cải tạo để làm hồ chứa nước đa chức năng. Theo đó, hai tuyến kênh này dài 22km sẽ được xây dựng để bảo đảm mặn không thể xâm nhập được, chuyển thành hồ chứa nước ngọt để cung cấp nước cho các nhà máy thay vì bằng đường ống thì bằng kênh hở.

Đồng tình với ý tưởng này, ông Rik Dierx (Công ty Vitens Evides International tại Việt Nam) cho rằng, hồ chứa nước thô sẽ giúp các nhà máy nước ổn định nguồn nước hơn thay vì phải phụ thuộc nguồn nước trên các con sông. Trong khi đó, UBND TP Hồ Chí Minh đã chấp thuận giao Sawaco nghiên cứu các phương án phát triển các nguồn nước khác nhau để nâng cao năng lực phòng, dự trữ và cấp nước sạch cho người dân thành phố. Trong số các phương án này có việc xây dựng hồ dự trữ nước thô nhằm chủ động trong khai thác nước sông, bảo đảm cung cấp nước liên tục và duy trì hoạt động của các nhà máy nước khi nguồn nước sông bị xâm nhập mặn và ô nhiễm.

Trao đổi với Báo Hànộimới về kế hoạch này, ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, do đây chỉ mới là chủ trương và trong giai đoạn tiền nghiên cứu nên chưa có phương án thiết kế cụ thể cũng như vốn đầu tư. Tuy nhiên, theo tính toán, vốn đầu tư ban đầu của dự án có thể lên tới 450 triệu USD. Theo Sawaco, đây là khoản kinh phí không nhỏ trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn.

Để bảo đảm nguồn nước sạch sinh hoạt ổn định, bền vững, nhiều chuyên gia cho rằng công tác quản lý nguồn nước nên theo lưu vực sông chứ không thể theo địa giới hành chính, tỉnh nào chỉ biết tỉnh đó. Nhằm khai thác bền vững, bảo đảm lâu dài nguồn nước trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... cần hợp tác chặt chẽ, tránh mỗi địa phương quản lý theo một kiểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách tìm nguồn nước thay thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.