(HNM) - Thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng có xu hướng gia tăng tại khu vực ngoại thành. Khắc phục tình trạng này như thế nào đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Đoạn hành lang sông Cà Lồ, thuộc địa bàn xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh) bị phế thải xây dựng lấp kín. |
Gần đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ đổ trộm phế thải xây dựng lên công trình đê điều, thủy lợi, giao thông, diện tích sản xuất nông nghiệp... Vụ việc nghiêm trọng nhất xảy ra trên tuyến đê cấp 3 tả Cà Lồ, đoạn thuộc xứ đồng Đầm Vỡ - Bến Bẽ, thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn (huyện Đông Anh). Tại khu vực này, hàng chục nghìn mét khối phế thải xây dựng đổ xuống hành lang sông Cà Lồ. Khối phế thải có chiều dài khoảng 100m, rộng 20m, cao 3m. Cách đó không xa (khoảng 1km), tại Nghĩa trang thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, cũng bị hàng trăm mét khối phế thải xây dựng đổ tràn lối đi và mộ phần.
Ngoài ra, nhiều khu đất sản xuất nông nghiệp, tuyến đường trên địa bàn các xã: Xuân Nộn, Nguyên Khê, Thụy Lâm, Vĩnh Ngọc… của huyện Đông Anh; Chàng Sơn, Hương Ngải, Phùng Xá… của huyện Thạch Thất; Thanh Thùy, Cự Khê, Tam Hưng, Hồng Dương… của huyện Thanh Oai... cũng bị đổ trộm phế thải xây dựng. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm, làm xấu cảnh quan môi trường mà còn khiến người dân bức xúc.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Trần Đình Ngọc cho biết, những vị trí trên không thuộc điểm tập kết phế thải xây dựng của huyện. Khi phát hiện sự việc, huyện đã yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện biện pháp khắc phục; đồng thời, giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ để xử lý nghiêm các đối tượng đổ phế thải xâm hại công trình phòng, chống thiên tai, nghĩa trang nhân dân…
Theo Phòng Quản lý đô thị các huyện Đông Anh, Thạch Thất, Quốc Oai, Thanh Oai… nguyên nhân xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng như hiện nay là một số người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở chưa chấp hành quy định bảo vệ môi trường; một số doanh nghiệp vận tải chưa chú trọng giáo dục pháp luật cho lực lượng lái xe vận chuyển phế thải xây dựng... Để xử lý, các huyện đã giao lực lượng công an, thanh tra giao thông - vận tải phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông - vận tải huyện Đông Anh Lê Thành Điểm: Việc mật phục, bắt quả tang các đối tượng đổ trộm phế thải rất khó khăn. Nguyên nhân là lực lượng mỏng, địa bàn rộng; thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm không cố định. Hơn nữa, các đối tượng thường tìm hiểu rất kỹ tình hình trước khi thực hiện hành vi vi phạm… Ông Lê Thành Điểm cho rằng, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của nhân dân; đồng thời áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm nghiêm khắc theo quy định...
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Đồng Phước An cho biết, thành phố đã phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý chất thải rắn xây dựng. Sở Xây dựng cũng thường xuyên thông báo cho các quận, huyện, thị xã các khu vực tập kết, xử lý phế thải xây dựng tập trung của thành phố. Tuy nhiên, hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải, cá nhân kinh doanh vận tải trong lĩnh vực này chưa cao; một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt trong xử lý hành vi đổ trộm phế thải xây dựng… Để dứt điểm, các quận, huyện, thị xã cần vào cuộc quyết liệt hơn trong vận động chủ đầu tư và nhà thầu ký hợp đồng với đơn vị thu gom phế thải khi thi công công trình, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định…
“Để siết chặt hoạt động quản lý phế thải xây dựng, thời gian tới, UBND thành phố sẽ trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết giao Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ cấp giấy phép xây dựng cho các chủ đầu tư khi xuất trình được hợp đồng vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng theo quy định”, ông Đồng Phước An thông tin thêm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.