(HNM) - Khâu đánh giá có ý nghĩa quyết định đối với việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước.
TP Hà Nội tổ chức thi tuyển công chức một cách công khai góp phần nâng cao chất lượng cán bộ, công chức. |
Còn nể nang, cục bộ
Vụ việc ông Trịnh Xuân Thanh gây thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng nhưng doanh nghiệp ông quản lý vẫn được khen thưởng, bản thân được cất nhắc ở vị trí cao hơn là một trong những ví dụ rõ nhất về thực trạng yếu kém của khâu đánh giá cán bộ hiện nay. Tại diễn đàn kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu còn chỉ ra hàng loạt thiếu sót trong công tác này.
Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) cho biết, theo Nghị định 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ, CBCCVC được đánh giá, phân loại thành 4 mức. Tại Điều 27 tiêu chí phân loại đánh giá viên chức ở mức hoàn thành nhiệm vụ thì phải đạt tất cả các tiêu chí. Trong đó phải đạt tiêu chí tại Điểm d, Khoản 1, Điều 25 của Nghị định là ít nhất có một công trình khoa học, đề án, đề tài hoặc sáng kiến được áp dụng và mang lại hiệu quả trong việc thực hiện công tác chuyên môn nghề nghiệp được cấp có thẩm quyền công nhận. Việc quy định này đã gây nhiều bức xúc cho công nhân, viên chức, vì họ luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cũng như có đạo đức tốt nhưng khi cuối năm được đánh giá và phân loại là không hoàn thành nhiệm vụ vì không đạt được tiêu chí nêu trên.
Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận, việc đánh giá và phân loại CBCCVC hằng năm hiện nay có vấn đề. Bộ Nội vụ đang trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh Nghị định 56/2015/NĐ-CP.
Từ góc nhìn khác, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cho hay, nhiều nước đã áp dụng hệ thống đánh giá mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của CBCCVC và các cơ quan nhà nước như hệ thống đánh giá KPIs. Với hệ thống đánh giá này, những CBCCVC nào không hoàn thành nhiệm vụ thì tự người ta sẽ bị sa thải khỏi vị trí. Những cán bộ quản lý thấy đơn vị mình không hoàn thành nhiệm vụ thì người ta phải tự từ chức. Trong khi đó, để đánh giá xem cơ quan các bộ, ngành có hoàn thành hay không thì ở nước ta phải thành lập tổ công tác đặc biệt. Vì khâu đánh giá khó khăn, nên các cơ quan có muốn sa thải CBCCVC yếu kém cũng không dễ.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ: “Một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và đất nước”. Đây là một trong những yếu kém, khuyết điểm kéo dài chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Nguyên nhân chủ quan được xác định là: “Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ; chưa chú trọng phát hiện và có cơ chế thật sự để trọng dụng người có đức, có tài; không kiên quyết thay thế người vi phạm, uy tín giảm sút, năng lực yếu kém”.
Quyết tâm của Trung ương
Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: “Phải loại bỏ những cán bộ hư hỏng, thoái hóa, biến chất ra khỏi bộ máy. Đây là một yêu cầu hết sức cấp bách, vì vậy cần có những chủ trương, biện pháp hết sức cụ thể trong Đảng, Nhà nước, trong hệ thống chính trị”. Theo Thủ tướng Chính phủ, để tạo đột phá trong việc này, trước hết cần tạo ra tính cạnh tranh lành mạnh trong công tác cán bộ như thi cử, ký hợp đồng có thời hạn, thử thách năng lực, phẩm chất cán bộ, bầu cử có số dư, đồng thời cần thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng thực chất hơn. Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng là phải đánh giá công khai, minh bạch đối với cán bộ.
Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai (Quốc hội khóa XIV) ghi rõ yêu cầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác khen thưởng, đánh giá CBCCVC; khẩn trương tổng hợp kết quả đánh giá, phân loại chất lượng CBCCVC trong hệ thống hành chính nhà nước và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về CBCCVC; có giải pháp nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đối với CBCCVC; chú trọng đẩy mạnh đổi mới chế độ công vụ, công chức, xây dựng nền hành chính nhà nước chuyên nghiệp, hiệu quả.
Quyết tâm đổi mới công tác đánh giá cán bộ đã được Trung ương xác định cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với tinh thần: Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả và không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức và tín nhiệm thấp mà không chờ cho đến hết nhiệm kỳ và hết tuổi công tác, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị. Vì thế, Ban Tổ chức Trung ương đang phối hợp với Bộ Nội vụ tập trung hoàn thiện để trình Trung ương Đề án “xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”, đồng thời với sửa đổi, bổ sung một số quy định về công tác cán bộ. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để đổi mới công tác đánh giá cán bộ, rất đáng được kỳ vọng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.